Nhịp cầu dẫn vốn chính sách
- Cập nhật: Thứ năm, 23/7/2015 | 2:37:10 PM
YênBái - YBĐT - Với nhiệm vụ sử dụng nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xói đói giảm nghèo; những năm qua, cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Lục Yên đã đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, tổng số cán bộ, viên chức, người lao động của NHCSXH huyện Lục Yên chỉ có 14 người lại phải đảm đương một khối lượng công vệc lớn, trong khi một số xã, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách đầu tư cho vay ưu đãi đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Một số tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác dưới cơ sở chưa làm hết trách nhiệm của mình trong công tác ủy thác cho vay, dẫn đến, có lúc, có nơi, chất lượng tín dụng chưa thật sự bền vững.
Đứng trước khó khăn ấy, Chi bộ Đảng, Ban Giám đốc và tổ chức Công đoàn NHCSXH huyện luôn tranh thủ sự lãnh đạo của NHCSXH tỉnh, của cấp ủy, chính quyền địa phương, đề ra các giải pháp hợp lý và thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước cũng như nâng cao trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong toàn đơn vị. Nhờ vậy, nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng tăng trưởng nhanh, bền vững. Tổng nguồn vốn cho vay và tổng dư nợ tính đến ngày 31/12/2014 tăng gấp 1,5 lần so với ngày 31/12/2010; chất lượng tín dụng đã được cải thiện rõ rệt, nợ quá hạn giảm 1,348 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn hiện nay chiếm 0,05% trên tổng dư nợ.
Có thể nói, những năm qua, huyện Lục Yên đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên, vẫn là một huyện nghèo. Thống kê đến cuối năm 2014 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22,46%, có 10/24 xã đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, đi lại còn nhiều khó khăn, kinh tế còn chậm phát triển. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, NHCSXH huyện luôn bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế và nhiệm vụ của NHCSXH tỉnh giao, từ đó, đề ra các mục tiêu, giải pháp cho từng thời kỳ, từng giai đoạn. Nguồn vốn cho vay được duy trì tăng trưởng khá (tổng nguồn vốn cho vay luôn ở mức gần 300 tỷ đồng). Với nguồn vốn lớn và ổn định, cán bộ tín dụng đã tập trung cho vay theo các chương trình đã định và bảo đảm đúng đối tượng đã được phê duyệt theo quy định.
Theo thống kê, đến cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt 267,058 tỷ đồng, tăng so với năm 2010 là 94,202 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 54,5%; 23.423 lượt khách hàng được vay vốn với doanh số cho vay đạt 297,510 tỷ đồng; trong đó, cho vay hộ nghèo 99,6 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn 38 tỷ đồng, cho vay làm nhà ở theo Chương trình 167 gần 8 tỷ đồng, cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường hơn 20 tỷ đồng, cho vay đồng bào dân tộc thiểu số hơn 4 tỷ đồng...
Quá trình cho vay của NHCSXH huyện Lục Yên đều theo phương thức ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội. Việc ủy thác đã góp phần chuyển tải các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng và tạo điều kiện cho người vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi được nhanh chóng và thuận lợi, bảo đảm công khai, dân chủ. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác từ NHCSXH cũng mang nhiều ý nghĩa lớn, đặc biệt là thu hút thêm số lượng hội viên, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt, lồng ghép việc triển khai các chương trình, kế hoạch vay vốn với các chương trình, nội dung của các hội, đoàn thể... làm phong phú thêm các buổi sinh hoạt cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội cùng đời sống hội viên.
Nhằm giúp người dân hạn chế việc đi lại, tiết kiệm thời gian và công sức, NHCSXH huyện đã triển khai việc giao dịch tại 100% số xã, thị trấn, cùng với đó là ấn định rõ ràng, cụ thể ngày, giờ giao dịch. Ông Dương Quốc Tuấn - Giám đốc NHCSXH Lục Yên cho biết: “Không chỉ vững chuyên môn, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tư cách tốt, người cán bộ NHCSXH cần phải có kỹ năng giao tiếp và những kiến thức quản lý, sản xuất, kinh doanh khác để mỗi lần đến cơ sở, tiếp xúc với nông dân, nhất là nông dân nghèo, trình độ còn hạn chế, cán bộ ngân hàng phải tuyên truyền được chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, việc quản lý cũng như sử dụng đồng vốn vào mục tiêu sản xuất, kinh doanh sao cho hiệu quả nhất”. Có lẽ từ quan niệm này mà hình ảnh người cán bộ tín dụng NHCSXH luôn gần gũi, thân mật với bà con nhân dân các dân tộc Tày, Mường, Cao Lan ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa như: Phan Thanh, Tân Lập, Khai Trung...
Phát huy kết quả đã đạt được, NHCSXH huyện Lục Yên đã đề ra mục tiêu trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành, phát huy sức mạnh của tập thể, đoàn kết nội bộ; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể trong việc nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm và vay vốn; đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, song tận dụng tiềm năng về đất đai, đồng cỏ, xã Xà Hồ đã vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
YBĐT - Những năm qua được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cuộc sống người dân xã Phúc An (huyện Yên Bình) đã có những đổi thay.
YBĐT - Ngày 22/7, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.
YBĐT - Từ tháng 5/2015, Chi cục Thuế thành phố Yên Bái đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế, nộp thuế qua mạng điện tử. Đến nay, Chi cục đã hỗ trợ được 519 doanh nghiệp đăng ký thực hiện nộp thuế qua mạng điện tử, đạt 112% chỉ tiêu Cục Thuế tỉnh giao.