Hướng tới xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội các vùng dân tộc
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/8/2015 | 9:51:43 AM
YênBái - YBĐT - Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang thực hiện cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2015. Tỉnh Yên Bái cũng nằm trong khu vực điều tra. Để hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và những khó khăn khi thực hiện cuộc điều tra này, phóng viên YBĐT đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Bá Toản - Phó cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Yên Bái.
Điều tra viên điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình.
|
P.V: Thưa ông, được biết đây là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ thực hiện điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội của 53 DTTS. Vậy mục đích, yêu cầu của cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội của 53 DTTS là gì? Đối tượng của cuộc điều tra?
Ông Đinh Bá Toản - Phó cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Yên Bái.
Ông Đinh Bá Toản: Đây là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê thực hiện điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Cuộc điều tra này nhằm thu thập thông tin về dân số, thu nhập, điều kiện nhà ở của hộ và các điều kiện kinh tế, xã hội nhằm phản ánh thực trạng kinh tế, xã hội của 53 DTTS để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội cho các vùng DTTS. Đồng thời, làm cơ sở hình thành hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Việt Nam.
Cuộc điều tra được thực hiện còn nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu thông tin để biên soạn các chỉ tiêu thống kê phục vụ yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về DTTS ở các cấp. Kết quả điều tra còn nhằm kịp thời phục vụ việc xây dựng kế hoạch phát triển các DTTS giai đoạn 2016 - 2020. Cuộc điều tra phải thực hiện đúng các nội dung quy định phương án và sử dụng kinh phí điều tra đúng mục đích, đúng chế độ, đúng định mức, tiết kiệm và hiệu quả.
Đối tượng của cuộc điều tra thu thập thông tin về trực trạng kinh tế, xã hội của 53 DTTS năm 2015 bao gồm: nhân khẩu thực tế thường trú và các trường hợp chết của hộ DTTS; điều kiện kinh tế, xã hội và nhà ở của hộ DTTS; tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, II và III và các xã, phường, thị trấn không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng DTTS. Trong cuộc điều tra này, địa bàn vùng DTTS được định nghĩa là địa bàn có số lượng người DTTS đang sinh sống chiếm từ 30% trở lên so với tổng số dân của địa bàn đó.
P.V: Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang tiến hành việc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội của 53 DTTS năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8. Trong quá trình thực hiện cuộc điều tra này có gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Đinh Bá Toản: Đây là lần đầu tiên ngành thống kê thực hiện cuộc điều tra này với đối tượng chính của cuộc điều tra là hộ gia đình người DTTS nên gặp không ít khó khăn:
Với 11.080 hộ mẫu được chọn điều tra trên 50% là các hộ người dân tộc ít người (Mông, Dao, Sán Chay, Khơ Mú, Giáy và Phù Lá), trình độ dân cò hạn chế, tiếng phổ thông chưa thạo nên việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác gặp khó khăn.
Với quy mô mẫu nhiều, tập trung chính ở vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa nên việc tuyển chọn điều tra viên gặp khó khăn: Chọn điều tra viên có kinh nghiệm, trình độ ở địa bàn không có; chọn ở nơi khác đến điều tra thì ngôn ngữ bất đồng, phỏng vấn qua phiên dịch không kiểm soát được câu hỏi cũng như câu trả lời nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều tra.
Những ngày đầu tiến hành điều tra tại hộ, thời tiết không thuận lợi, địa bàn người dân tộc sinh sống đi lại khó khăn nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của cuộc điều tra.
Thời gian chuẩn bị cho cuộc điều tra này gấp rút nên các cấp từ trung ương đến địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, chỉ đạo, triển khai điều tra.
P.V: Trước những khó khăn trên, Cục Thống kê tỉnh đã tháo gỡ khó khăn và cách thức tiến hành ra sao để phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhằm hoàn thành tốt cuộc điều tra theo thời gian đề ra?
Ông Đinh Bá Toản: Cục Thống kê đã tham mưu với UBND tỉnh có công văn yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo tốt cuộc điều tra này trên địa bàn tỉnh Yên Bái (Công văn số 1.479/UBND-TH ngày 09/7/2015).
Chỉ đạo tốt công tác lập bảng kê 1.025 địa bàn dân tộc, phục vụ cho việc chọn mẫu hộ điều tra trên 277 địa bàn mẫu được chính xác, bảo đảm tính đại diện, để khi suy rộng số liệu điều tra phản ánh đúng thực trạng kinh tế, xã hội của các DTTS của tỉnh.
Chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ điều tra, bảo đảm sau khi tập huấn các điều tra viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phỏng vấn thu thập thông tin.
Tăng cường công tác tuyên truyền cho cuộc điều tra trên mọi phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản; từ các trưởng thôn, bản và từ chính các điều tra viên để các hộ người DTTS nắm được mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra, qua đó ủng hộ, tạo điều kiện cho cuộc điều tra bằng cách trả lời đầy đủ, chính xác các thông tin của hộ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp tỉnh (Cục Thống kê, Ban Dân tộc), cấp huyện (chi cục Thống kê, phòng dân tộc), nhằm nâng cao chất lượng của cuộc điều tra.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Hồng Duyên (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Đến hết tháng 7/2015, trên địa bàn huyện Văn Chấn có 112 cơ sở sản xuất chế biến công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, trong đó 10 cơ sở đã tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
YBĐT - Cùng với nhiệm vụ hỗ trợ hội viên nông dân về khoa học kỹ thuật, vốn, vật tư... phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong hội viên Hội Nông dân xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên còn hướng đến tính nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Những việc làm thiết thực đó là nguồn động viên lớn lao, tiếp sức cho hội viên nông dân trong xã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhận định sẽ có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tới từng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong vòng 2 tháng lễ hội vừa qua, Ấn Độ đã nhập khẩu tới 155 tấn vàng, đưa quốc gia này trở thành đất nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới.