Đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ năm, 15/10/2015 | 10:13:13 AM
YênBái - YBĐT - Những năm qua, Huyện đoàn Lục Yên đã đồng hành cùng đoàn viên thanh niên tháo gỡ khó khăn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế từng xã, thôn bản.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu (phải) ở thị trấn Yên Thế cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
|
Trong phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho ĐVTN, tổ chức tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia học nghề, lập nghiệp, tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong năm 2014, Huyện đoàn đã phối hợp với Ban tuyển sinh Trường Cao đẳng nghề Mỏ (Hồng Cẩm - Quảng Ninh) tổ chức 3 buổi giới thiệu việc làm tại các xã: An Lạc, Động Quan và Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thu hút trên 500 ĐVTN đến tham gia, tìm hiểu; tổ chức nhiều buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng nghiệp dạy nghề cho gần 1.500 lượt ĐVTN ở các xã, thị trấn trong huyện.
Đặc biệt, tổ chức tốt công tác khảo sát nhu cầu vay vốn của ĐVTN, giúp đỡ ĐVTN làm thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và lập dự án sản xuất, kinh doanh cho ĐVTN; chủ động giúp đỡ, hỗ trợ ĐVTN tiếp cận, nắm bắt các thông tin về ngành nghề, mô hình sản xuất cũng như xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm để định hướng cho ĐVTN...
Anh Hoàng Trung Chinh - Bí thư Huyện đoàn Lục Yên cho biết: “Với sự quan tâm của Đoàn cấp trên và cấp uỷ, chính quyền địa phương, huyện đoàn quan tâm định hướng nghề nghiệp, phương hướng phát triển các mô hình sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và tạo mọi điều kiện để giúp đỡ về vốn đầu tư cho ĐVTN. Hiện chúng tôi có tổng số trên 15 cơ sở đoàn nhận ủy thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với trên 56 tổ tiết kiệm, tổng dư nợ các nguồn vốn do Huyện đoàn quản lý trên 40 tỷ đồng”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Yên đã có trên 175 mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ, trong đó có trên 65 mô hình hoạt động hiệu quả. Điển hình như mô hình phát triển chăn nuôi tổng hợp lợn rừng, gà thiến, vịt, ngan và hươu sao của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu ở thị trấn Yên Thế; trang trại chăn nuôi gà thương phẩm của đoàn viên Nguyễn Văn Mừng ở xã Liễu Đô; mô hình chăn nuôi dê của đoàn viên Lục Văn Hiền ở xã Phan Thanh...
Đến thăm mô hình của anh Hoàng Trung Hiếu ở thôn Cốc Há, thị trấn Yên Thế, anh Hiếu cho chúng tôi biết: “Nhờ 300 triệu đồng tôi được vay từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn cộng với ít vốn tích cóp của gia đình, tôi đầu tư mô hình chăn nuôi tổng hợp đã giúp giải quyết việc làm cho nhân lực trong gia đình. Hiện nay, tôi phát triển đàn lợn rừng ổn định từ 60 đến trên 70 con, trong đó có 8 con lợn nái, 2 con lợn đực giống còn lại là lợn thịt.
Ngoài ra, gia đình còn nuôi khoảng 300 trăm con ngan, vịt và gần 200 con gà; trong đó, gần trăm con gà thiến giống gà đặc sản của địa phương và một cặp hươu sao. Bình quân, tổng thu nhập sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng trên 200 triệu đồng/năm”. Ngoài các mô hình phát triển kinh tế quy mô lớn, còn khá nhiều những điển hình, nhân tố là đoàn viên, thanh niên trong tìm tòi, vượt khó, vươn lên làm ăn khấm khá ở Lục Yên.
Năm 2014, Huyện đoàn đã cho ra mắt trên 37 mô hình phát triển kinh tế khá hiệu quả, điển hình như: mô hình trồng dưa hấu ở xã Minh Tiến; nuôi ếch ở xã Yên Thắng; chế tác đá quý, nội thất ở xã Tân Lĩnh; trồng cam, nuôi gà, vịt, cá... đã giúp được gần 30 hộ gia đình ĐVTN thuộc diện hộ nghèo có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Các mô hình kinh tế của ĐVTN trong huyện luôn có sự sát cánh của Huyện đoàn bảo đảm phù hợp với trình độ nguồn lao động, khai thác được tiềm năng thế mạnh ở mỗi địa phương và phát huy hiệu quả đã từng bước nâng cao đời sống ĐVTN và góp phần đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo chung của toàn huyện.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình phối hợp với Tổ chức Bảo trợ trẻ em và Từ thiện nhân đạo Thụy Sỹ khởi công xây dựng điểm trường mầm non thôn Khe Mạ.
Ngày 14/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức chương trình họp báo nhằm cung cấp thông tin về kết quả bình chọn và thông báo kế hoạch tổ chức Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015.
Bắt đầu từ ngày 15/10, Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước về mua, bán và xử lý nợ xấu sẽ chính thức có hiệu lực.
Giá vàng thế giới đang đi lên đã giúp giá kim loại quý trong nước tăng 130.000 đồng, vượt 34 triệu đồng/lượng-mốc vừa để mất trong phiên giao dịch hôm trước.