Yên Bình hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa
- Cập nhật: Thứ ba, 24/11/2015 | 9:43:29 AM
YBĐT - Với hướng đi và cách làm cụ thể, kinh tế - xã hội của huyện Yên Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều trên hai con số, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Nguyễn Văn Trọng kiểm tra sản xuất lạc dưới cốt hồ Thác Bà.
|
Từ một vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng trong một vài năm trở lại đây Yên Bình đã có sức vươn mạnh mẽ. Từ các xã vùng cao, vùng sâu như Xuân Long, Ngọc Chấn đến các xã vùng thấp như Yên Bình, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Đại Minh hay các xã dọc tuyến quốc lộ 70 như khoác lên mình một tấm áo mới; điện - đường - trường - trạm được xây dựng khang trang - tất cả là nhờ vào thành quả từ việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa.
Là huyện vùng thấp với "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" nhưng cũng đã một thời Yên Bình phải vật lộn với cái mới và cái cũ, cái bảo thủ và trì trệ, cái đói và nghèo. Làm gì để đưa Yên Bình trở thành một huyện giàu mạnh luôn là trăn trở với mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền.
Để mở lối, lãnh đạo huyện cùng các phòng ban về các địa phương tìm hiểu rõ nguyên nhân và hạn chế cũng như các thế mạnh để tìm hướng đi lên. Cùng với đó, huyện đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, chương trình phát triển kinh tế gắn thế mạnh với từng vùng, từng địa phương.
Huyện quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung: vùng lúa cao sản trên 500 ha, vùng chè nguyên liệu trồng các giống tiến bộ kỹ thuật trên 700 ha, vùng cây ăn quả đặc sản bưởi Đại Minh 200 ha, vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, Thanh Long ruột đỏ tại các xã: Mông Sơn, Bạch Hà, Vĩnh Kiên, Mỹ Gia, Tích Cốc, quy mô trên 500 ha; vùng tre măng Bát độ trên 300 ha; vùng quế 1.000 ha...
Chỉ đạo tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh và đề án phát triển sản xuất của huyện, làm cơ sở chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hỗ trợ nông dân xây dựng 4 mô hình trồng thanh long ruột đỏ, 2 mô hình mua máy cày phục vụ sản xuất, 1 mô hình hỗ trợ phân bón cho cây bưởi Đại Minh.
Các xã đã tích cực đầu tư cơ giới vào sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, trong đó chú trọng đầu tư máy móc, nhà xưởng phục vụ sản xuất, chế biến lâm sản.
Hay như vùng bán ngập hồ Thác Bà trước đây bà con vẫn cấy lúa nhưng hiệu quả thấp, thường xuyên mất mùa bởi bão lũ nay chuyển sang trồng lạc, đỗ tương. Bình quân mỗi năm có trên 350 ha lạc xuân, đặc biệt trong một hai năm trở lại đây bà con còn trồng lạc vụ thu, tuy năng suất thấp hơn nhưng giá trị kinh tế lại cao gần gấp đôi lạc xuân, và hơn thế lại chủ động được giống cho vụ xuân.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cùng lãnh đạo xã Bạch Hà kiểm tra vùng lúa sản xuất hàng hóa.
Với thế mạnh về mặt nước, nhất là đối với các xã ven vùng hồ Thác Bà huyện chỉ đạo phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chỉ tính riêng 5 năm qua huyện đã hỗ trợ đóng mới 220 lồng cá, đưa tổng số lồng nuôi cá lên 393 lồng; hỗ trợ 42 ha nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên eo ngách hồ Thác Bà, xây dựng hàng chục mô hình nuôi cá nheo trong lồng.
Nhờ hướng đi đúng đắn, hôm nay chăn nuôi thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mạnh của huyện, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Sản lượng thủy sản đánh bắt năm 2015 ước đạt 3.500 tấn, tăng 1.500 tấn so với năm 2010, giá trị thuỷ sản tăng bình quân 17%/ năm.
Song song với phát triển thủy sản, huyện cũng chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt là triển khai có hiệu quả các mô hình chăn nuôi trang trại và mô hình cơ sở nông hộ.
Toàn huyện đã có 178 cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm hàng hóa và xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả tại nhiều xã. Điển hình như hộ gia đình ông Trần Văn Hậu ở thôn Đát Dẻ, xã Vĩnh Kiên nuôi 34 con bò; ông Trần Đình Kiên ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh thường xuyên nuôi 200 con lợn; ông Lê Văn Hùng ở tổ 2 thị trấn Yên Bình chăn nuôi gà quy mô 3.000 con...
Từ những phong trào chăn nuôi đã góp phần đưa tổng đàn gia súc, gia cầm hàng năm tăng trên 5%; sản lượng thịt hơi các loại năm 2015 ước đạt 5.500 tấn, tăng 1.700 tấn so với năm 2010, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 48% giá trị ngành nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn trên địa bàn toàn huyện đến 30/6/2015 là 14,7% giảm bình quân 2,4%/năm so với năm 2011 (26,7%).
Cùng với phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, huyện còn chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khá hiệu quả. Không nằm trong khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, nhưng Yên Bình lại có khá nhiều công ty, doanh nghiệp, không chỉ lớn về số lượng mà quy mô sản xuất cũng rất lớn. Các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, chế biến các ngành nghề thế mạnh của huyện như đá, bột đá, sản xuất tinh bột sắn, chè, gỗ. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng.
Với hướng đi và cách làm cụ thể, kinh tế - xã hội của huyện đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều trên hai con số, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Cuộc sống mới đang hiển hiện trên mỗi làng quê. Dẫu vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng với những bước đi phù hợp cùng việc quy hoạch phát triển theo hướng hàng hóa và thị trường là nền tảng vững chắc cho Yên Bình phát triển.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Với cách làm riêng, huyện Văn Chấn đã “cán đích” ngoạn mục với số thu 10 tháng năm 2015 đạt hơn 91,7 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu tỉnh giao 2%), về trước thời gian sớm gần 2 tháng.
Sẽ có 6 trung tâm nghề cá lớn được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 tại địa bàn các tỉnh Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang. Tổng mức vốn đầu tư các trung tâm nghề cá này dự kiến khoảng 14.595 tỷ đồng.
YBĐT - Những ngày này, không kể nắng mưa, thứ Bảy và Chủ nhật, tranh thủ thời gian cắt điện, các nhà thầu Dự án Xây dựng và Cải tạo lưới điện trung hạ áp thành phố Yên Bái đang đẩy mạnh tiến độ thi công.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp trong cả nước. Ở Yên Bái cũng đã xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM). Hiện nay đang vào thời điểm tái đàn để chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và tết Nguyên đán, vì vậy, việc tập trung cho công tác phòng chống dịch hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách.