Lợi ích “kép” từ thực hiện chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/12/2015 | 2:51:37 PM

YBĐT - Những năm qua, chính sách về chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã giúp đời sống người dân khu vực rừng đầu nguồn các lưu vực sông, các công trình thủy điện cải thiện đáng kể, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình truyền thông “Chúng em đồng hành cùng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng” tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.
Chương trình truyền thông “Chúng em đồng hành cùng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng” tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2015, tổng số tiền ủy thác tiếp nhận từ Quỹ Trung ương và thu nội tỉnh 30,5 tỷ đồng. Trong đó, tiếp nhận từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam 19,4 tỷ đồng, thu ủy thác nội tỉnh 11,1 tỷ đồng.

Năm 2015, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thanh toán tiền DVMTR năm 2014 cho các chủ rừng với tổng số tiền 29 tỷ đồng. Với tổng diện tích rừng có cung ứng DVMTR năm 2014 trên địa bàn tỉnh được chi trả trên 167.746 ha (diện tích chưa quy đổi) thuộc 3 lưu vực sông Đà, sông Hồng, sông Chảy trên địa bàn 8 huyện, thị xã. Trong đó, diện tích rừng thuộc lưu vực sông Đà 52.631 ha, diện tích rừng thuộc lưu vực sông Hồng 68.473 ha.

Chính sách chi trả tiền DVMTR triển khai đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng, đặc biệt ở các vùng nông thôn, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đơn giá chi trả DVMTR năm 2014 thuộc lưu vực sông Đà đạt mức 429.240 đồng/ha/năm, trong khi đó mức khoán bảo vệ rừng tại huyện 30a 300.000 đồng/ha/năm.

Ngoài ngân sách hỗ trợ giao khoán bảo vệ, các hộ gia đình còn được nhận thêm tiền DVMTR với đơn giá 74.750 đồng/ha (lưu vực sông Chảy) và 61.160 đồng/ha (lưu vực sông Hồng). Từ kết quả đó cho thấy, cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã đóng góp một phần trong tổng thu nhập của người dân, từng bước nâng cao ý thức người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Ông Kiều Tư Giang - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: “Thực tế cho thấy, hiện nay, người dân các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh đã ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Các chủ rừng là tổ chức đã tiến hành giao khoán rừng ổn định lâu dài cho các hộ gia đình nên tạo sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chủ rừng với hộ gia đình và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực rừng chi trả tiền DVMTR không còn xảy ra. Cụ thể, năm 2015, chính sách DVMTR đã góp phần làm giảm 23% số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng so với năm 2014”.

Với những kết quả đạt được, năm 2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiến hành thanh toán tiền DVMTR năm 2015 cho các chủ rừng bảo đảm đúng thời gian, đúng quy định; tăng cường công tác tuyên truyền bằng mọi hình thức về chính sách chi trả DVMTR để người dân hiểu rõ hơn về chính sách; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động chi trả tiền DVMTR của các ban chi trả tiền DVMTR cấp huyện và việc sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng bảo đảm đúng quy định.

 Đồng thời, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các sở, ban, ngành tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc thu nộp ủy thác tiền DVMTR đúng quy định; tổ chức từ 2 - 3 hội nghị tập huấn về công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách chi trả DVMTR, xây dựng kế hoạch chi trả tiền DVMTR và nghiệm thu thanh toán theo quy định cho các đối tượng cán bộ kỹ thuật của các chủ rừng, ban chi trả tiền DVMTR cấp huyện…

Dự kiến năm 2016, nguồn thu ủy thác tiền DVMTR trên 47 tỷ đồng; trong đó, tiếp nhận từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam 34 tỷ đồng, thu ủy thác nội tỉnh 13 tỷ đồng.

Hồng Duyên

Các tin khác
Thi công cầu treo dân sinh.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Dự án đầu tư tổng thể xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương với thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2021.

Ngày 27-12, tại khu kinh tế Nghi Sơn, Tập đoàn Công Thanh và UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức khánh thành dây chuyền 2 của Nhà máy xi măng Công Thanhvới công suất 12.500 tấn clinker/ngày, tương đương 3,6 triệu tấn xi măng/năm (ảnh).

Công nhân Ấn Độ làm việc tại Nhà máy xẻ đá ốp lát Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam.

YBĐT - Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến hết năm 2014, Yên Bái có tổng số 1.349 doanh nghiệp tham gia hoạt động trên địa bàn; trong đó, ngành xây dựng có trên 400 doanh nghiệp (chiếm 34%), ngành thương mại - dịch vụ có khoảng 370 doanh nghiệp (chiếm 31,5%), ngành công nghiệp có 364 doanh nghiệp (chiếm 30%), ngành nông - lâm nghiệp có khoảng 40 doanh nghiệp (chiếm 3,5%).

YBĐT -Bằng sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, mô hình trang trại chăn nuôi bò bán công nghiệp kết hợp đào ao thả cá và trồng rừng, mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng của gia đình ông Nguyễn Khắc Vân ở thôn Đồng Bưởi, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên đã trở thành một tấm gương điển hình về phát triển kinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục