Tỷ phú “ăn cơm đứng”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 5:09:50 PM

YBĐT - Khi nàng xuân mang hơi ấm lan tỏa đất trời làm những nụ đào khoe sắc cũng là lúc những chồi dâu vươn mình đơm lộc nhuộm cả vùng Lan Đình (Việt Thành, Trấn Yên) thành một chiếc thảm xanh trải dài. Màu xanh mỡ màng ấy đã tạo nên cuộc sống no ấm cho nhiều hộ nông dân...

Nhờ trồng dâu, nuôi tằm, gia đình bà Nguyễn Thị Lan - thôn 10, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên đã xây dựng được ngôi nhà khang trang.
Nhờ trồng dâu, nuôi tằm, gia đình bà Nguyễn Thị Lan - thôn 10, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên đã xây dựng được ngôi nhà khang trang.

Tiếng nói cười râm ran hòa lẫn tiếng hái dâu soàn soạt làm tan đi bầu không khí tĩnh mịch giá lạnh của những ngày cuối đông. Dừng trước ngôi nhà hai tầng khang trang mang kiến trúc hiện đại, anh Vũ Viết Đồng - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Việt Thành nói với tôi: “Đây là nhà bà Nguyễn Thị Lan - một trong những hộ đầu tiên của thôn 10 này gắn bó với cây dâu, con tằm chị ạ!”.

Nghe tiếng gọi cửa, một phụ nữ trung tuổi, người nhỏ nhắn, cười hiền hậu ra đón chúng tôi. Pha tách trà mời khách, bà Lan hồ hởi: “Vợ chồng tôi vừa đi ăn cưới người bà con ở mãi Hà Nội cả tuần mới lên. Việc tằm dâu cháu lớn lo hết. Bây giờ, mọi thứ đã thành nếp rồi, con tằm như là người bạn quen thuộc của mình, mỗi ngày đều đặn 4 bữa sáng, trưa, chiều, tối. Mọi người cứ nói nghề “ăn cơm đứng” chứ mình lại thấy nhàn”.

Rồi hình ảnh con tằm, cây dâu của nhà và của cả thôn cứ thế vào trong câu chuyện của bà Lan. “Khi mới ra ở riêng, hai bên gia đình đều nghèo chỉ cho 2 vợ chồng mảnh đất để dựng nhà tạm. Vợ buôn bán xuôi ngược, chồng đi trồng rừng mãi tận Kiên Thành, vất vả lắm nhưng cũng chẳng đủ ăn.

Dấu ấn là vào năm 2000, khi huyện, xã có chủ trương đưa cây dâu về trồng thử nghiệm tại thôn, gia đình tôi là một trong những hộ tiên phong. Bắt tay vào trồng gần 3 sào dâu và nuôi tằm thử nghiệm. Những lứa đầu tằm chết khá nhiều, chất lượng kén kém do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật chăm sóc.

Không nản chí, gia đình ươm nuôi tiếp. Bốn người trong gia đình thay phiên nhau canh tằm không để tằm đói, những tằm bệnh được nhặt riêng để không lây bệnh sang nhau. Thế rồi, những vòng tằm đầu tiên kén đạt chất lượng, thu được 5 triệu đồng, cả nhà phấn khởi” - câu chuyện của người nông dân với nghiệp tằm tơ với tôi bắt đầu như thế.

Nói thì dễ nhưng nghề nuôi tằm nếu không biết cũng không dễ dàng gì, cũng phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. “Nhưng niềm vui từ con tằm chẳng tày gang. Hôm đó, cũng cho tằm ăn như mọi ngày mà cả 4 nong tằm đều lăn ra chết sạch. Hỏi ra mới biết hôm đó nhà bên cạnh phun thuốc trừ sâu cho lúa. Cả nhà lại ngồi thừ ra, thì ra mình cũng mới chỉ để ý đến con tằm mà quên đi việc chăm lo cây dâu” - nhấp hớp nước, bà Lan tiếp câu chuyện.

Gạt nỗi xót xa, mọi thành viên trong gia đình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không ngừng tiếp thu kiến thức qua các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh do huyện, xã tổ chức. Bây giờ, từng loại bệnh và cách phòng tránh bệnh cho tằm trong những ngày độ ẩm cao thì phải rắc tỷ lệ vôi khử trùng như thế nào, phương pháp cho ăn, nhận biết tuổi để nuôi nong hay chuyển xuống nuôi dưới đất ra sao... người phụ nữ này đã thuộc “nằm lòng”. Các cụ xưa có câu “nuôi tằm ăn cơm đứng” để nói về sự vất vả của nghề tằm tang. Cuối vụ đốn cây, cây mọc mầm bón phân, phun thuốc. Ngày mưa hong lá trước khi cho tằm ăn… không một ngày ngơi nghỉ.

Nữ tỷ phú vùng dâu dẫn tôi đi thăm nhà tằm của gia đình. Một khu rộng cả trăm mét vuông bố trí rất khoa học, từ nơi ươm nuôi tằm con đến nơi nuôi tằm kén. Vừa chuyện bà Lan vừa tranh thủ rắc đều một lượt vôi bột trước khi cho tằm ăn. Những con tằm tưởng như đang ngủ ấy nhao lên, nhanh chóng bám vào những chiếc lá dâu còn đậm tiết xuân, ăn rào rào. Đúng như câu “tằm ăn rỗi”, chỉ chừng nửa tiếng, những chiếc lá dâu chỉ còn trơ cọng. Những chú tằm giống Lưỡng Quảng căng tròn, trắng muốt chỉ vài ngày nữa thôi là thành kén.

Bà Lan cho biết, thông thường mỗi vòng tằm thu khoảng 19 - 20 kg kén. Một tháng có thể được 2 lứa, mỗi lứa 6 vòng tằm. Với giá kén hiện tại từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình cũng thu trên dưới chục triệu đồng. “Góp gió thành bão”, năm 2013, gia đình bà đã xây cất được ngôi nhà ngót bạc tỷ, sắm sửa nhiều đồ đạc có giá trị, phục vụ sinh hoạt gia đình. Cũng nhờ con tằm, cái kén 2 người con bà đều học hành đầy đủ và yên bề gia thất.

Ngoài phát triển kinh tế, gia đình bà còn luôn giúp đỡ những hộ còn khó khăn đầu tư giống, phân bón, chia sẻ tất cả kiến thức, kinh nghiệm, tạo điều kiện bước đầu cho các hộ tham gia sản xuất. Trồng dâu, nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa nên bà con rất hào hứng. Từ những hộ đầu tiên như bà Lan làm thành công, nhiều hộ khác ở Lan Đình và trong xã cũng bắt tay trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, 2/3 người dân Việt Thành tham gia trồng dâu, nuôi tằm với 57 ha dâu, sản lượng kén năm 2015 ước đạt 127 tấn, thu về hơn 11 tỷ đồng. Tỷ phú vùng dâu xuất hiện ngày càng nhiều.

Anh Vũ Viết Đồng - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Việt Thành kiểm tra sản phẩm kén tằm.

Chủ tịch UBND xã Việt Thành - Lê Thị Lụa nói rằng: “Cây dâu được xác định như cây trồng mũi nhọn trong cơ cấu cây trồng ở Việt Thành. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng với các ngành chuyên môn mở rộng diện tích dâu vùng Lan Đình (từ thôn 7 đến thôn 12 của xã), đến năm 2020 lên 100 ha dâu”.

Rời Lan Đình với niềm vui vì không chỉ Việt Thành mà Báo Đáp, Tân Đồng, Đào Thịnh, Quy Mông… người dân cũng, học hỏi, phát triển nghề tằm tơ. Nhờ đó, diện tích dâu ngày một tăng, năm 2015 toàn huyện Trấn Yên đã có gần 220 ha dâu đang cho thu hái, với 30 ha trồng mới, sản lượng kén trên 196 tấn, cho thu nhập gần 20 tỷ đồng, nâng cao thu nhập của người dân. Cây dâu, con tằm đã góp phần giúp huyện Trấn Yên có 3 xã “cán đích” nông thôn mới là Báo Đáp, Việt Thành, Tân Đồng.

Một mùa xuân mới đã về, những ruộng dâu đang nảy lộc chờ đón những vòng tằm mới. Năm mới với quyết tâm cao của chính quyền và sự nỗ lực của nông dân, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Trấn Yên sẽ ngày càng phát triển và chắc chắn sẽ có nhiều tỷ phú xuất hiện trong năm Bính Thân này. 

 Minh Huyền

Các tin khác
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Đảng bộ thành phố Yên Bái dự Đại hội.

YBĐT - Chuyển mình đi lên cùng sự phồn thịnh của đất nước trên con đường hội nhập, thành phố Yên Bái hôm nay đang trên đà lớn mạnh, xứng tầm trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh với một diện mạo mới - khang trang hơn, hiện đại hơn.

Xuân trên vùng quế Văn Yên.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Tôi theo hương quế ngọt ngào ngược dòng sông Hồng về Văn Yên - mảnh đất được ví như “thủ phủ” của quế - loại cây rừng mộc mạc, thuần khiết nhưng ẩn chứa những giá trị kinh tế vô cùng lớn.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội gia đình 
bà Hoàng Thị Phòng ở thôn 6, xã Vân Hội (Trấn Yên) đã thoát nghèo.

YBĐT - Những ngày cuối năm, công việc giải ngân, quyết toán, kiểm tra nội bộ... hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chặng nước rút của cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Trấn Yên thật bộn bề.

YBĐT - “Săn” tôm trên hồ Thác Bà đã trở thành một nghề nuôi sống hàng chục, hàng trăm hộ dân sống quanh vùng hồ. Hồ Thác Bà không chỉ là "nguồn than trắng vô biên", là nguồn nước ngọt lành nuôi vô vàn tôm cá, mà miền trời xanh - rừng đảo xanh - nước xanh này còn nhiều điều kỳ thú hấp dẫn các nhà khoa học, nhà đầu tư và du khách, để khám phá thêm vẻ đẹp của vùng non nước kỳ vĩ này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục