Sức trẻ phát huy tiềm năng
- Cập nhật: Thứ hai, 15/2/2016 | 10:17:24 AM
YBĐT - Trước thềm xuân mới, chúng tôi đến thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Cả thị trấn như khoác lên mình một tấm áo mới vàng rực màu của những vườn cam Đường canh, quýt sen, cam sành… trải dài trên khắp các triền đồi.
Niềm vui của ông chủ trẻ Phạm Văn Đường tổ 7, thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) bên vườn cam trĩu quả.
|
Băng qua hơn cây số đường bê tông, anh Nguyễn Mạnh Thắng - cán bộ nông nghiệp thị trấn đưa chúng tôi đến đồi cam đương độ chín rộ của gia đình anh Phạm Văn Đường ở tổ 7, thị trấn Nông trường Trần Phú - một thanh niên trẻ nhưng cũng là một trong nhưng hộ có diện tích cam lớn và thu nhập “khủng” ở địa phương.
Bên những chùm cam trĩu nặng khẽ đu đưa, anh Đường đang kiểm tra từng cây từng cây một, xem trong mấy ngày thời tiết rét đậm, rét hại có ảnh hưởng đến lứa quả chuẩn bị thu hoạch.
Anh Đường phấn khởi cho biết: “Trên 3 ha cam Đường canh, cam sành này của gia đình mới trồng cách đây trên 5 năm, nhưng năm 2014 đã cho thu hoạch gần 50 tấn quả thu về gần 1 tỷ đồng. Năm 2015, gia đình tôi thu hoạch 30 tấn cam Đường canh, còn lại khoảng 40 tấn cam sành. Với giá cả năm nay, cam Đường canh có giá bán buôn từ 34.000 - 36.000/kg, cam sành có giá từ 11.000 - 15.000/ kg cũng thu về trên 1,2 tỷ đồng. Chục năm về trước, đây là những đồi chè của Nông trường chè Trần Phú, nhưng hiệu quả thu được thấp nên tỉnh đã thu hồi diện tích đất này giao lại cho địa phương. Dân chúng tôi rất mừng vì chủ trương của Đảng bộ thị trấn Nông trường Trần Phú chỉ đạo là chuyển đổi cây trồng”.
Cùng với gia đình ông Nguyễn Chí Thống, Nguyễn Văn Thông, gia đình anh Đường là những hộ đầu tiên trồng cam. Anh lặn lội sang tận vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) tham quan học hỏi kinh nghiệm. Năm 2010, hai vợ chồng phá bỏ 0,5 ha chè kém hiệu quả, thuê máy xúc về cải tạo lại đất và trồng cam Đường canh, cam sành.
Những ngày đầu, hai vợ chồng hết xới cỏ lại vun gốc, có khi rãi nắng cả ngày chăm sóc cây. Chờ đợi mãi, sau 3 năm cây cam mới cho những lứa quả bói đầu tiên nhưng quả nhỏ không có nước, tư thương chỉ trả giá thấp. Vừa làm vừa học hỏi, đến khi bài học nằm lòng của anh Đường là bón phân hữu cơ đã ủ hoai và phân vi sinh thì đất mới tơi xốp, cây mới phát triển tốt, trẻ lâu và cho những trái to đều, căng mọng.
Ngoài ra, khi thấy hiện tượng lá xoăn hay quả bị sâu vẽ bùa thì dùng thuốc sinh học để phun, vì ngoài tác dụng ngăn ngừa sâu bệnh còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đất chẳng phụ công người, từ năm 2014 những đồi cam của anh lá mượt mà tươi tốt cho những quả căng mọng, thậm chí có những quả lên tới hơn 1 kg. Không tự bằng lòng với bản thân, anh còn mày mò lựa chọn những cây sạch bệnh, giống tốt để chiết ghép, ươm cây, với quyết tâm mở rộng diện tích của gia đình và cung cấp giống cho người dân trong vùng. Vì vậy, diện tích cam của thị trấn Nông trường Trần Phú cứ ngày một lớn dần, năng suất, sản lượng ngày một tăng.
Với bàn tay và khối óc không ngừng nghỉ, năm 2013, bên cạnh đồi cam, anh còn trồng và nhân được trên 200 gốc bưởi Diễn. Năm 2015 vừa qua, bưởi thu hoạch gần 600 quả với giá bán cho tư thương hiện nay từ 30.000 - 35.000 đồng/ quả, gia đình anh cũng thu về trên 18 triệu đồng, đó là tín hiệu vui cho một cây trồng mới trên đất này.
Vợ chồng anh Đường hạnh phúc bên tấm bằng khen vừa được Hội Nông dân tỉnh trao tặng là hộ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu xuất sắc năm 2015.
Từ phong trào phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo của gia đình anh Đường và các hộ khác, hiện thị trấn Nông trường Trần Phú có 900 hộ dân trồng cây ăn quả có múi với tổng diện tích 418 ha. Năm 2015 này, xuất bán ra thị trường khoảng 2.600 tấn quả, thu về trên 40 tỷ đồng. Bởi vậy, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Nếu năm 2010 thu nhập là 15 triệu đồng/người, thì năm 2015 này là 22 triệu đồng/ người, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 8,5%. Giá trị kinh tế của cây cam hàng năm chiếm khoảng 70% nguồn thu từ các sản phẩm nông nghiệp của thị trấn và cây cam chính là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của ở đây.
Bà Trần Thị Loan - Phó chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: “Huyện Văn Chấn và địa phương đang xây dựng thương hiệu, phát triển, quy hoạch vùng cây ăn quả có múi. Hướng trồng theo tiêu chuẩn VietGap và xây dựng chỉ dẫn địa lý về vùng cam Văn Chấn nhằm khẳng định chỗ đứng trên thị trường mở rộng thị trường sản phẩm nông sản này. Đồng thời, với việc mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng chăm sóc cam cho người dân”.
Với hướng đi như vậy, tin rằng sẽ không chỉ gia đình anh Phạm Văn Đường mà có nhiều hộ nông dân xóa được đói nghèo và làm giàu trở thành những tỷ phú trên mảnh đất quê hương.
Minh Huyền - Quyết Thắng
Các tin khác
YBĐT - Cùng với toàn tỉnh, sáng 15/2 (tức mồng 8 tháng Giêng), huyện Yên Bình đã tổ chức lễ ra quân trồng cây và phát động phong trào thi đua năm 2016 với sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, nhân dân và các em học sinh trên địa bàn thị trấn Yên Bình
Trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thanh long là loại quả xuất khẩu chủ lực chiếm trên 40% tổng kim ngạch; một số loại quả như xoài, nhãn, vải… đã và đang tiếp cận xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, EU, Nhật Bản...
YBĐT - Mừng Đảng, mừng xuân mới, nhân dân các dân tộc Văn Chấn đã ra quân sản xuất với những việc làm hiệu quả, thiết thực ngay từ những ngày đầu năm, dâng lên Đảng khí thế của mùa xuân trọn vẹn.
Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2015, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua để có thể cất cánh trong những năm tới.