Nông dân Yên Bái dồn sức cho lúa xuân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/2/2016 | 10:11:40 AM

YBĐT - Với mong muốn giành được mùa vàng bội thu, khi không khí xuân đang tràn ngập trên khắp đường làng, ngõ xóm, nhiều bà con nông dân Yên Bái đã nô nức “trảy hội” xuống đồng.

Nông dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên cấy lúa xuân.
Nông dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên cấy lúa xuân.

Sau tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương trong tỉnh nô nức xuống đồng, phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Trên các cánh đồng đều bắt gặp không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân, người đổ ải, người cày bừa, nạo vét kênh mương với mục tiêu giành thắng lợi ngay từ những ngày đầu năm mới.

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, không khí xuân được nhiều gia đình chuyển từ nhà ra ruộng. Người bừa đất, người gánh mạ non, người thoăn thoắt tay chia mạ, cấy lúa.

Chị Nguyễn Thị Sen ở thôn Linh Đức cho biết: “Năm nay, xuất hiện đợt rét đậm, rét hại chưa từng có nhưng do tuân theo lịch thời vụ và che chắn nilon cho mạ nên trong thôn không xảy ra hiện tượng mạ bị chết rét. Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình tôi cấy nốt 2 sào ruộng còn lại cho kịp thời vụ”.

Chị Nguyễn Thị Thủy đang cấy bên thửa ruộng gần kề cho biết: “Gia đình tôi cấy hơn 4 sào ruộng, chủ yếu là giống cho năng suất cao và chống chịu với sâu, bệnh. Để hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân đúng khung thời vụ tốt nhất, ngay mùng 4 tết, cả gia đình tôi đã ra ruộng”.

Hòa trong không khí lao động của bà con nông dân, chúng tôi về cánh đồng Mường Lò, huyện Văn Chấn, vựa lúa lớn nhất tỉnh và cũng là điển hình trong sản xuất lúa hàng hóa. Hai bên đường, nhiều chân ruộng phủ bằng màu xanh non của lúa. Có mặt trên cánh đồng xã Thanh Lương, bà Bùi Thị Chuyên ở thôn Khá Thượng phấn khởi cho biết: “Gia đình có hơn 4.000 m2 ruộng, gieo cấy bằng các giống Chiêm hương, HT1. Hơn một nửa diện tích đã cấy trước tết. Sau tết, tranh thủ thời tiết nắng ấm, gia đình tạm gác việc vui xuân, tập trung xuống đồng cấy lúa, bảo đảm khung thời vụ”.

 Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Chấn, đến ngày 14/2/2016, toàn huyện gieo cấy 1.360 ha lúa xuân, hầu hết các diện tích mạ gieo cấy trước tết được bảo vệ và chăm sóc đúng kỹ thuật cùng với thời tiết thuận lợi nên sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo kế hoạch, vụ đông - xuân này, toàn tỉnh đưa vào sản xuất trên 18.600 ha lúa. Trong cơ cấu giống, lúa lai chiếm từ 60 - 65%, chủ yếu các giống như: Nhị ưu 63, Syn6, Nghi hương 2308, Nghi hương 305, Thục hưng số 6; lúa thuần chiếm từ 30 - 35%, tập trung vào các giống Hương Chiêm, ĐS1, JO2 Séng cù.

Để sản xuất vụ đông - xuân thắng lợi toàn diện, Sở NN&PTNT đề ra các giải pháp hết sức cụ thể. Trong đó, tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương và các công trình thủy lợi, bảo đảm đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích; xây dựng bộ cơ cấu giống phù hợp trên cơ sở là các giống tiến bộ kỹ thuật, có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái các vùng, các huyện, thị; linh hoạt và chủ động bố trí thời vụ căn cứ vào diễn biến thời tiết khí hậu. Bên cạnh đó, các huyện, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như làm mạ khay, giống lúa phù hợp, bón phân cân đối…, cho năng suất, chất lượng cao nhất.

Tuy nhiên, đúng vào thời điểm nhà nông đang tập trung sản xuất lúa xuân phải đối diện với đợt rét đậm, rét hại và băng tuyết chưa từng có trong vòng mấy chục năm qua. Tại các xã khu vực vùng cao huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, mưa tuyết cũng đã vùi lấp hầu hết diện tích hoa màu của nhân dân, đóng băng bề mặt ruộng.

Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương đã có những chỉ đạo kịp thời hạn chế thấp nhất thiệt hại. Cụ thể, Sở NN&PTNT đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, các biện pháp kỹ thuật chống rét cho mạ và lúa được triển khai kịp thời.

Đối với mạ, 100% diện tích mạ đã che phủ nilon; chuẩn bị tro rơm rạ hoặc tro bếp bón bổ sung giữ ấm chân mạ. Đối với những diện tích lúa đã cấy, cần đưa nước vào để giữ ấm, duy trì mực nước 2 - 3 cm, không để khô ruộng. Đối với cây rau màu, không gieo trồng trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, đồng thời chuẩn bị tốt các khâu làm đất, giống, phân bón để khi thời tiết ấm lên mới tiến hành gieo trồng, bảo đảm kịp thời vụ.

Những chỉ đạo và hướng đi đó đã giảm thiệt hại đáng kể sản xuất nông nghiệp do thiên tai gây ra. Trận rét đậm, rét hại và băng tuyết lịch sử đã làm 671 ha lúa bị chết, tập trung ở các huyện Mù Cang Chải 503 ha, Văn Chấn 168 ha. Diện tích mạ bị chết quy ra diện tích 17,06 ha; trong đó, tập trung ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến hết ngày 14/2/2016, toàn tỉnh đã gieo mạ 18.057 ha, bằng 96,4% kế hoạch, diện tích lúa đã cấy 9.625 ha, bằng 51,4% kế hoạch; trong đó, thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành việc cấy lúa xuân, các huyện Yên Bình, thành phố Yên Bái cấy trên 90% diện tích.

Thời tiết thuận lợi, các điều kiện phục vụ cho sản xuất lúa xuân cơ bản hoàn thiện cùng với khí thế lao động khẩn trương của bà con nông dân, tin tưởng rằng, vụ đông - xuân năm nay, nhà nông trong tỉnh sẽ lại có một mùa vàng bội thu.

Văn Thông

Các tin khác
Cựu chiến binh Bùi Quốc Trị (bên phải) ở thôn Bảo Long, xã Bảo Hưng phát triển nuôi thỏ cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.

YBĐT - Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Bảo Hưng (Trấn Yên) trong nhiều năm qua, luôn tích cực nêu gương sáng trong thi đua lao động sản xuất, xóa nghèo, làm giàu chính đáng; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội, của địa phương.

Nông dân Mù Cang Chải áp dụng phương pháp ngâm ủ mạ tập trung.

YBĐT - Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, đợt mưa tuyết kỷ lục vừa qua đã vùi lấp khoảng 150 ha rau màu, làm thiệt hại đối với 500 ha lúa đã cấy và  gần 300 ha diện tích mạ chưa cấy.

Dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG sẽ có tổng mức đầu tư lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD.

YBĐT - Năm 2016, huyện Lục Yên phấn đấu trồng mới 2.700 ha rừng, trong đó 200ha quế, 200ha tre măng Bát độ, còn lại là keo và bồ đề, phấn đấu nâng tổng khối lượng khai thác và chế biến lên trên 15.000m3. Kinh tế đồi rừng ở Lục Yên đã trở thành một hướng đi tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục