Yên Bái: Cấp bách tái đàn, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/2/2016 | 9:30:42 AM

YBĐT - Trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán 2016, người chăn nuôi Yên Bái phấn khởi bởi một lượng lớn gia súc, gia cầm đã được tiêu thụ hết, giá tuy không cao nhưng ổn định. Bên cạnh đó, đợt rét đậm, rét hại vừa qua cũng làm khá nhiều gia súc bị chết, gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi.

Đẩy mạnh chăn nuôi bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Đẩy mạnh chăn nuôi bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Hiện nay, thời tiết đã sang xuân, tiết trời ấp áp, thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và cũng là lúc các hộ chăn nuôi, bà con nông dân trong toàn tỉnh tích cực tái đàn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện nay không chỉ đơn thuần là lấy sức kéo phục vụ sản xuất, xoá đói giảm nghèo mà thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn. Từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ con giống, làm chuồng trại, kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh..., phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh mẽ. Chăn nuôi bước đầu phát triển theo hướng hàng hoá, trang trại, tập trung và hình thành một số mô hình chăn nuôi công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi hơn trong sản xuất, tạo bước chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tốc độ phát triển đàn gia súc chính như trâu, bò, lợn tăng bình quân 3,3%/năm, từ 483.686 con năm 2005 lên 643.519 con năm 2015. Đàn gia cầm giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng bình quân 5,9%/năm, tăng từ 2,5 triệu con năm 2005 lên 3,98 triệu con năm 2015. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 39.242 tấn năm 2015; trong đó, gia súc đạt 35.293 tấn; gia cầm đạt 3.949 tấn. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2015 đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 29% trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp.

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành nông nghiệp và bà con nông dân tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, tạo tiền đề để nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện theo hướng sản xuất hàng hóa kết hợp với phát triển những sản phẩm, đối tượng vật nuôi có tiềm năng và lợi thế của từng địa phương. Từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại; đồng thời, quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi nông hộ đạt hiệu quả. Nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp, phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi chiếm 35% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Trước mắt, ngay trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 2016, các huyện, thị, các chủ trang trại, các chủ hộ chăn nuôi tích cực tái đàn chăn nuôi lợn, gia cầm để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, bù đắp lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong dịp tết Nguyên đán và đợt rét đậm, rét hại vừa qua. Bởi theo dự báo của các chuyên gia kinh tế cũng như thông lệ của thị trường, trong vài ba tháng nữa, nhu cầu tiêu thụ gia súc, gia cầm rất lớn, nếu chúng ta không chủ động đẩy mạnh tái đàn thì sẽ thiếu nguồn cung cho thị trường.

Một vấn đề nữa là giá thức ăn đã chững lại, thậm chí sẽ giảm giá vì nguyên vật liệu đầu vào phong phú cùng với giá xăng dầu liên tục giảm, kéo theo cước vận tải giảm. Đó là những lợi thế, động lực cho ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả. Bên cạnh đó, người chăn nuôi tăng cường phát triển đưa các giống tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm có giá trị mang tính đặc trưng vùng miền để tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người nông dân. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi, khống chế, kiểm soát tốt đối với một số dịch bệnh nguy hiểm; xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trong sản xuất; củng cố, nâng cao năng lực công tác thú y từ tỉnh đến cơ sở.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tái đàn, chúng ta cũng cần chủ động phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm. Hiện, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thấy ổ dịch bệnh nào nhưng theo thông báo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn các tỉnh thành khác đang diễn biến hết sức phức tạp. Hiện có 5 ổ dịch cúm A/H5N6 tại Quảng Ngãi, Kon Tum, Tuyên Quang và Lạng Sơn và 26 ổ dịch lở mồm long móng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Sóc Trang, Trà Vinh. Còn đối với dịch tai xanh ở lợn, các ổ dịch tuy đã được khống chế trong tháng 12/2015 nhưng nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

Để chăn nuôi hiệu quả, các địa phương, hộ chăn nuôi, ngành thú y kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm; việc giết mổ, buôn bán cần tuân thủ các quy định của pháp luật về thú y; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh, xử lý kịp thời, hiệu quả; thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cũng như phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi.

Thanh Phúc

Các tin khác
Nguồn vốn Chương trình 135 hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn ở Yên Bình.

YBĐT - Các xã "135" đã tổ chức mua giống cây trồng, giống vật nuôi, máy móc công cụ hỗ trợ cho các hộ dân với tổng kinh phí thực hiện gần 3,6 tỷ đồng.

YBĐT - Để đảm bảo về năng suất cũng như diện tích của vụ lúa đông xuân năm 2015 - 2016, nhất là các diện tích đã bị chết rét do đợt rét đậm, rét hại vừa qua, huyện Mù Cang Chải đã cấp bổ sung trên 10 tấn lúa giống, chủ yếu là giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, trong đó có giống VL 20 cho các xã bị thiệt hại.

Ngày 24/2, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định hiện hành, mặt hàng ô tô điện không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, nên được phép làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngày 24-2, Tổng cục Thống kê công bố: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2016 đã tăng 0,42% so với tháng trước và tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng giá trong một tháng cao nhất trong 2 năm qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục