Hiệu quả từ Chương trình 135 ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 28/4/2016 | 3:44:08 PM
YBĐT - Qua hơn 15 năm triển khai thực hiện, Chương trình 135 đã thực sự phát huy hiệu quả, là nguồn lực quan trọng để các xã, thôn bản ĐBKK của tỉnh Yên Bái phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên theo mục tiêu Chương trình đã đề ra.
Lãnh đạo xã Sơn A (Văn Chấn) kiểm tra máy móc nông cụ được hỗ trợ từ Chương trình 135 cho người dân.
(Ảnh: Vũ Đồng)
|
Là một trong những chính sách lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Chương trình 135 bắt đầu được thực hiện từ năm 1998 theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu tổng quát là: nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.
Qua hơn 15 năm triển khai thực hiện, Chương trình 135 đã thực sự phát huy hiệu quả, là nguồn lực quan trọng để các xã, thôn bản ĐBKK của tỉnh Yên Bái phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên theo mục tiêu Chương trình đã đề ra.
Với trên 30 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào các DTTS chiếm xấp xỉ 54% dân số toàn tỉnh, đến nay tỉnh Yên Bái có 72 xã khu vực III, 233 thôn, bản thuộc các xã khu vực I, II được hưởng lợi từ Chương trình 135.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và của tỉnh, giai đoạn 2011- 2015, Chương trình đã được bố trí tổng số vốn trên 597 tỷ đồng để hỗ trợ 733 con giống vật nuôi đại gia súc; trên 143.000 con gia súc, gia cầm; trên 132.000 kg giống cây lương thực, 22.482 giống cây ăn quả, trên 90 triệu giống cây công nghiệp; gần 2.000 chuồng trại chăn nuôi; gần 7.000 chiếc máy móc thiết bị; gần 27.000 tấn phân bón các loại; xây dựng 15 mô hình phát triển sản xuất... trị giá trên 95 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng 184 công trình kết cấu hạ tầng tại xã gồm: đường giao thông, thủy lợi, trường học, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt tập trung, nhà sinh hoạt cộng đồng..., trị giá 318 tỷ đồng.
Xây dựng 279 công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu tại thôn với tổng kinh phí 161 tỷ đồng; duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng sau đầu tư với số kinh phí gần 27 tỷ đồng. Mở 241 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về các chuyên ngành: giám sát đầu tư, chăn nuôi thú y, kỹ thuật mây tre đan, may mặc, điện dân dụng... cho cán bộ xã và nhân dân với tổng kinh phí 5 tỷ 687 triệu đồng.
Thông qua đầu tư của Chương trình 135, có thể thấy, kết cấu hạ tầng vùng nông thôn miền núi được tăng cường, nhiều công trình được đầu tư khang trang; bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa ngày một đổi thay, phát triển tích cực, nhất là hệ thống đường giao thông, cấp nước, điện lưới quốc gia, trường học và hệ thống thông tin viễn thông. Nhận thức của đồng bào DTTS về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế đã thay đổi rõ nét.
Từ độc canh cây lúa, đồng bào các DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK trong tỉnh đã biết thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển kinh tế. Đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh. Trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là chính quyền cấp xã được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong thời kỳ mới.
Bên cạnh những kết quả đạt, thực tế nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra. Nhận thấy rõ vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục ban hành chính sách thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 4/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 với mục tiêu cụ thể đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là: tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất kinh doanh và dân sinh ở các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Nguồn lực đầu tư từ Chương trình 135 giai đoạn III đã thể hiện rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi - vùng khó khăn nhất của cả nước, trong đó có tỉnh Yên Bái, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vùng thấp với vùng cao, đưa cuộc sống của đồng bào miền núi tiến kịp với miền xuôi như điều mà Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.
Anh Khoa
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi bằng nhiều các chương trình, dự án, chính sách ở các lĩnh vực khác nhau.
YBĐT - Nhằm khai thác tiềm năng trên đất ruộng một vụ, năm 2015 - 2016, huyện Mù Cang Chải đưa hai loại cây khoai tây và lúa mì vào trồng thử nghiệm.
YBĐT - Thiếu vốn là một yếu tố cơ bản khiến các hộ làm nông nghiệp khó có thể mở rộng quy mô, hướng đến sản xuất hàng hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị Bộ Công an phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) trong việc ký kết các thỏa thuận tương trợ tư pháp về dẫn độ tội phạm tham nhũng.