Minh Tiến phát huy nội lực
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/4/2016 | 3:11:47 PM
YBĐT - Huy động mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, tích cực đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đang là hướng đi mới ở xã Minh Tiến (Lục Yên).
Mô hình nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Minh Thao ở thôn Tồng Táng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
|
Đảng bộ xã Minh Tiến đã chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hình thành các mô hình tập trung; đưa các giống cây, con có giá trị hàng hóa cao vào sản xuất, đặc biệt là tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác; trong đó, mô hình trồng dưa hấu là một điển hình.
Đồng chí Triệu Ngọc Đương - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: “Trước đây, nhân dân chủ yếu trông chờ vào cây lúa, đời sống nhiều hộ dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng khi xã có chủ trương vận động nhân dân mạnh dạn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung như: trồng dưa hấu, nuôi lợn, gà..., đến nay, có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Gia đình anh Hoàng Văn Tồn ở thôn Khuôn Pục là một ví dụ. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, khi xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua cây giống và phân bón trồng 1 sào dưa hấu. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vụ dưa đầu tiên đã cho lợi nhuận khá. Từ 1 sào ban đầu, đến nay, anh Tồn chuyển đổi và trồng 10 sào dưa hấu, thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/vụ, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.
Nhờ tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đến nay, địa phương hàng năm không những duy trì 220 ha lúa xuân, 212 ha lúa mùa, trồng màu lấn hồ Thác Bà 150 ha lạc, 160 ha ngô và gần 18 ha rau, đậu mà còn vận động nhân dân trồng trên 15 ha dưa hấu trên đất soi bãi, năng suất đạt 25 tấn/ha.
Cùng với cây lúa, dưa hấu và các cây rau màu khác, địa phương còn phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển đàn gia súc, gia cầm. Đồng chí Triệu Ngọc Đương cho biết thêm: “Minh Tiến có địa hình rộng, thuận lợi trong việc phát triển đàn gia súc, gia cầm nên thời gian qua, bên cạnh nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm cho các hộ gia đình chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh, tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm... Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm của xã luôn duy trì và phát triển”.
Nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhờ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa. Anh Nguyễn Minh Thao ở thôn Tồng Táng cho biết: “Trước đây, gia đình mình nghèo lắm. Sau khi đi tham quan, học hỏi các mô hình về, mình đã tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai để xây dựng mô hình chăn nuôi. Từ đó, gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư. Từ hơn 10 con lợn ban đầu, đến nay, gia đình mình luôn duy trì 100 con lợn thương phẩm, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.
Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, triển khai thực hiện hỗ trợ các mô hình chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đến nay, xã có trên 100 hộ nuôi gà ri với số lượng trên 5.000 con; trên 20 mô hình, dự án chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Tổng đàn gia súc của xã có 7.936 con; đàn gia cầm có trên 47.000 con; duy trì 25,5 ha diện tích ao nuôi thủy sản...
Phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương kết hợp với mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa đang là hướng đi phù hợp, đúng đắn của chính quyền và người dân xã Minh Tiến. Đó là yếu tố quan trọng để cho người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Hà Tĩnh
Các tin khác
Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư & phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trước đó đã kiến nghị tăng mức thu phí từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng mỗi km.
YBĐT - Việc thực hiện phí dịch vụ môi trường rừng cho thấy, người dân đã ý thức hơn trong bảo vệ rừng (BVR), người được khoán bảo vệ rừng là các tổ chức cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa đơn vị chủ rừng với chính quyền địa phương.
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, trong kỳ thống kê tháng 4-2016, cả nước có 10.954 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62.200 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 19,2%; số vốn đăng ký tăng 21,3%.
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.