Yên Bình tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ ba, 28/6/2016 | 3:22:30 PM
YBĐT -Huyện Yên Bình đã tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng việc thực hiện 6 đề án.
Mô hình nuôi lợn hàng hóa của gia đình anh Lương Bá Thủy, thôn 5 Cây Cọ, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình cho hiệu quả kinh tế cao.
|
Yên Bình là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đặc biệt có nhiều tiềm năng để phát triển về nông nghiệp như đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp, cây ăn quả có múi, cây lương thực và có nhiều điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thuỷ sản…
Để triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, được tập trung vào các cây con thế mạnh, có tiềm năng phát triển, có lợi thế, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và được cụ thể hóa trong 8 đề án.
Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, huyện Yên Bình đã tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng việc thực hiện 6 đề án là: phát triển chăn nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển cây ăn quả có múi, phát triển ngô đông trên đất lúa 2 vụ, phát triển cây quế, phát triển tre măng Bát Độ.
Quá trình triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương đã được người dân ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Để minh chứng, đồng chí Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình đưa chúng tôi đi tham quan một số mô hình đã và đang được triển khai tại xã Đại Đồng.
Lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế, xã Đại Đồng đăng ký tham gia vào 3 đề án là: Đề án phát triển cây ăn quả, Đề án phát triển cây quế và Đề án phát triển chăn nuôi. Đồng chí Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để việc thực hiện mang lại hiệu quả và đảm bảo đúng quy định, xã đã tổ chức hội nghị thông báo đến 11 thôn để các hộ dân đủ điều kiện đăng ký. Qua đó, người dân hiểu được lợi ích của Đề án và tích cực đăng ký tham gia”.
Gia đình anh Lương Bá Thủy, thôn 5 Cây Cọ, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình là một trong những gia đình được hỗ trợ theo Đề án hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa của huyện. Với diện tích trên 250 m2, lúc nhiều nhất chuồng nhà anh có đến 300 con lợn, tham gia vào Đề án và được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, anh phấn khởi cho biết: “Tôi mong Nhà nước tiếp tục quan tâm, không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều gia đình khác cũng được tham gia vào Đề án để giúp người dân vơi bớt khó khăn, yên tâm phát triển kinh tế”.
Đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: “Khi bắt đầu triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Yên Bình nhanh chóng triển khai xuống cấp xã và các hợp tác xã nông nghiệp về chủ trương mới này. Các Đề án được xây dựng trên nhu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nên khi triển khai rất thuận lợi, được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân. Tái cơ cấu nông nghiệp đối với huyện Yên Bình là một cơ hội để người dân được hưởng lợi nên huyện sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát hỗ trợ nhân dân về kỹ thuật để áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương của tỉnh, của huyện, góp phần thúc đẩy các vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện”.
Đối với Đề án phát triển chăn nuôi, năm 2016, huyện được hỗ trợ 15 cơ sở, kinh phí 315 triệu đồng và hiện đã có 97 hộ đăng ký thực hiện. Đối với việc thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, theo kế hoạch tỉnh sẽ hỗ trợ một lần cho 56 lồng cá với tổng kinh phí hỗ trợ là 560 triệu đồng cho các hộ gia đình đóng mới lồng nuôi cá. Nhưng qua thẩm định thì nhu cầu thực tế của địa phương cần hỗ trợ là 70 lồng.
Đề án phát triển cây ăn quả, năm 2016 tỉnh giao cho huyện thực hiện 100 ha với kinh phí hỗ trợ 2 tỷ đồng hỗ trợ một lần cho hộ gia đình tham gia trồng mới cây ăn quả có múi với diện tích từ 0,5 ha trở lên, được phân bổ tại 18 xã của huyện. Qua rà soát 18 xã, đã có 178 hộ tại 78 thôn đạt tiêu chuẩn diện tích trên 0,5ha đăng ký trồng 152,5 ha.
Trong đó bưởi Diễn 120 ha, cam V2 là 3 ha, cam Vinh 6 ha, cam sành 1 ha, bưởi Đại Minh 22,5 ha (dân tự túc trồng bằng cành chiết). Đối với thực hiện Đề án phát triển cây quế, năm 2016, huyện Yên Bình được tỉnh giao 100 ha với kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng; hỗ trợ 3 triệu đồng/ha bằng cây giống hoặc tiền mặt. Phân bổ chỉ tiêu cho 5 xã, có 333 hộ đạt tiêu chuẩn đăng ký thực hiện 250 ha.
Năm 2016, tỉnh giao cho huyện trồng 50 ha tre măng Bát độ với kinh phí hỗ trợ là 150 triệu đồng, mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/ha bằng cây giống hoặc tiền mặt. Đối với việc phát triển ngô đông trên đất lúa 2 vụ, đến tháng 8 này, huyện sẽ triển khai đăng ký, phân bổ chỉ tiêu hỗ trợ cho các xã, thị trấn và phê duyệt danh sách, giao nhận giống cho các hộ đăng ký thực hiện.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Yên Bình đang trong giai đoạn mới bắt đầu nên vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc. Song bằng nhiều giải pháp tích cực, việc tập trung quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với các chính sách hỗ trợ của tỉnh và định hướng phát triển của huyện, gắn với việc thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới của từng xã, thị trấn sẽ là bước đệm giúp huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp người nông dân thêm tin tưởng vào các chính sách hỗ trợ của địa phương, yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống no ấm.
Thanh Chi - Ngọc Sơn
Các tin khác
Bắt đầu từ ngày 1/7 tới, Tổng cục Thống kê sẽ tổ chức thu thập thông tin Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.
Trong buổi họp ngày 27/6, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung đầu tháng 4/2016 có thể sẽ được công bố vào ngày 29/6.
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, trong đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng 5,52%; số doanh nghiệp (DN) phá sản không ngừng tăng lên so với cùng kỳ năm trước.