Yên Bình nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ tư, 29/6/2016 | 9:29:45 AM
YBĐT - Năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Bình đạt 1.773 tỷ đồng, mục tiêu của huyện đến năm 2020 sẽ đạt 2.136 tỷ đồng.
Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà là thế mạnh của huyện Yên Bình.
|
Để thực hiện được mục tiêu đó, ngay từ những tháng đầu năm 2016, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Yên Bình đang triển khai nhiều giải pháp quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Nếu xét về lợi thế, huyện Yên Bình có điều kiện thuận lợi để ngành nông nghiệp phát triển. Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên trên 77.300 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp có gần 57.700 ha, chiếm 74,61%.
Hồ Thác Bà với diện tích 19.050 ha, nhiệt độ ổn định, phù hợp nuôi cá lồng bè, nuôi cá tầm, cá điêu hồng, cá lăng là những loại cá đặc sản nước ngọt. Không chỉ thế, hàng trăm eo, ngách hồ Thác Bà là nơi lý tưởng nuôi cá quây lưới mang lại lợi ích cao. Ngoài những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, Yên Bình còn có nhiều loại sản phẩm nông sản địa phương như gạo Bạch Hà, bưởi Đại Minh ngon nổi tiếng.
Giá mỗi quả bưởi Đại Minh từ 50 - 60 ngàn đồng, nhiều hộ có thu nhập 150 - 250 triệu đồng từ vườn bưởi. Trung bình mỗi năm xã Đại Minh thu từ 13 - 14 tỷ đồng từ cây bưởi. Bưởi Đại Minh được sánh với các giống bưởi quý: Năm Roi, Phúc Trạch, bưởi Diễn.
Lợi thế là vậy, nhưng hiện sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Bình chưa xứng tầm. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, trình độ kỹ thuật canh tác còn hạn chế, chưa tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, chưa có đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Đây là những vấn đề quan trọng đang được các cấp chính quyền huyện Yên Bình quan tâm tháo gỡ.
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Yên Bình xác định tập trung khuyến khích người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Từ nhiều năm nay, huyện đã mạnh dạn xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi hàng hóa, nuôi cá lồng, các mô hình cây ăn quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... những mô hình điểm đã thực sự là cơ sở quan trọng để nhân rộng ra toàn huyện. Thành công lớn nhất là sự phát triển nhanh, bền vững của các mô hình chăn nuôi hàng hóa.
Từ các nguồn hỗ trợ, Yên Bình đã phát triển được 252 cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm, trâu, bò, dê, 420 lồng cá, 76 ha nuôi cá quây lưới. Chăn nuôi thủy sản và chăn nuôi đại gia súc chiếm gần 50% giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện, do vậy, Yên Bình đang tập trung khuyến khích người dân phát triển mạnh, trong đó các chính sách hỗ trợ tiếp tục được quan tâm để nông dân tập trung phát triển chăn nuôi.
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà, người dân được hỗ trợ đóng mới lồng cá, mua lưới quây, theo đó các hộ, nhóm hộ, hợp tác xã phát triển theo hướng hàng hóa có quy mô trên 30 lồng cá sẽ được tăng mức hỗ trợ.
Bên cạnh việc hỗ trợ người dân phát triển các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả trên hồ, huyện Yên Bình còn đẩy mạnh công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiên quyết dẹp bỏ nạn khai thác thủy sản trái phép. Trong 6 tháng đầu năm nay, các ngành chức năng của huyện đã tổ chức 6 đợt kiểm tra trên hồ, phát hiện và tháo dỡ 112 khung vó, xử phạt 2 trường hợp khai thác thủy sản trái phép.
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Yên Bình đang tập trung phát triển mạnh cây ăn quả có múi, xây dựng nhãn hiệu các loại cây chủ lực để nâng cao giá trị hàng hóa. Trong đó, cây bưởi Đại Minh đang được xây dựng nhãn hiệu dự kiến đến tháng 11/2016 sẽ được cấp chứng nhận, góp phần nâng giá trị của bưởi Đại Minh lên khoảng 20%. Sau bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình tiếp tục xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm gạo Bạch Hà, cá hồ Thác Bà.
Với điều kiện khí hậu khu vực các xã Đông hồ thuận lợi cho các loại cây ăn quả phát triển, vài năm nay huyện đã xây dựng các mô hình điểm trồng thanh long ruột đỏ kết quả rất khả quan. Mỗi héc-ta được thu hoạch cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng, hiện diện tích thanh long ước đạt 30 ha tập trung ở các xã: Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Cẩm Nhân, Tích Cốc.
Nhiệm kỳ 2016 - 2020, ngành nông nghiệp huyện Yên Bình phấn đấu mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 6,2%. Với những lợi thế của mình huyện Yên Bình cần tập trung thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao giá trị cây trồng. Đồng thời, tăng cường xúc tiến quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích canh tác và nâng cao thu nhập.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Việc giải ngân, thanh toán vốn nợ đọng xây dựng cơ bản thời gian qua được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, song tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu và kế hoạch; một số dự án, công trình có giá trị giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân…
Các ý kiến góp ý của các doanh nghiệp và hiệp hội liên quan phải được gửi trước ngày 12-7 để Bộ Công thương tổng hợp trước khi ban hành quyết định sửa đổi.
YBĐT - Sáng 28/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất nông, lâm nghiệp 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm.
YBĐT - Năm 2016, UBND tỉnh giao thành phố Yên Bái thu ngân sách từ giao đất là 35 tỷ đồng, HĐND thành phố giao chỉ tiêu phấn đấu thu 60 tỷ đồng. Tính đến ngày 22/6, thành phố Yên Bái đã thu từ nguồn giao đất được trên 35 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch tỉnh giao và bằng 59% kế hoạch phấn đấu.