Yên Bái: Đưa “nông dân nhỏ” vào cánh đồng lớn

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/8/2016 | 8:35:53 AM

YBĐT - Ở Yên Bái đã có nhiều mô hình sản xuất đã được triển khai thực hiện nhưng chỉ một đến hai vụ là thất bại. Doanh nghiệp ký hợp đồng với dân sản xuất, nhưng khi thu hoạch nông dân lại không bán cho doanh nghiệp dẫn đến “vỡ” hợp đồng.

Nông dân huyện Văn Chấn thu hoạch lúa.
Nông dân huyện Văn Chấn thu hoạch lúa.

Việc xây dựng sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa và thị trường đã được ngành nông nghiệp, các địa phương đặt ra khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa rõ hình hài. Sản xuất chưa tạo ra đột phá, đời sống, thu nhập người nông dân vẫn còn thấp. Sản phẩm lúa gạo không nhiều, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa mới manh nha. Nếu không tìm được cách để tăng năng suất, tăng giá trị trên trên mỗi diện tích canh tác thì nền nông nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Tư duy nhỏ lẻ, manh mún

Từ một địa phương hàng năm thiếu hàng ngàn tấn lương thực, đến năm 1998, Yên Bái đã đảm bảo cân đối lương thực trên địa bàn. Từ đó đến nay, Yên Bái không còn phải lo lương thực và 5 năm trở lại đây đã có nhiều nơi nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường. Lúa là cây lương thực chủ yếu, chiếm 70% tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh. Do vậy, những năm qua, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách chuyển nhanh sang thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống.

Nhờ vậy, giá trị và hiệu quả sản xuất được nâng lên, sản phẩm hàng hóa từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, bước đầu hình thành vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa nông nghiệp tập trung với diện tích 5.000 ha, sản lượng đạt 50 ngàn tấn/năm tập trung ở cánh đồng: Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn), Đại - Phú - An và Đông Cuông (Văn Yên), Mường Lai, Liễu Đô (Lục Yên). Sản xuất này đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo hàng hóa nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như: tư duy nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng giống, loại giống lôm côm, quy trình canh tác chưa cân đối, chưa hợp lý, thu hoạch và sau thu hoạch chưa có đổi mới. Các nhà quản lý, nhà khoa học mới chỉ hô hào chung chung, doanh nghiệp, tư thương chỉ biết mua bán khi được giá chứ chưa chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân. Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có nhiều nhưng mới chỉ làm nhiệm vụ cung ứng vật tư, phân bón là chính. Ngành vật tư bị xé lẻ, qua nhiều khâu trung gian làm đội giá thành đầu vào trong sản xuất.

Một vấn đề nữa là diện tích quy hoạch sản xuất thì nhiều, huyện nào, địa phương nào cũng nói sản xuất lúa gạo hàng hóa nhưng thực tế là gạo hàng hóa còn quá ít. Lý giải về vấn đề này, ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Cho đến nay, Yên Bái mới hình thành được vùng sản xuất hàng hóa, nông dân cũng đã có tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn thiếu sự vào cuộc của doanh nghiệp, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ và vẫn chưa tìm ra giải pháp cụ thể. Tư duy sản xuất hàng hóa của một bộ phận nông dân vẫn chưa thực sự mạnh mẽ”.

Định hướng đã rõ, quy hoạch đã có, cơ chế chính sách cũng đã có nhưng chủ thể sản xuất là người nông dân và doanh nghiệp lại chưa gặp được nhau. Nhiều mô hình sản xuất đã được triển khai thực hiện nhưng chỉ một đến hai vụ là thất bại. Doanh nghiệp ký hợp đồng với dân sản xuất, nhưng khi thu hoạch nông dân lại không bán cho doanh nghiệp dẫn đến “vỡ” hợp đồng.

Cùng với đó là người nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhà có 5 sào ruộng thì trồng hai, ba loại giống, gạo ngon thì để ăn, còn lại mới đem bán. Cánh đồng Mường Lò rộng lớn phì nhiêu là vậy nhưng có tới cả chục ngàn thửa ruộng và nhiều xứ đồng khác nhau nếu không dồn điền đổi thửa, không tích tụ đất đai thì rất khó sản xuất hàng hóa được. Bên cạnh đó, thông tin về thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của người nông dân còn rất ít và hạn chế.

Điều kiện cần và đủ

Làm gì để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa và thị trường, trong khi trình độ sản xuất, phương tiện sản xuất còn lạc hậu; khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, công tác quy hoạch chưa thống nhất, lâu dài, quỹ đất có hạn, hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém?

Một vấn đề nữa là muốn sản xuất lúa gạo hàng hóa thành công, trước hết cần xác định cho được yếu tố lợi thế so sánh hoặc hạn chế về điều kiện tự nhiên, về khoa học công nghệ, về quản lý, về thị trường tác động đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của từng địa phương, từng vùng là gì?

Từ đó đề ra giải pháp phát huy lợi thế và khắc phục hạn chế để áp dụng; hình thành và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ với các tổ chức, cá nhân như HTX, doanh nghiệp để chủ động tổ chức dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân; thực hiện công tác tuyên truyền chuyển đổi nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận xây dựng cánh đồng mẫu lớn; tổ chức kinh tế hợp tác phải thực sự vững mạnh, đủ tầm và nguồn lực để tổ chức sản xuất theo mô hình mới, đưa nông dân nhỏ vào cánh đồng lớn.

Đó là những điều kiện cần và hội đủ để xây dựng thành công sản xuất nông nghiệp nói chung, lúa gạo hàng hóa nói riêng.

Như đã nói ở trên, chúng ta không thể sản xuất hàng hóa hiệu quả trên những thửa ruộng nhỏ và những hộ nông dân nhỏ được. Không thể để người nông dân tự mò mẫm trong sản xuất trên thửa ruộng nhỏ mà phải đưa họ liên kết với nhau, dồn điền đổi thửa hoặc thành các tổ hợp tác, HTX để cùng gieo cấy trên một thửa ruộng, sử dụng một loại giống, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh, thu hoạch như nhau và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Chỉ sử dụng các giống lúa chất lượng cao đã được kiểm chứng như Chiêm Hương, ĐS1, Séng Cù, nếp Tú Lệ, Hương Chiêm, Bắc thơm 7.

Nông dân huyện Văn Yên đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Cùng với đó không làm ồ ạt mà triển khai thực hiện ở những cánh đồng tập trung có hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi và những công trình phục vụ sản xuất khác đáp ứng yêu cầu sản xuất như cánh đồng Mường Lò (huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ), Đại - Phú - An (huyện Văn Yên), Mường Lai (huyện Lục Yên), Bạch Hà (huyện Yên Bình); vùng có quy mô lớn tập trung và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản gần nơi sản xuất; vùng có sản phẩm lúa gạo mang tính đặc sản và có giá trị kinh tế như cánh đồng xã Tú Lệ (Văn Chấn), Bạch Hà (Yên Bình).

Khuyến khích nông dân tham gia liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với với doanh nghiệp ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, sử dụng máy móc cơ giới thích hợp cho từng vùng sinh thái từ khâu làm đất, tưới tiêu, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và chế biến để giảm thất thoát, tăng chất lượng sau thu hoạch.

Đồng thời xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký chất lượng một số sản phẩm lúa chất lượng cao như Chiêm Hương, Séng Cù, nếp Tú Lệ…; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến và tiêu thụ, hình thành ít nhất 3 doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo tại huyện Văn Chấn, huyện Lục Yên, huyện Văn Yên. Đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sản phẩm nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro trên thị trường. Hợp tác với các đối tác, công ty, hiệp hội về tiêu thụ sản phẩm, có hợp đồng, nguyên tắc cụ thể.

Giải quyết tồn tại, thực hiện tốt những định hướng và những cơ chế chính sách phù hợp, đồng thời tạo ra năng suất trên đất, nâng cao hiệu quả kinh tế để nông dân sống được, thu nhập của nông dân trên mỗi héc-ta canh tác sẽ quyết định thành công hay thất bại của mỗi chương trình, dự án nông nghiệp.

Thanh Phúc

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục