Yên Bình phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/11/2016 | 6:58:04 AM
YBĐT - Với nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, huyện Yên Bình đã triển khai nhiều chính sách của tỉnh khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Tạ Ngọc Hà, xã Tân Hương, huyện Yên Bình cho hiệu quả cao.
|
Sau nhiều năm chăn nuôi cá đạt hiệu quả, từ năm 2011 đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng quyết định đầu tư nuôi cá lồng và nuôi cá quây lưới tại eo ngách của hồ Thác Bà.
Được ngành nông nghiệp và huyện Yên Bình hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, kinh phí đóng lồng, nên từ nuôi cá mỗi năm mang về cho gia đình bà Thanh thu nhập gần trăm triệu đồng. Đặc biệt, năm 2016, gia đình bà Thanh quyết định đầu tư 300 triệu đồng để đóng 15 lồng mới và tham gia Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà để phát triển các loại cá cho giá trị kinh tế cao như: nheo, rô phi đơn tính, chim trắng và cá diêu hồng.
Bà Thanh cho biết: "Gia đình tôi là một trong những hộ tiên phong nuôi cá lồng và nuôi cá eo ngách trên hồ Thác Bà. Trong quá trình chăn nuôi, đi đôi với việc hỗ trợ kinh phí đóng lồng, chúng tôi còn nhận được sự trợ giúp về quy trình kỹ thuật từ chọn con giống đến cách phòng chống dịch cho cá của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình. Dự kiến, từ nay đến hết năm, mỗi lồng cá, gia đình tôi sẽ cung cấp được 3 tấn cho thương lái trong và ngoài tỉnh”.
Cùng với bà Thanh, nhiều hộ trên địa bàn huyện Yên Bình được hỗ trợ kinh phí cũng như quy trình kỹ thuật nên đang quyết tâm đầu tư chăn nuôi theo quy mô lớn. Gia đình anh Tạ Ngọc Hà ở thôn Yên Thắng, xã Tân Hương là một trong những hộ nuôi lợn từ nhiều năm nay.
Sau khi được tập huấn kiến thức về chăn nuôi, thấy giá lợn thương phẩm tăng cao nên năm 2016, gia đình anh vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Bình cùng nguồn vốn tích góp của gia đình để xây dựng, mở rộng khu nuôi lợn thịt, lợn nái.
Hiện tại, gia đình anh Hà có 6 lợn nái, 100 con lợn thịt và trung bình mỗi lứa anh xuất gần chục tấn lợn thương phẩm, trừ chi phí thu về trên 100 triệu đồng. Ngoài lợi nhuận mang lại từ nuôi lợn thương phẩm, tháng 4 năm 2016, gia đình anh còn được ngành nông nghiệp hỗ trợ một con lợn đực giống PiDu để phục vụ cho nhu cầu phát triển chăn nuôi tại địa phương.
Anh Hà cho biết: "Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ gia đình tôi một con lợn PiDu đực và hướng dẫn cách chăm sóc, khai thác tinh, pha chế và cách bảo quản tinh. Gia đình tôi đã cung cấp tinh để phối giống cho lợn nái của rất nhiều hộ trong xã, các xã lân cận, góp phần đưa chăn nuôi địa phương phát triển”.
Để ngành chăn nuôi thực sự phát triển hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Yên Bình đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh đến mọi người dân. Đồng thời, huyện Yên Bình cũng rất tích cực chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi đến người dân.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: “Thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thủy sản của tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng với các cơ quan chuyên môn như Trạm Khuyến nông chỉ đạo đội ngũ cán bộ chuyên môn tích cực nghiên cứu nắm chắc những văn bản chỉ đạo của tỉnh và các quy trình kỹ thuật có liên quan".
"Từ đó, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai từng chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, huyện cũng nỗ lực mời các doanh nghiệp, các nhà khoa học vào địa phương để đầu tư vốn, kinh phí và hướng dẫn khoa học, kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ đó, đã tạo động lực, kích thích người chăn nuôi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. 9 tháng của năm 2016, huyện Yên Bình đã tập trung phát triển được đàn trâu trên 13.000 con, đàn bò hơn 3.300 con, đàn lợn trên 90.000 con; người dân đã tận dụng 84 ha nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà cho hiệu quả kinh tế cao.” Ông Hưng nói.
Phát triển chăn nuôi quy mô theo hướng hàng hoá đang phát huy hiệu quả tốt ở huyện Yên Bình, góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng chăn nuôi hàng hóa, trong đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng con giống; làm tốt công tác thú y để kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, huyện chú trọng làm tốt dự báo về thị trường cho người chăn nuôi; đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp đứng ra cung cấp giống chất lượng tốt cũng như bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Vụ đông năm 2016, xã Phù Nham gieo trồng 260 ha, trong đó 192 ha ngô đông; diện tích còn lại trồng rau, cà chua, khoai tây và nuôi cá ruộng.
YBĐT - Yên Thành là xã khó khăn của huyện Yên Bình, đời sống của người dân dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ và phát triển rừng. Song, những năm gần đây, nhờ khai thác tốt tiềm năng tại chỗ, địa phương đã có sự khởi sắc về kinh tế, xã hội, diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
YBĐT - Năm 2016, huyện Lục Yên được giao dự toán thu ngân sách Nhà nước 102 tỷ đồng, nghị quyết Đảng bộ và HĐND huyện giao tăng thu từ 5% trở lên.
YBĐT - Sáng 3/11, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái phối hợp với UBND huyện Yên Bình tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh về chủ đề “Nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà – Hướng đi phát triển bền vững”.