Các địa phương ở Yên Bái cần chủ động phòng chống rét cho gia súc
- Cập nhật: Thứ hai, 7/11/2016 | 1:50:32 PM
YBĐT - Mùa đông 2016 đã về và được dự báo có nhiều bất thường. Để hạn chế tối đa thiệt hại, cần sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của nông dân và điều quan trọng là phải ứng dụng nhiều hơn nữa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như trong chăn nuôi.
Người dân cần chủ động nuôi nhốt và dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa giá rét.
|
Trong vòng gần chục năm trở lại đây, mỗi khi bước vào mùa đông, nhà nông Yên Bái lại gặp lao đao bởi những đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết kéo dài gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi gia súc nói riêng.
Điển hình như đợt rét đậm, rét hại và một số nơi xảy ra mưa tuyết, mưa đá, băng tuyết trong những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2/2016, đã làm thiệt hại rất lớn cho sản xuất. Diện tích mạ bị chết trên 17,67 ha (Mù Cang Chải 6,24 ha, Trạm Tấu 1,47 ha, Văn Yên 2,71 ha, Văn Chấn 7,25 ha); lúa bị chết từ 30 - 70% là 643,11 ha (Mù Cang Chải 503 ha, Văn Chấn 140,11 ha) và trên 1.421 ha thảo quả tại Mù Cang Chải bị cháy lá và gãy đổ.
Trong chăn nuôi, rét đâm, rét hại làm chết 1.388 con gia súc (320 con trâu, 440 con nghé, 208 con bò, 148 con bê, 187 con dê, 7 con ngựa, 78 con lợn) tại 8 huyện, thị xã. Ngoài ra, mưa tuyết cũng đã làm thiệt hại 500 thùng ong của nhân dân tại các xã khu 2 huyện Mù Cang Chải. Ước tính thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại kèm mưa đá và băng tuyết là trên 236 tỷ đồng.
Trong đó, thiệt hại về trồng trọt 2,1 tỷ đồng, chăn nuôi 23,5 tỷ đồng, cây thảo quả 210 tỷ đồng... Mặc dù sau rét, tỉnh đã hỗ trợ phục hồi sản xuất hàng chục tỷ đồng, nhà nông cũng đã có nhiều giải pháp, tích cực đầu tư tái sản xuất, nhưng cho đến nay vẫn còn rất nhiều khó khăn và có lẽ phải mất một, hai năm mới trở lại bình thường.
Qua những con số đó cho thấy, mức thiệt hại quá lớn không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến cả một quá trình sản xuất. Nhiều gia đình khuynh gia bại sản, nhiều gia đình vừa thoát khỏi đói nghèo nay lại trở về đói nghèo. Vẫn biết thiên tai là bất thường và ngày càng cực đoan, nhưng nếu chúng ta biết chủ động phòng chống một cách hài hòa chắc chắn sẽ giảm tối đa sự tổn thất.
Trước mắt, các huyện, xã, nhất là vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật tới mọi người dân về công tác phòng chống rét trong sản xuất nông nghiệp và phòng chống đói, rét cho gia súc.
Thực tế cho thấy, việc hướng dẫn người chăn nuôi làm chuồng trại, che chắn gió rét và đủ điều kiện vệ sinh là yếu tố bảo đảm cho gia súc phát triển tốt. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động nhà nông không thả rông trâu, bò, ngựa trên đồi, núi, nhất là những ngày nhiệt độ dưới 13oC. Bổ sung thức ăn tinh, muối khoáng và Vitamin, cho uống nước ấm để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Đối với những con trâu, bò già yếu, cần có kế hoạch nuôi vỗ béo để bán giết thịt, hoặc có chế độ chăm sóc đặc biệt nhằm đảm bảo sức khỏe chống lại đói, rét.
Trong một vài năm trở lại đây, do được tuyên truyền và hỗ trợ kinh phí làm cây rơm, làm chuồng trại chăn nuôi tại một số xã vùng cao của huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Chấn đã làm khá tốt. Phát huy kết quả đó, bà con nên chủ động chuẩn bị đủ lượng thức ăn để dự trữ cho gia súc vào những ngày rét đậm không chăn thả được. Cùng với đó là thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu địa phương để người dân biết và phòng chống, không chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của thời tiết.
Song song với chủ động phòng chống rét cho gia súc, các địa phương và người chăn nuôi cũng chú trọng công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh khi thời tiết giao mùa. Quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống và công tác kiểm soát giết mổ động vật, khi có dịch cần bao vây kịp thời, khống chế hiệu quả, tuyệt đối không để dịch bệnh lan rộng.
Sản xuất nói chung và chăn nuôi nói riêng chỉ đảm bảo có hiệu quả khi chúng ta làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi ổn định. Do vậy, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi hộ chăn nuôi hãy chủ động và ứng phó với thiên tai, thời tiết giảm tối đa tổn thất, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển, xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.
Thanh Phúc
Các tin khác
Ngành da giày Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để mở rộng thị phần tại các thị trường khi một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Đặc biệt vừa qua, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực là tín hiệu tích cực, mở ra triển vọng tốt cho xuất khẩu ngành hàng này.
Để đảm ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng, Chính phủ sẽ không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế trong hai tháng còn lại của năm 2016.
YBĐT - Đến hết tháng 10/2016, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái đều đạt, vượt mức kế hoạch và quan trọng hơn là đã có những chuyển biến tích cực từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
YBĐT - Vụ đông nhiều năm nay ở Nghĩa Lộ đã trở thành vụ sản xuất chính. Cùng với 2 vụ lúa, vụ đông đã góp phần giải quyết việc làm cho nông dân và tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác.