Văn Chấn chuyển đổi cây trồng trên đất ruộng kém hiệu quả
- Cập nhật: Thứ năm, 10/11/2016 | 2:10:26 PM
YBĐT- Mấy năm trở lại đây, nông dân vùng cánh đồng Mường Lò đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác các giống cây trồng khác phù hợp với đất đai, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.
Mấy năm trở lại đây, nông dân vùng cánh đồng Mường Lò đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác các giống cây trồng khác phù hợp với đất đai, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.
Gia đình chị Trần Thị Lan ở thôn Bản Khinh, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn đang thu hoạch lứa dưa hấu thứ 3 trong năm. Trước đây, hơn 1.200 m2 ruộng này được gia đình chị trồng lúa nước, nhưng do thiếu nước canh tác nên 2 năm trở lại đây chị chuyển sang trồng dưa hấu. Trung bình mỗi năm gia đình chị trồng 3 vụ dưa, thu về trên 3 tấn quả. Với giá bán trung bình 8.000 - 10.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, anh chị thấy hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 7 - 8 lần.
Chị Lan chia sẻ: “Thấy trồng dưa có hiệu quả kinh tế cao, vụ đông năm nay, vợ chồng tôi đã thuê thêm 2.000 m2 ruộng trồng thử nghiệm dưa hấu vụ thứ 4 để kịp bán vào dịp tết. Nếu thành công, chắc chắn dưa sẽ bán được giá cao hơn chính vụ”.
Cùng với gia đình chị Lan, bà con ở xã Thanh Lương đã chuyển đổi 6 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn quả. Trong đó, chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại dưa là 2 ha, còn lại là các giống cây trồng khác như bí đỏ, bí xanh, hành…
Đặc biệt, mô hình trồng quất cảnh và chanh ruột hồng ven quốc lộ 32 đã cho thấy tư duy đổi mới trong việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Trung bình mỗi ha cũng cho thu nhập cao hơn trồng lúa từ 2 - 3 lần. Với một địa phương hạn hẹp về diện tích đất nông nghiệp như Thanh Lương thì việc chuyển đổi cơ cấu giống và cây trồng phù hợp sẽ có tác động rất tích cực đến đời sống của người dân.
Một địa phương khác ở Văn Chấn cũng đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác là xã Phù Nham.
Thời điểm hiện tại, toàn xã đã có trên 10 ha ruộng được chuyển đổi sang cây trồng khác như: lạc, mía, dưa, rau màu... Việc chuyển đổi này không những mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn giảm đáng kể thiệt hại do nắng hạn và sâu bệnh. Đối với các diện tích ruộng không chủ động được nguồn nước tưới, thường xuyên bị hạn cuối vụ thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mở ra một hướng đi mới cho nông dân.
Với mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng gối vụ và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nhiều năm qua, huyện Văn Chấn đã khuyến khích bà con chuyển đổi hàng chục ha ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, yêu cầu bắt buộc là việc chuyển đổi không được làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất. Ngoài ra, còn phải căn cứ vào điều kiện hạ tầng cơ sở của mỗi địa phương để xác định quy mô, đối tượng cây trồng chuyển đổi cho phù hợp, đảm bảo phát huy tiềm năng, thế mạnh và gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: “Huyện xác định chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả là một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và xây dựng các vùng chuyên canh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa”.
Việc chuyển đổi cũng tạo ra những vùng sản xuất hàng hoá đáp ứng được nhu cầu thị trường sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, người dân có thêm những hướng đi mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm vươn lên làm giàu.
Thanh Hà - Phan Tuấn (Đài TT-TH Văn Chấn)
Các tin khác
Lãnh đạo hai bộ ký kết Bản ghi nhớ tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản giai đoạn 2016 – 2020.
YBĐT - Ngày 18/7/2016, UBND tỉnh Yên Bái bổ sung 5 xã: Giới Phiên, Phúc Lộc, Văn Tiến, Văn Phú, Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020.
YBĐT - Những cây sơn tra khoảng 2 năm tuổi cao chừng 50 cm là thành quả của anh Giàng A Lầu cùng người thân trong gia đình trồng để khắc phục hậu quả cháy rừng, trả lại cho mảnh đất này màu xanh vốn có.
YBĐT - Theo người dân ở xã Suối Giàng (Văn Chấn), việc những cây chè cổ thụ bị mối xâm hại đã xuất hiện cách đây chục năm và trở nên nặng hơn từ 3 - 4 năm trở lại đây khiến nhiều cây sụt giảm năng suất, chất lượng, chết dần, chết mòn.