“Cú huých” phát triển nuôi trồng thủy sản ở Yên Bình
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/11/2016 | 9:06:20 AM
YBĐT - Huyện Yên Bình tập trung chỉ đạo đóng mới 450 - 500 lồng nuôi cá có thể tích trên 100 m khối và quy hoạch 400 - 500 ha mặt nước để nuôi cá quây lưới; phấn đấu đến năm 2020 sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản đạt trên 5.500 tấn.
Mô hình nuôi cá ngạnh trên hồ Thác Bà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Là huyện có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản lớn, đặc biệt hồ Thác Bà có diện tích gần 20.000 ha, nguồn nước phù hợp cho phát triển chăn nuôi thủy sản. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phát triển của tỉnh đã tạo “cú huých” thúc đẩy ngành chăn nuôi thủy sản của huyện phát triển, phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản lượng thủy sản đạt 5.500 tấn vào năm 2020.
Để chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản đến với người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, UBND huyện Yên Bình đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sao gửi tài liệu về các nghị quyết, quyết định, hướng dẫn của tỉnh đến tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đến các hộ dân để đăng ký thực hiện và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển thủy sản trên hồ Thác Bà.
Huyện cũng đã thành lập các tổ công tác chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Trong đó, tập trung chỉ đạo đóng mới 450 - 500 lồng nuôi cá có thể tích trên 100 m3 và quy hoạch 400 - 500 ha mặt nước để nuôi cá quây lưới; phấn đấu đến năm 2020 sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản đạt trên 5.500 tấn.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Bình trao đổi: “Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển thủy sản, trọng tâm là nuôi cá lồng quy mô lớn và tận dụng các eo ngách để chắn lưới nuôi cá gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh không thu thuế thuê mặt nước hồ Thác Bà của người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, đề xuất với tỉnh giúp người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tháo gỡ khó khăn như điều chỉnh kích thước, vật tư đóng lồng cá… phù hợp với thực tiễn sản xuất tại địa phương”.
Được biết, trong năm 2016, huyện đã hỗ trợ một lần cho 16 hộ nuôi cá bằng quây lưới ở các eo ngách có diện tích mặt nước từ 1 ha trở lên trị giá 300 triệu đồng; hỗ trợ đóng mới 158 lồng cá cho 24 hộ với tổng mức kinh phí 1 tỷ 580 triệu đồng; hỗ trợ Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà tại thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng đóng mới 30 lồng cá, kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng.
Qua kiểm tra đánh giá, các hộ tham gia thực hiện mô hình đều rất phấn khởi và thực hiện đúng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật do ngành chuyên môn đã đề ra.
Cùng với đó, Phòng NN&PTNT huyện chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông và Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo 100% số hộ thực hiện chính sách đóng mới lồng nuôi cá và nuôi cá quây lưới đều được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức 2 lớp cho 85 hộ nuôi cá lồng, cá nheo, cá quây lưới trên hồ Thác Bà.
Vì vậy, các hộ dân đều nắm bắt được các kiến thức khoa học, kỹ thuật mới trong chăn nuôi thủy sản, hạn chế dịch bệnh, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng thủy sản.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực thủy sản, UBND huyện Yên Bình đang triển khai kế hoạch xúc tiến quảng bá tiềm năng, thế mạnh vùng hồ Thác Bà; tìm kiếm thị trường, nhà hàng, siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh miền xuôi để cung cấp sản phẩm tôm, cá hồ Thác Bà ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.
Chủ động khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm; chủ động mời gọi các nhà khoa học của các trường đại học thực hiện các đề tài, dự án khoa học - công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi cá, phát triển các loại cá đặc sản như: cá nheo, cá lăng, cá tầm… để nâng cao năng suất, chất lượng cá.
Huyện cũng giao cho Phòng NN&PTNT đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài, dự án xây dựng thương hiệu cá hồ Thác Bà năm 2017 - 2018 và thành lập hợp tác xã để quản lý…
Cũng theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Bình, để thực hiện mục tiêu này, huyện đã quy hoạch 400 ha mặt nước để nuôi cá quây lưới tại các eo ngách, năng suất đạt trên 3,5 tấn/ha; tăng cường hỗ trợ các hộ dân, nhóm hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi từ lồng tre, hóp sang đóng mới lồng nuôi cá bằng các vật tư chịu nước, chịu lực để nâng cao độ bền và mở rộng chăn nuôi.
Huyện phấn đấu đến năm 2020 có trên 450 lồng nuôi cá với thể tích trên 100 m3, năng suất 2 tấn/lồng. Có cơ chế thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất tạo nên một vùng hàng hóa tập trung chuyên cung cấp các sản phẩm thủy sản sạch cho thị trường. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thủy sản tiến hành thả bổ sung nguồn lợi thủy sản cho hồ Thác Bà và thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Cùng với mạng lưới cung cấp các sản phẩm tôn, thép và tới đây là ống nhựa, Tập đoàn Hoa Sen đã và đang triển khai Dự án Khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện trên khu đất giữa trung tâm thành phố Yên Bái.
YBĐT - Tính đến hết tháng 10/2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố Yên Bái đạt gần 303 tỷ đồng, bằng 80% so với kế hoạch pháp lệnh và bằng 72% kế hoạch thành phố phấn đấu, tăng 14% so với cùng kỳ.
Hãng hàng không Vietjet vừa công bố mở thêm hai đường bay mới Hải Phòng – Bangkok và Hà Nội – Busan (Hàn Quốc).
YBĐT - Đến nay, huyện Văn Yên đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt trên 10 tiêu chí trở lên.