Lúa vàng trên đỉnh Lùng Cúng
- Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2016 | 1:47:15 PM
YBĐT - Lùng Cúng và Phình Ngài là hai bản xa nhất của xã Nậm Có nằm trên đỉnh núi Lùng Cúng. Gọi là bản nhưng nhà ở của bà con nằm trên chừng núi và thưa thớt, nhà cách nhà vài trăm mét, thậm chí có nhà cách vài cây số.
Ngày mùa ở bản Phình Ngài.
|
Trong những ngày cuối tháng 10 năm 2016, chúng tôi có dịp đến công tác tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, điểm dừng chân tại hai bản Phình Ngài và Lùng Cúng.
Khi được lãnh đạo xã cử đồng chí Chang A Của - cán bộ địa chính xã dẫn đường, sau hai giờ đồng hồ đi xe máy từ trung tâm xã lên núi, chúng tôi đã có mặt tại bản Phình Ngài.
Lùng Cúng và Phình Ngài là hai bản xa nhất của xã Nậm Có nằm trên đỉnh núi Lùng Cúng. Đây là một trong những ngọn núi cao gần 3.000 m so với mặt nước biển thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Gọi là bản nhưng nhà ở của bà con nằm trên chừng núi và thưa thớt, nhà cách nhà vài trăm mét, thậm chí có nhà cách vài cây số.
Đồng chí Chang A Dờ - Bí thư Chi bộ Phình Ngài nắm thông tin như thuộc lòng: “Bản này có 48 hộ với 390 khẩu, còn bản Lùng Cúng có 108 hộ, 819 nhân khẩu. Số liệu này bảo đảm chính xác bởi hai chi bộ thường xuyên phối hợp tổ chức họp cụm nên tôi luôn nắm chắc”.
Bước chân trên con đường do người dân tự mở, thoang thoảng trong gió mùi lúa mới, cảm nhận mùa no ấm của người dân nơi đây. Phóng tầm mắt ra xa, dưới chân núi là một cánh đồng ruộng bậc thang rộng chừng 100 ha đang độ chín, nhuộm vàng cả hai bên bờ suối Tà Sua, tạo nên diện mạo mới khác hẳn 10 năm về trước.
Đi vào các hộ trong bản mới thấy hết được niềm vui và hạnh phúc của đồng bào. Nhà nào, nhà nấy đều phơi đầy sân những hạt thóc mẩy vàng dưới ánh nắng ấm áp cuối thu.
Chị Vàng Thị Máy ở bản Lùng Cúng cho hay: “Bà con ở đây vui mừng lắm cán bộ ạ! Mọi gia đình đã có gạo ăn. Nhờ có cán bộ xã, cán bộ huyện đến hướng dẫn chúng tôi canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) một cách tận tình nên những năm gần đây, năng suất luôn đạt cao từ 40 đến 45 tạ/ha. Người dân chúng tôi đã có những bồ thóc vàng khô, có gạo trắng đẹp nên không còn lo chuyện đói như trước nữa”.
Được biết, trước đây, bà con ở đây thường sản xuất ngô, gieo trồng cây kê, tam giác mạch nên cánh đồng ruộng cấy lúa nước này gần như bỏ hoang. Do người dân chưa có kiến thức về kỹ thuật gieo trồng, ít sử dụng phân bón nên năng suất thấp. Mặc dù có cố gắng lao động, sản xuất đến mấy nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Phần lớn các hộ gia đình đông con thường thiếu gạo ăn từ 1 đến 3 tháng trong năm, hộ nghèo ngày càng gia tăng.
Trước thực trạng đó, xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng cường thâm canh là giải pháp đúng đắn nhất để giúp đồng bào nhanh chóng xóa đói nghèo, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con cần đổi mới phương thức sản xuất.
Ban đầu, do trình độ nhận thức còn hạn chế nên khi xã tuyên truyền, phổ biến về việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhiều hộ dân đã phản đối quyết liệt, không chịu làm. Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, chính quyền xã không quản ngại khó khăn, vẫn tiếp tục vận động hết vụ này đến vụ khác, từ năm này qua năm khác.
Để tạo sự tin tưởng cho bà con, trước tiên, xã đôn đốc cán bộ, đảng viên, các bí thư chi bộ, trưởng bản đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xã phân công cán bộ phối hợp với trưởng bản, bí thư chi bộ, tổ hội phụ nữ, bí thư chi đoàn sát cánh với bà con trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất cho bà con theo phương châm “cầm tay chỉ việc”.
Từ đó, bà con đã biết cách làm, đưa năng suất lúa tăng dần lên. Không dừng lại ở đó, xã tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích gieo cấy lúa nước, bỏ việc phá nương trồng kê, gieo tam giác mạch.
Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, hiện nay, bà con người Mông ở hai bản Lùng Cúng và Phình Ngài gieo cấy lúa nước thuần thục. Diện tích nương trồng kê, trồng tam giác mạch đã được xóa dần và đến nay, bà con không còn làm nữa. Hai bản nay đã có chung cánh đồng rộng gần 100 ha.
Việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất ngày càng được phổ biến rộng rãi đã góp phần tăng năng suất lúa, thu hoạch năm sau đạt cao hơn năm trước. Do ở vùng cao thời tiết lạnh mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ nhưng năm nào bà con người Mông cũng tự giác cày cấy không để diện tích đất bỏ hoang.
Đối với diện tích đất không có nước tưới, không thể gieo cấy lúa, bà con đã chủ động chuyển sang trồng các loại cây màu khác. Nhờ tích cực đổi mới cách nghĩ, cách làm nên hiện nay, ở hai bản vùng cao này không còn hộ đói giáp hạt như trước đây. Phần lớn bà con trong bản không những thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả như gia đình các ông: Chang Nhà Dê, Thào Sú Rùa, Chang Chừ Nủ, Giàng Trù Chống ở bản Lùng Cúng; Chang Sông Páo, Chang Chờ Nù, Chang Là Giao, Lù Dủ Sinh, Lý A Cở ở bản Phình Ngài...
Rời Phình Ngài và Lùng Cúng dưới cái nắng chiều dịu nhẹ, nhìn cánh đồng lúa vàng rực dưới chân núi mà lòng thêm vui, chúng tôi tin tưởng vào sự hăng say lao động, tích cực đưa tiến bộ KHKT ứng dụng vào sản xuất, cuộc sống của bà con đồng bào Mông nơi vùng cao này sẽ ngày một no ấm.
Sùng A Hồng
Các tin khác
YBĐT - Theo ông Bảng, nuôi bò trong nông hộ như gia đình mình có thuận lợi vì chi phí thấp, chỉ phải bỏ ngày công chăn thả lại có thể tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp. Theo giá thị trường hiện nay, bán con giống hay bán thịt thì cũng có khoảng 12 triệu đồng.
YBĐT - Hàng tuần, đơn vị đều cử cán bộ xuống cơ sở nắm bắt thêm thông tin về giá cả, tình hình buôn bán và kịp thời báo cáo cấp trên. Đội còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra các cơ sở, hộ kinh doanh tại các chợ ở vùng cao.
YBĐT - Huyện Yên Bình đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ quy hoạch 400 ha mặt nước hồ Thác Bà để nuôi cá quây lưới.
YBĐT - Vụ đông năm 2016, huyện Văn Yên đề ra kế hoạch trồng 1.722 ha cây ngô đông, trong đó ngô trên đất hai vụ lúa là 1.000 ha và 700 ha rau màu các loại.