Nên nhân rộng mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/12/2016 | 8:20:04 AM

YBĐT - Tỉnh Yên Bái hiện có gần 12.000 ha sắn thâm canh theo mô hình bền vững, chuyên sản xuất sắn củ cung cấp cho các nhà máy chế tinh bột, tập trung tại huyện Văn Yên hơn 7.500 ha, huyện Yên Bình gần 4.500 ha. Cây sắn cao sản đã đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người nông dân ở một số địa phương trong tỉnh.

Nhân dân xã Mậu Đông, huyện Văn Yên thu hoạch sắn cao sản.
Nhân dân xã Mậu Đông, huyện Văn Yên thu hoạch sắn cao sản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn lớn của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Yên Bình, Công ty TNHH Minh Quang. Hàng năm, thu mua hơn 200.000 tấn sắn củ tươi và được chế biến chủ yếu ra sản phẩm tinh bột sắn với hơn 50.000 tấn/năm. Sản phẩm tinh bột sắn Yên Bái có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế về độ trắng, hàm lượng tinh bột, được xuất khẩu chủ yếu sang các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Hiện tại, tỉnh đang có vùng nguyên liệu sắn khá tốt, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt từ 18 - 22 tấn/ha, chưa có bộ giống sắn năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp cho các vùng trồng sắn ở các địa phương, nhân dân vẫn trồng sắn lá tre, sắn dù, KM94 đang thoái hóa phân cành, năng suất sụt giảm mạnh khiến người dân trồng sắn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì quan niệm của người nông dân, sắn là cây dễ trồng, không cần chăm sóc, đầu tư phân bón nên qua canh tác một vài năm đất sẽ bạc màu và cây sắn trở thành cây phá hoại đất, xói mòn đất. Mặt khác, người nông dân chưa tiếp cận được đầy đủ các thông tin về các tiến bộ kỹ thuật, giống mới, giá cả thị trường, phá rừng trồng sắn, không tuân thủ quy trình trồng và chế biến sắn, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường...

Để khắc phục tận gốc những vướng mắc trên, năm 2016 Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có củ đã triển khai hợp phần của Dự án Xây dựng và nhân rộng mô hình trồng sắn mới và thâm canh bền vững tại vùng nguyên liệu của nhà máy chế biến tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Thông qua các hoạt động của dự án, nhằm nâng cao hiểu biết của người nông dân về cây sắn, cách tăng thêm thu nhập cho gia đình nhưng vẫn đảm bảo cho cây sắn phát triển bền vững trên chính mảnh đất canh tác của mình.

Dự án được triển khai với mô hình trồng 20 ha sắn giống mới tại 30 hộ tại xã Vĩnh Kiên, vừa được cơ quan chủ quản Dự án tổ chức hội nghị đánh giá mô hình cuối tháng 12/2016 cho thấy, nhờ kỹ thuật trồng xen được áp dụng với các cây họ đậu lạc, nên đã giảm thiểu được tối đa lượng đất bị xói mòn trên đất dốc nhờ diện tích che phủ khá cao chỉ sau một tháng trồng trong thời gian chờ cây sắn phát triển.

Sau khi thu hoạch cây trồng xen là lạc, đậu tương, đậu đen, thân lá rễ của cây họ đậu được phủ trả lại lên đất trồng sắn một phần dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, việc trồng xen cũng làm tăng lợi nhuận kinh tế trên một đơn vị diện tích so với trồng sắn thuần, do giảm được một số công lao động làm cỏ và thu hoạch lạc, đậu tương vào giữa vụ sắn từ 8 - 10 triệu đồng/ha. Các giống sắn mới Sa 21-12 và BK khá thích hợp với điều kiện đất đai và khí hậu Yên Bái, năng suất bình quân đạt 38 - 42 tấn/ha, thậm chí có hộ trồng năng suất giống sắn BK đạt hơn 45 tấn/ha.

Như vậy, với giá bán sắn củ tươi hiện nay là 1.000 đồng/kg (mua tại nhà máy), mỗi năm người dân thu được khoảng gần 50 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư khoảng 32 triệu đồng thì lãi khoảng 17 triệu đồng/ha. Trong khi đó, với các hộ ngoài mô hình năng suất củ tươi đạt trung bình 24,5 tấn/ha thì thu nhập khoảng 24,5 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất chỉ lãi 7-8 triệu đồng/ha.

Như ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên có diện tích trồng sắn hơn 400 ha, trong đó nhờ khuyến nông "cầm tay chỉ việc" có hơn 100 ha được áp dụng phương pháp canh tác bền vững với 500 hộ dân tham gia. Qua trồng đối chứng, các hộ làm sắn có trồng xen đậu, lạc thì năng suất khi thu hoạch sắn cao hơn, đất ít bị xói mòn, lợi nhuận đem lại hơn hẳn các hộ chỉ trồng sắn theo phương thức truyền thống.

Từ mô hình canh tác giống sắn mới tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình và một số xã của huyện Văn Yên theo phương thức “thâm canh bền vững trên đất dốc”, kết hợp canh tác trồng xen cây họ đậu trên diện tích sắn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân mà còn giữ cho đất không bị bạc màu, xói mòn, ảnh hưởng đến môi trường...  Vì vậy, vụ trồng sắn năm 2017 và những năm tiếp theo, huyện Yên Bình, Văn Yên và các địa phương có quy hoạch trồng sắn cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột nên nhân rộng mô hình này, giúp nông dân xóa nghèo bền vững và không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng.

Cao Chính

Các tin khác
Cán bộ ngành thuế hướng dẫn nộp thuế điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

YBĐT - Vượt qua nhiều khó khăn, đến hết ngày 20/12/2016, Chi cục Thuế thành phố Yên Bái đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách được giao với số thu ngân sách trên địa bàn đạt 381 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch tỉnh giao.

YBĐT - Năm 2016, huyện Văn Chấn gieo cấy 8.270 ha lúa 2 vụ, gieo trồng trên 6.000 ha ngô, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 64.000 tấn, tăng trên 6.600 tấn so với năm trước (thóc trên 44.000 tấn, ngô trên 20.300 tấn).

YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt và ban hành chính sách thực hiện 8 đề án chi tiết tập trung vào các cây, con có lợi thế trên địa bàn.

Các đại biểu tham gia Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

YBĐT - Sáng 26/12, tại điểm cầu Yên Bái, đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành liên quan đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục