Yên Bái chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/2/2017 | 12:42:58 PM

YBĐT - Thời tiết giao mùa cộng với việc tái đàn mỗi dịp đầu năm của người dân cũng làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Cán bộ thú y xã Quy Mông, huyện Trấn Yên tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Cán bộ thú y xã Quy Mông, huyện Trấn Yên tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi để triển khai đến tất cả các địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

Trên địa bàn toàn tỉnh có 679.131 con gia súc các loại; trong đó, trâu 104.695 con, bò 24.664 con, lợn 549.772 con và 4,48 triệu con gia cầm các loại. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau tết Nguyên đán, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các các địa phương triển khai đến các trạm và đội ngũ thú y viên cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, kiểm tra việc thực hiện tại 3 trạm vùng thấp là Yên Bình, Trấn Yên và thành phố Yên Bái.

Trong tháng 1/2017, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi năm 2017 báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình UBND tỉnh với 3 nội dung gồm: tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò, lợn, dịch tả lợn, dại chó; tiêm vắc-xin lở mồm long móng trâu, bò; phun tiêu độc khử trùng với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng.

Theo ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngay từ đầu năm 2017, tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo chính quyền cơ sở, giao trách nhiệm cho đội ngũ thú y viên cơ sở, trưởng thôn, bản, các tổ chức đoàn thể kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh phát sinh, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch về nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hoá chất.

Hiện tại, Chi cục đang khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2017, cùng với đó là hướng dẫn nhân dân thực hiện đợt tổng vệ sinh, khử trùng làm sạch môi trường chăn nuôi, khu vực giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm; phối hợp với các địa phương tổ chức điều tra, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm; chuẩn bị các điều kiện và triển khai tốt đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh vụ xuân; đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, từ vùng an toàn dịch; cải tạo chuồng nuôi bảo đảm khô ráo, sạch sẽ; tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục và sâu rộng cho nhân dân về tác hại, sự nguy hiểm, các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và địa chỉ để người chăn nuôi thông tin, báo cáo dịch bệnh; thông báo công khai cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật cho người chăn nuôi.

Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe đàn vật nuôi. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, lở mồm long móng gia súc có khả năng phát sinh, lây lan rất cao.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngay từ lúc này người dân các địa phương trong tỉnh cần nâng cao nhận thức trong việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tránh để dịch bệnh bùng phát lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại đáng tiếc về kinh tế; đồng thời, gây khó khăn cho việc phát triển chăn nuôi.

Thanh Tân

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục