Sản xuất rau an toàn ở Văn Phú

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/3/2017 | 1:50:18 PM

YBĐT - Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 1, xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) vừa được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là cơ sở thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm rau sạch ra thị trường, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ thành viên.

Nông dân xã Văn Phú chăm sóc rau màu.
Nông dân xã Văn Phú chăm sóc rau màu.

Đến thăm mô hình sản xuất rau an toàn thôn 1, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những ruộng rau xanh non mơn mởn lại phong phú đủ loại từ đỗ, mướp, cà pháo đến các loại rau thơm như: xà lách, mùi, húng...

Chị Nguyễn Thị Đường – thành viên tổ hợp tác đang thu hoạch vụ bắp cải cuối của gia đình phấn khởi cho biết: “Rau vụ đông vừa rồi được mùa lắm. Bây giờ, thu hoạch xong thì phải mang qua nhà sơ chế để rửa sạch, đóng túi, gắn mác rồi mới mang ra thị trường tiêu thụ. Từ khi tham gia Đề án sản xuất rau an toàn, rau của gia đình tôi có uy tín hơn, có mối quen thu mua không phải vất vả đạp xe khắp các chợ bán rau như trước nữa”.

Xuất phát từ tâm lý hiện nay của người tiêu dùng là hướng tới sản phẩm “chất lượng cao”, họ luôn ưu tiên hàng đầu cho những sản phẩm an toàn đối với sức khoẻ, ngày 3/8/2016, UBND xã Văn Phú ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án sản xuất rau an toàn thôn 1 với 29 thành viên tham gia trên tổng diện tích đăng ký ban đầu là 21.196m2/ 3ha.

Để đảm bảo cho người dân sản xuất rau khi trời mưa không bị ngập úng, xã Văn Phú đã vận động đoàn viên, hội viên các đoàn thể tham gia nạo vét mương tiêu úng; đồng thời mở đường dài 100m, rộng 2,5m ra khu sản xuất rau an toàn, đảm bảo giao thông cho bà con đi lại, canh tác.

Anh Nguyễn Thanh Lâm - Cán bộ Trạm Khuyến nông thành phố cho biết: “Để sản xuất rau hiệu quả, Trạm Khuyến nông luôn tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày về kỹ thuật trồng rau an toàn; thường xuyên tổ chức sinh hoạt giữa các thành viên để tìm ra những giải pháp phù hợp cho hoạt động của Tổ hợp tác, đặc biệt trong quá trình sản xuất rau các thành viên đều phải có lịch ghi chép cụ thể thời gian trồng, chăm sóc nhằm đảm bảo đạt tiêu chuẩn khi bán”.

Sau khi được tập huấn quy trình trồng rau an toàn, được hướng dẫn cách chọn đất, phân tích mẫu đất, cách chăm sóc, bón phân, thu hoạch đúng thời điểm, các hộ trồng rau đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ khâu gieo trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch. Các sản phẩm rau sau thu hoạch đều được kiểm tra, đánh giá chặt chẽ và kiểm nghiệm trước khi đưa ra thị trường.

Anh Bùi Xuân Trung - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 1 cho biết: “Vụ hè thu năm 2016, có 19 hộ tham gia sản xuất trên nền diện tích hơn 10.500m2, đạt tổng sản lượng là 3.386kg. Đến vụ đông, số người tham gia Đề án tăng lên 29 hộ trên diện tích 21.195 m2 và đạt tổng sản lượng là gần 28.000kg. Được mùa là thế nhưng chúng tôi lại đang gặp khó khăn trong việc bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, chúng tôi chỉ mới cung ứng cho bếp ăn của nhà trường đóng trên địa bàn xã. Sản phẩm còn lại người dân bán tự do trên thị trường, không đóng gói và gắn tem mác rau an toàn”.

Điều đáng ghi nhận là qua vài vụ thu hoạch, rau an toàn ở đây đã mang lại hiệu quả tích cực. Những người trồng rau lần đầu tiên tiếp cận với phương pháp trồng rau mới đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sản xuất ra những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hiệu quả bước đầu của việc trồng rau an toàn đã được khẳng định, thế nhưng người trồng rau vẫn còn nỗi lo cho đầu ra của sản phẩm. Làm thế nào để sản phẩm rau an toàn có chỗ đứng trên thị trường, làm thế nào để người tiêu dùng tin đó là sản phẩm rau an toàn vẫn là điều trăn trở đối với người trồng rau Văn Phú.

Hoài Anh

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục