Sản xuất, kinh doanh và quản lý rượu thủ công: Khâu nào đang lỏng lẻo?

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/3/2017 | 7:57:53 AM

YênBái - YBĐT - Niềm tin của người tiêu dùng được đặt vào người kinh doanh, người kinh doanh lại đặt niềm tin vào người sản xuất rượu. Cái vòng luẩn quẩn này cho thấy sự mơ hồ trong nhận thức của số đông người sản xuất, kinh doanh lẫn người tiêu thụ rượu. Thực tế này, cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công ...

Đội Quản lý thị trường số 4 (Văn Yên) kiểm tra hàng hóa kinh doanh trên địa bàn - Ảnh minh họa. (Ảnh: Ngọc Đồng)
Đội Quản lý thị trường số 4 (Văn Yên) kiểm tra hàng hóa kinh doanh trên địa bàn - Ảnh minh họa. (Ảnh: Ngọc Đồng)

“Mục sở thị”

Rượu là thứ đồ uống dễ mua. Một hàng tạp hóa ở vùng thôn quê, làng bản vùng cao hay ở thành phố, thị xã đều có thể bán rượu, từ rượu công nghiệp đến rượu thủ công. Rượu công nghiệp chủ yếu được nhập từ nơi khác về và phân phối qua các đại lý. Rượu thủ công được nhập nguồn nào thì có khi đến người bán cũng không biết. Còn người mua, họ hoàn toàn dựa vào niềm tin với người bán hàng.

Trong vai người mua hàng, chúng tôi tới một hàng tạp hóa trên đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái hỏi mua rượu. Chẳng khó khăn gì, bà chủ hàng hỏi:

- Em mua rượu nếp hay tẻ?

- Rượu nào thật “chuẩn” ạ?

- Rượu nhà chị rượu nào cũng chuẩn. Rượu nếp ngon hơn rồi. Nhưng nếp cũng có 2 loại, mua loại 18.000 đồng hay 20.000?

-Thế rượu rẻ thì nhiều độc hại hơn rượu đắt ạ?

Bà chủ cửa hàng vẻ khá cập nhật thông tin, liền bảo:

- Em sợ mấy cái rượu ngộ độc có mê – tha – nôn chứ gì? Ở mình đây làm gì có. Chị bán rượu bao nhiêu năm ở cái đất này rồi, có ai uống bị sao đâu.

Vừa lúc có một bác tới mua hàng, nghe câu chuyện bác bảo:

- Quanh đây chúng tôi đều mua rượu của cô ấy. Hàng xóm ai bán rượu đểu cho mình chứ.

Khi được hỏi về nơi sản xuất rượu, bà chủ lại nói một cách cũng rất mông lung:

- Bao năm nay tôi lấy của cái “nhà ông này” ở Trấn Yên, cứ hết là gọi điện thoại ông ấy chở xuống cho.

- Thế chị đã bao giờ đến nhà ông ấy xem quy trình sản xuất rượu có đảm bảo không chưa? Hay cơ sở nhà ông ấy có giấy phép sản xuất không?

Chị chủ phẩy tay:

-Không! Đến làm gì, xem làm gì, làm ăn tin nhau là chính. Nhìn ông ấy chất phác lắm, kiểu người ấy không làm hại ai được!

Niềm tin của người tiêu dùng được đặt vào người kinh doanh, người kinh doanh lại đặt vào người sản xuất, người nấu. Cái vòng luẩn quẩn này cho thấy sự mơ hồ trong nhận thức của cả người kinh doanh lẫn người tiêu thụ rượu.

Không chỉ có những hộ kinh doanh nhỏ lẻ tạp hóa mà ngay cả những nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống - nơi tiêu thụ rượu nhiều nhất cũng vậy. Đến nhà hàng, thực khách có thể gọi bao nhiêu tùy thích, lại đủ loại rượu trắng, rượu chuối hột, rượu ngâm hồng rừng...

Tại một nhà hàng trên đường Lê Lợi, thành phố Yên Bái, thực khách không khó để gọi rượu nhưng rất khó khăn để lựa chọn loại nào, rượu ngâm bạt ngàn, chum to, chum nhỏ, bình lớn bình bé.

Khi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của những loại rượu này, anh chủ nhà hàng cho hay: “Chúng tôi lấy của mấy gia đình nấu rượu mới đủ lượng để phục vụ khách. Mỗi người mang đến chào hàng chúng tôi đều phải kiểm tra rồi mới nhập”.

Nhưng cái cách mà anh chủ nhà hàng kiểm tra rất hay, đó là người bán rượu mang tới một can để “chào hàng”, anh trực tiếp uống thử và nhập rượu bằng cảm quan kèm câu dặn người bán rượu: “Mai mang đúng loại này đến cho tôi”.

Hôm sau, người bán rượu sẽ mang lượng rượu chủ nhà hàng yêu cầu, có đúng rượu chủ nhà hàng thử hay không cũng không rõ, hàm lượng chất nọ chất kia bao nhiêu cũng hoàn toàn mù tịt và cũng không quan tâm tới cơ sở nấu rượu đó có giấy phép hay không. Vẫn là câu “làm ăn là phải tin nhau, không lần sau mình cắt cầu”, nhưng, ngộ nhỡ có điều gì bất thường trong rượu thì liệu còn có lần sau?

Sản xuất thủ công, chấp pháp cũng... “thủ công”

Trong vai người tìm nguồn cung cấp rượu cho nhà hàng ở thành phố Yên Bái, chúng tôi tìm về một xã vùng ven. Thoạt đầu, người dân còn dè chừng, có lẽ bởi thông tin về chất lượng rượu, rượu độc đang tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bà H. ở thôn L.H lúc đầu chia sẻ với chúng tôi rằng gia đình nấu rượu chủ yếu lấy “bỗng” phục vụ chăn nuôi. Nhưng sau khi được biết, chúng tôi tìm nguồn rượu cho nhà hàng thì bà bắt đầu giới thiệu về sản phẩm rượu thủ công của gia đình: “Rượu nhà tôi bán cho người quen là chủ yếu. Bán cả lên Lào Cai, có nhà hàng lấy quen rồi nên đặt thường xuyên”.

Khi hỏi quy trình nấu rượu và giấy phép, bà H. chia sẻ: “Nấu rượu truyền thống thì cứ theo cách thức cũ, được truyền lại thôi. Cứ theo các cụ ngày xưa mà làm. Còn ở đây chúng tôi có ai cần giấy phép gì đâu!”.

Đề nghị được đi xem nơi nấu rượu, bà H không ngại ngần: “Cô chú cứ qua đây xem, tôi làm sạch sẽ lắm!”.

Vào “công xưởng”, chúng tôi thấy ngoài chiếc nồi chưng cất lớn là một dãy những thùng nhựa có nắp đậy đặt ở góc tối ẩm thấp của bếp, những chiếc nắp đậy lâu ngày không được cọ rửa, bụi bẩn bám bờ. Có thùng không để đựng gạo nấu chín sẽ trộn men.

Bà H. lý giải: “Ở đây chúng tôi đều làm bằng men chuẩn cả”. Chuẩn - theo bà H. có nghĩa là mua ở chợ, người bán bảo đó là men gì thì là men đó.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, hiện nay trên thị trường có nhiều loại men: men quả, men bột, men lá..., có loại của Trung Quốc, loại của Việt Nam, nhưng khi hỏi men ở đâu sản xuất thì 100% người bán hàng sẽ trả lời men của Việt Nam.

Chỉ phân biệt được dựa vào thời gian ủ được nhanh hay chóng, thậm chí có loại men không cần nấu chín gạo mà chỉ cần vo gạo qua loa để giữ lại lớp cám bên ngoài vỏ gạo, sau đó để cho ráo nước và tiến hành trộn men, ủ vài ngày cho đến lúc gạo chín thành rượu thì mang vào lò chưng cất. Làm bằng men Trung Quốc năng suất cao gấp đôi so với men truyền thống. 

Theo cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh lượng rượu được tiêu thụ chủ yếu vẫn là các loại rượu do người dân tự nấu bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên, việc nấu rượu của các hộ dân sau khi chưng cất được đem bán cho nhà hàng, quán ăn, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn và người dân sống quanh khu vực, hầu hết không qua các khâu cấp phép, kiểm định chất lượng...

Quản lý khó?

Lâu nay việc quản lý rượu thủ công có người ví như  “bắt bóc bỏ đĩa”, có rất nhiều các cuộc kiểm tra liên ngành nhưng rất, rất ít hoặc cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành chuyên đề rượu thủ công. Trong khi, người tiêu dùng, người sản xuất dường như không biết tới hoặc phớt lờ những quy định của Nghị định 94/2012/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Nghị định 94 cũng bộc lộ một số bất cập như phản ánh từ các hộ sản xuất kinh doanh rượu: bộ thủ tục cấp phép còn quá phức tạp, nhiều giấy tờ. Cùng với đó là sự “lách luật” của các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhỏ với lý do kiểu “gia đình nấu để uống, dư thì bán cho hàng xóm”...

Theo đại diện của ngành công thương tỉnh, số hộ nấu rượu theo hình thức thủ công, có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động rải rác trong các khu dân cư còn rất nhiều mà các địa phương chưa thể thống kê hết được. Thêm nữa, những hộ này chủ yếu là bán lại cho các quán ăn, cửa hàng tạp hóa với số lượng nhỏ, không thường xuyên nên khó kiểm soát và khó yêu cầu các hộ làm đầy đủ các thủ tục theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.

Ngoài ra, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý của ngành, cơ quan chức năng và các huyện, thị xã, thành phố rất mỏng nên việc hướng dẫn, vận động cơ sở sản xuất thực hiện đăng ký cấp phép chưa thường xuyên, chỉ dừng lại ở bước tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong khi đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phân bố rải rác khắp các khu vực trên địa bàn tỉnh nên công tác vận động, kiểm tra gặp nhiều khó khăn...

Chưa khi nào chuyện về rượu lại “nóng” như hiện nay. Những vụ ngộ độc rượu liên tiếp ở nơi này, nơi khác khiến người tiêu dùng giật mình, lo sợ, hoang mang. Người sử dụng rượu cần là người tiêu dùng thông minh và người sản xuất, kinh doanh rượu là người có lương tâm, trách nhiệm. Còn quản lý việc chấp pháp về sản xuất kinh doanh rượu - nhất là rượu thủ công cần sự vào cuộc và ra tay quyết liệt của các cơ quan chức năng, của chính quyền, trong đó chính quyền cấp cơ sở là đặc biệt quan trọng.

Thông tin từ Sở Công thương, đến nay, toàn tỉnh mới có 8 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố cấp 257 giấy phép bán lẻ sản phẩm rượu. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, gần đây chưa có trường hợp ngộ độc rượu do Methanol nhưng năm 2016 có 12 trường hợp ngộ độc rượu ở Văn Yên và thành phố Yên Bái...

Thanh Ba

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục