Yên Bái tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/4/2017 | 6:34:33 AM

YBĐT -  Đến hết năm 2014, tỉnh Yên Bái còn 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý. Năm 2017, tỉnh sẽ hoàn thành cổ phần hóa 4 công ty lâm nghiệp, sắp xếp lại hoạt động của 3 lâm trường, tiếp tục xây dựng kế hoạch phương án cổ phần hóa 3 DNNN thuộc lĩnh vực thủy lợi.

Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết Yên Bái được thành lập và đi vào hoạt động ngày 30/5/1980.  Hiện nay, Công ty là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh làm chủ sở hữu.
Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên Công ty kiểm tra vé số trước khi phát hành.
Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết Yên Bái được thành lập và đi vào hoạt động ngày 30/5/1980. Hiện nay, Công ty là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh làm chủ sở hữu. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên Công ty kiểm tra vé số trước khi phát hành.

Thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung triển khai quyết liệt tái cơ cấu DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, qua quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động từ các công ty Nhà nước sang doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước, đến hết năm 2014, tỉnh Yên Bái còn 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý.

Trong đó, lĩnh vực lâm nghiệp có 4 công ty và 3 lâm trường; lĩnh vực giao thông có 2 doanh nghiệp; lĩnh vực dịch vụ cung ứng thủy lợi, cấp thoát nước có 5 doanh nghiệp; lĩnh vực vệ sinh môi trường có 1 doanh nghiệp; lĩnh vực xổ số có 1 doanh nghiệp; lĩnh vực quản lý chợ có 1 doanh nghiệp.

Thời gian qua, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng các DNNN đã có nhiều cố gắng, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo cung ứng các dịch vụ công, đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng; tham gia quản lý nguồn tài nguyên, đất đai và quản lý khai thác rừng hiện có, hằng năm cùng với các thành phần kinh tế khác đã góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, các DNNN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, nguồn vốn và cơ cấu vốn không lớn, năng lực tài chính và quản lý điều hành còn yếu kém và chậm đổi mới, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm, phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh.

Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, tỉnh Yên Bái đã triển khai quyết liệt tái cơ cấu DNNN và đạt được những kết quả tích cực.

Đến hết năm 2016, đã hoàn thành cổ phần hóa DNNN không nắm giữ cổ phần chi phối 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Quản lý đường bộ I và II, trong đó, tỷ lệ vốn Nhà nước còn tại 2 doanh nghiệp này chiếm 30%; hoàn thành cổ phần hóa 100% vốn Nhà nước tại 2 đơn vị là Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Yên Bái và Công ty cổ phần Cấp nước Nghĩa Lộ; đã hoàn thành cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối với Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Xây dựng Yên Bái.

Qua sắp xếp, tỉnh đã xây dựng phương án giải quyết chế độ chính sách cho lao động dôi dư là 203 người với kinh phí chi trả 6,2 tỷ đồng, trong đó đã giải quyết xong chế độ cho 190 người với số tiền là 5,7 tỷ đồng.

Có thể nhận thấy, sau sắp xếp, đổi mới tái cơ cấu DNNN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX), DNNN trên địa bàn tỉnh đã giảm về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần.

Tuy nhiên, việc triển khai sắp xếp, đổi mới một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài còn chậm; quá trình thực hiện thủ tục cổ phần hóa ở một số doanh nghiệp còn chậm; năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp còn hạn chế nên thời gian xác định giá trị doanh nghiệp kéo dài. Qua việc sắp xếp, đổi mới lại doanh nghiệp cho thấy, công tác quản lý doanh nghiệp bộc lộ nhiều yếu kém điển hình là Lâm trường Lục Yên.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, bán vốn nhà nước tại các DNNN không cần nắm giữ cổ phần, trong đó, có cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Theo đó, sẽ cổ phần hóa các DNNN thuộc tỉnh quản lý, chỉ để lại DNNN là Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Yên Bái.

Trước mắt, trong năm 2017, sẽ hoàn thành cổ phần hóa 4 công ty lâm nghiệp, sắp xếp lại hoạt động của 3 lâm trường, tiếp tục xây dựng kế hoạch phương án cổ phần hóa của 3 DNNN thuộc lĩnh vực thủy lợi.

Trừ các trường hợp DNNN nằm trong diện phải giải thể, rút hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vấn đề sắp xếp, đổi mới DNNN thực chất là công việc tái cơ cấu hoạt động của các DNNN nhằm nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN.

Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, cơ quan có thẩm quyền cần tính toán kỹ, trong đó, cần làm rõ phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hoá, cơ cấu vốn, xác định nhà đầu tư chiến lược... để sắp xếp, tổ chức lao động, hệ thống sản xuất, hệ thống tài chính, hệ thống phân phối và tiêu thụ phù hợp với đặc điểm của từng doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh để hỗ trợ DNNN nâng cao năng lực quản trị, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường.

Văn Thông

Các tin khác
Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục