Vốn chính sách - “bà đỡ” của người nghèo
- Cập nhật: Thứ năm, 20/4/2017 | 6:39:16 AM
YBĐT - Hiện nay, toàn huyện có 378 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 12.940 hộ vay, dư nợ hơn 355,50 tỷ đồng. Bình quân mỗi xã, thị trấn có 14 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động và bình quân dư nợ 0,9 tỷ đồng/tổ, 27 triệu đồng/hộ vay vốn.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên giải ngân tại xã Yên Phú.
|
Để giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách có thêm điều kiện vươn lên trong phát triển kinh tế, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên đã tập trung làm tốt công tác tín dụng, kịp thời chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với người thụ hưởng trên địa bàn để người dân giải quyết khó khăn trước mắt từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Huyện Văn Yên có 27 xã, thị trấn với tổng 312 thôn, bản; trong đó, có 10 xã đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại, điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Vì vậy, là một trong những kênh tín dụng quan trọng, được coi là “bà đỡ” cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số... trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên đã bám sát các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của huyện, kịp thời giải ngân đến đúng người, đúng đối tượng cho người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Để công tác tín dụng vừa đạt mục tiêu, kế hoạch vừa đem lại hiệu quả thiết thực nhất trong đời sống người dân, Phòng Giao dịch đã quan tâm đến chất lượng tín dụng thông qua phương thức ủy thác cho vay đối với các tổ chức chính trị - xã hội; phối hợp với các ban, ngành, các xã xét duyệt hồ sơ cho người có nhu cầu vay mới đảm bảo đúng người, đúng đối tượng.
Bà Bùi Thị Mận - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn 3, xã Yên Phú cho biết: “Tổ tiết kiệm và vay vốn của chúng tôi hiện có 49 hộ vay với tổng dư nợ 1,09 tỷ đồng gồm: 20 hộ vay sản xuất, kinh doanh, dư nợ trên 560 triệu đồng; 23 hộ vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, dư nợ trên 280 triệu đồng; 5 hộ nghèo và cận nghèo, dư nợ 180 triệu đồng và 1 hộ vay vốn học sinh sinh viên 29 triệu đồng. Tất cả đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả”.
Năm 2016, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng và đã giải ngân được 41,72 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch; trong đó, cho vay hộ nghèo trên 22,28 tỷ đồng, hộ cận nghèo 11 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo gần 4 tỷ đồng, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn gần 5 tỷ đồng...
Ông Hoàng Ngọc Giang - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Văn Yên cho biết: “Để nguồn vốn chính sách tiếp tục giúp ích trong cuộc sống người dân trên địa bàn huyện, năm 2017, Phòng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng ở tất cả các chương trình, trong đó, tập trung vào thực hiện theo Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội".
"Qua đó, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội để nắm bắt các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; từ đó, xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn, giải ngân đúng người, đúng đối tượng, đúng nơi để đồng vốn chính sách phát huy tối đa hiệu quả vào thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo nhanh và bền vững”. - Ông Giang nói.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi, hàng năm trên địa bàn huyện có hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh đem lại thu nhập ổn định và dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Ông Lý Văn Thức ở thôn 4, xã Yên Phú chia sẻ: “Tôi bị bệnh tai biến nên bán hết tài sản để chữa trị, nên gia đình đã nghèo lại thêm nghèo. Năm 2015, nhờ được vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đầu tư trồng quế và chăn nuôi trâu. Hiện, gia đình đã có trên 2 ha quế trên 2 năm tuổi đang phát triển rất tốt và có 3 con trâu để nuôi. Đây là nguồn động lực lớn, giúp gia đình tôi tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.
Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi người dân đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy ý chí làm giàu, từ đó người dân trong huyện Văn Yên thêm tự tin vượt lên chính mình, mạnh dạn tìm hướng, đầu tư phát triển kinh tế nên hết năm 2016, hộ nghèo trên toàn huyện đã giảm xuống còn 11.312/32.380 hộ.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Từng bước khắc phục những khó khăn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng Ca đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Hồng Ca có những vùng sản xuất măng tre Bát độ, cây ăn quả, chè...
Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi, trong đó có đề xuất ngừng tạm nhập, tái xuất thịt và phủ tạng.
Tối 18/4, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam đã tổ chức khai mạc Hội chợ nông sản, tiểu thủ công nghiệp các HTX, Liên hiệp HTX và doanh nghiệp Việt Nam lần thứ nhất.
YBĐT - Ngành điện là ngành lao động tiếp xúc với nhiều yếu tố độc hại nguy hiểm và luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn lao động. Chính vì yếu tố này mà nhiệm vụ an toàn luôn được Công ty Điện lực Yên Bái đặt lên hàng đầu.