Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xác định sản phẩm chủ lực

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/4/2017 | 5:45:39 AM

YênBái - YBĐT - Điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mục tiêu tổng quát là thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xác định sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tập trung về khoa học-công nghệ, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng.

Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất như nhóm nông trại, gia trại, tổ hợp tác là hướng đi để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ)
Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất như nhóm nông trại, gia trại, tổ hợp tác là hướng đi để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ)

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô, chất lượng, hiệu quả, bền vững gắn với phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới (XDNTM); hình thành và phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và kinh tế hộ để phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ..., đó là định hướng cho phát triển nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến 2030 vừa được Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh thông qua ngày 10/4/2017.

Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong những năm vừa qua phát triển khá toàn diện. Nếu như năm 2011, giá trị sản xuất nông nghiệp mới đạt 4.281 tỷ đồng thì đến năm 2015 đạt 6.450 tỷ đồng, tăng bình quân 4,76 % năm và đóng góp 21% vào tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, giảm nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản. Mặc dù sản xuất liên tục gặp khó khăn do thiên tai, dịch họa nhưng ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo góp phần ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn.

Trong nông nghiệp, đã hình thành và phát triển rõ nét các vùng sản xuất tập trung như: vùng lúa hàng hóa chất lượng cao rộng trên 2.500 ha, vùng ngô hàng hoá 15.000 ha, vùng chè 11.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 2.600 ha, vùng quế 56.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 60.000 ha...

Quan trọng hơn là, đời sống, vật chất tinh thần của cư dân nông thôn được cải thiện, không chỉ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19.7% mà khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn đã được rút ngắn từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,6 lần năm 2015. Cơ sở vật chất cũng như các thiết chế văn hóa vùng nông thôn không ngừng được đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, hệ thống giao thông nông thôn đã cơ bản được cứng hóa và trở thành một phong trào rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 18 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 46 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 78 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, còn lại là dưới 5 tiêu chí. Đó là những thành công trong sản xuất nông nghiệp Yên Bái những năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục mà rõ nét nhất là cơ cấu nông nghiệp chưa có thay đổi về chất, tỷ trọng trồng trọt vẫn chiếm trên 72%; sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, phát triển sản xuất chuyên canh tập trung còn chậm.

Trong chăn nuôi, vẫn chủ yếu quy mô nông hộ, chăn nuôi trang trại, gia trại chưa nhiều. Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, chưa có liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp chưa gắn với công nghiệp... Năng suất, chất lượng nông sản thấp, giá trị sản xuất trên mỗi héc-ta canh tác thấp; kinh tế nông thôn chủ yếu là thuần nông, hoạt động phi nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được sản xuất...

Để nông nghiệp phát triển, đặc biệt là phù hợp và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, Yên Bái đã điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát là thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xác định sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tập trung về khoa học-công nghệ, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng tạo bước đột phá về cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần XDNTM.

Quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện; xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh gắn với chế biến...

Điều chỉnh, bổ sung một số mục tiêu chủ yếu đến năm 2020: điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm toàn ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (so sánh 2010) từ 5,4% xuống còn 4,6%; cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ 65% lên 67%, lâm nghiệp từ 26% lên 28%, thủy sản từ 9% xuống còn 5%; sản lượng lương thực có hạt từ 302.100 tấn lên 320 ngàn tấn; sản lượng chè búp tươi từ 110.000 tấn xuống còn 85.000 tấn (chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và các cây trồng khác); sản lượng cây ăn quả từ 47 ngàn tấn lên 50 ngàn tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 51 ngàn tấn; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân từ 58 triệu đồng/ha lên 80 triệu đồng/ha; số xã đạt tiêu chí NTM từ 50 xã lên 64 xã vào năm 2020...

Giải pháp thực hiện là tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với XDNTM. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như: tổ hợp tác, nhóm hộ, nông trại, gia trại... Liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ. Đưa khoa học-công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Song song với đó là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản, nhất là ứng dụng công nghệ cao...

Ngọc Trúc

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục