Cách làm hay, hiệu quả ở Thanh Lương

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/5/2017 | 10:55:51 AM

YBĐT - Điều ghi nhận là quyết tâm xóa nhà dột nát của người dân địa phương từ cách làm hay, hiệu quả qua việc đổi công lao động tự nguyện nhằm hoàn thành tiêu chí nhà ở.

Lãnh đạo xã Thanh Lương kiểm tra công trình xóa nhà dột nát tại thôn Bản Lào.
Lãnh đạo xã Thanh Lương kiểm tra công trình xóa nhà dột nát tại thôn Bản Lào.

 Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo thành phong trào sâu rộng và có sức lan tỏa đến từng người dân với nhiều mô hình, cách làm hay được hình thành, nhân rộng. Điều ghi nhận là quyết tâm xóa nhà dột nát của người dân địa phương từ cách làm hay, hiệu quả qua việc đổi công lao động tự nguyện nhằm hoàn thành tiêu chí nhà ở.

Trong quá trình XDNTM, nhà ở dân cư là một trong những tiêu chí rất khó thực hiện ở nhiều địa phương. Để thực hiện hiệu quả, những năm qua, chính quyền xã Thanh Lương đã tập trung triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công với cách mạng. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Đặc biệt là cách làm hay từ phong trào các tổ, đội lao động sản xuất tự nguyện đổi công nhằm xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng kiên cố nhà ở, bảo đảm các tiêu chí nhà ở theo chuẩn của Bộ Xây dựng và có đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như: điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông đi lại…

Đồng chí Đinh Công Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: “Được chọn làm điểm XDNTM của huyện Văn Chấn, khi triển khai thực hiện chúng tôi đã xác định nhà ở dân cư là một trong những tiêu chí khó. Bởi đối với xã thuần nông như Thanh Lương diện tích đất tự nhiên hạn hẹp chỉ có 316ha, trong đó có 168ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp mà xã có trên 3.000 nhân khẩu, với 784 hộ sinh sống tại 7 thôn, bản. Để đạt tiêu chí này chúng tôi phải đồng thời thực hiện đạt các tiêu chí về cơ cấu lao động, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, phát triển đời sống nhân dân…”.

Thực tế, một phần do từ việc thiếu đất sản xuất nông nghiệp, ở Thanh Lương đã xuất hiện các tổ, đội lao động sản xuất và chủ yếu làm nghề xây dựng. Hiện trong xã đã có trên 20 tổ, đội tại các thôn, bản chuyên làm nghề xây dựng từ các công trình của Nhà nước đến nhà ở của người dân trên địa bàn huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.

Những đội có thâm niên, tay nghề cao, có thể đọc được bản vẽ thiết kế thường có từ 20 đến 30 người, đội nhỏ có từ 6 đến 8 người; tiền công thợ xây đạt từ 250 – 280.000 đồng/ ngày công cho thợ chính và từ 160 - 180.000 đồng/ ngày công cho thợ phụ.

Thấy được đó là những cơ sở rất thuận lợi cho Thanh Lương hoàn thành tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và ban hành được một số nghị quyết chuyên đề trong đó đặc biệt là nghị quyết về huy động sức dân. Từ đó, phát huy hiệu quả cách làm sáng tạo của việc đổi công vào giúp nhau xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Ban đầu các thành viên trong các tổ, đội xây dựng đổi công giúp anh em, người thân trong gia đình, dòng họ xây dựng kiên cố nhà ở, tiếp sau đến giúp người trong tổ, đội và người dân trong thôn bản.

Anh Vì Văn Kho, đội trưởng đội thợ xây ở Bản Lào chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng vào chủ trương của Đảng và luôn đồng thuận cùng chính quyền để xây dựng Thanh Lương ngày càng phát triển, ngoài việc anh em thợ đổi công xây dựng nhà ở, những lúc mùa vụ anh em chúng tôi còn đổi công cày, cấy, gặt hái... Không chỉ không tính tiền công, mọi người đều thống nhất không phát sinh chuyện sinh hoạt ăn uống trong những ngày lao động; đúng giờ đến làm việc, hết giờ thì ai về nhà ấy, từ đó mọi công việc đều được suôn sẻ”.

Đến thăm gia đình ông Ngọc Văn Dẩu, là một trong số hộ nghèo ở thôn Bản Lào mới được mọi người giúp công xây dựng ngôi nhà sàn rộng trên 80m2, ông Dẩu phấn khởi cho biết: “Gia đình cố gắng chắt chiu, vay mượn và được Nhà nước quan tâm hỗ trợ mà cũng chỉ gần đủ tiền để mua vật liệu xây dựng, nếu phải tính thêm tiền công trả cho hơn 10 người thợ xây nữa thì không biết bao giờ tôi mới làm được ngôi nhà vững chãi như thế này. Bây giờ, gia đình đã thực sự yên tâm phát triển sản xuất”.

Năm 2016 là năm có ý nghĩa đặc biệt với Thanh Lương khi hoàn thành tiêu chí về nhà ở dân cư, đến nay địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát, trên 90% nhà ở đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Xây dựng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Trong năm vừa qua, xã thực hiện sửa chữa nâng cấp và xây dựng mới 162 nhà ở cho các hộ dân; nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã làm tăng thu nhập cho người dân, thu nhập bình quân đầu người trong năm đạt 22 triệu đồng/ người; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 11,8%. Tháng 4 vừa qua, Trạm Y tế xã vinh dự đón bằng công nhận  đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn II”.

Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Lương đã đạt được những kết quả quan trọng trong XDNTM. Đến nay, xã cơ bản đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, việc để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đang đến rất gần.

Vũ Đồng

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục