Yên Bái: Giải pháp nào cho chăn nuôi lợn?
- Cập nhật: Thứ hai, 12/6/2017 | 6:02:03 AM
YBĐT - Cung vượt cầu, phát triển nóng, thị trường hẹp, chăn nuôi không gắn với chế biến, sản xuất không đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường là nguyên nhân chính dẫn đến giá lợn hơi giảm sâu. Làm thế nào, giải pháp nào để chăn nuôi nông hộ phát triển đang là câu hỏi lớn đối với người chăn nuôi và các nhà quản lý!
Chăn nuôi lợn theo mô hình gia trại của nông dân Yên Bái.
|
Từ đầu năm 2017 trở lại đây, giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi lỗ nặng. Tháng 12/2016 giá lợn hơi đang ở mức 45 - 50.000 đồng/kg; đầu năm 2017 giảm còn 37.000 đồng/kg, đến tháng 2/2017, tiếp tục giảm còn 30.000 đồng và đỉnh điểm giảm sâu nhất còn chưa đầy 20.000 đồng/kg. Tại thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, giá lợn đã nhích lên ở mức 25.000 đồng/kg và với mức giá này, người chăn nuôi đang phải bù lỗ trên 10.000 đồng/kg.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, năm 2014, tổng đàn lợn đạt 505 ngàn con; năm 2016 đã tăng lên trên 549 ngàn con và đến thời điểm tháng 4/2017 là 527 ngàn con, tăng 3,56% so với cùng kỳ. Sản lượng lợn thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt trên 20 ngàn tấn, tăng 44 tấn so cùng kỳ.
Hiện, số lợn hơi đã đến kỳ xuất chuồng trong các hộ chăn nuôi khoảng 8,4 ngàn tấn. Nguyên nhân chính dẫn tới giá lợn hơi giảm thấp là do cung vượt cầu, phát triển nóng theo phong trào, thị trường nội địa đã dư thừa thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng.
Việc chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu yếu kém, bất cập không tương xứng với tốc độ tăng đàn và sản lượng thịt lợn sản xuất.
Một vấn đề nữa trong khâu tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu là thông qua thương lái tự do, dẫn đến thường bị ép giá, giá bán lợn hơi tại chuồng thì thấp, nhưng khi đến tay người tiêu dùng giá lại cao, giá lợn hơi giảm 50%, nhưng giá thịt đến tay người tiêu dùng chỉ giảm 10 - 15%. Người chăn nuôi bán rẻ mạt, lỗ vốn, người tiêu dùng không mua được thịt giá rẻ, phần chênh lệch được thương lái và khâu lưu thông, trung gian hưởng lợi.
Giải quyết mâu thuẫn này, nhiều nhà kinh tế, nhà chăn nuôi đưa ra khuyến cáo là chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, nông hộ sang chăn nuôi với quy trình khép kín từ sản xuất tới cung ứng; tham gia chuỗi liên kết; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh. Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi lợn, ngành nông nghiệp đã ra nhiều văn bản phối hợp với các địa phương chỉ đạo tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định chăn nuôi lợn.
Tham mưu với UBND tỉnh về các giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi. Ngành nông nghiệp cũng đã gặp gỡ các doanh nghiệp để thúc đẩy, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi... Việc khủng hoảng về giá lợn trong thời gian qua, cho chúng ta thấy rõ hơn về việc tổ chức chăn nuôi còn bị cắt khúc, sản xuất không theo chuỗi, thiếu liên kết và không gắn với thị trường...
Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi lợn nói riêng và chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung trước mắt và lâu dài, trước tiên chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch, định hướng; tăng cường công tác thông tin, cập nhật diễn biến thị trường.
Ngành nông nghiệp, các huyện, thị, thành phố chủ động khai thác thông tin và hướng dẫn người chăn nuôi khai thác thông tin về thị trường trong và ngoài nước. Vấn đề mấu chốt là, phải tổ chức lại sản xuất như việc xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác... thông qua đó, chủ động kiểm soát tổ chức sản xuất chăn nuôi gắn với thị trường và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm, điều tiết cung cầu. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tham gia làm trung tâm cho từng vùng, từng khu vực.
Liên kết chuỗi giá trị để giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành, hạn chế nguy cơ dịch bệnh, đồng thời chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm kết hợp kiểm soát khâu trung gian nhằm tăng giá mua cho người chăn nuôi, giảm giá bán cho người tiêu dùng. Huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa trong tiêu thụ sản phẩm và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hỗ trợ người chăn nuôi trong phòng chống dịch, bệnh trên đàn vật nuôi.
Đối với người chăn nuôi, thời điểm hiện nay, không nên dùng cám công nghiệp mà nên dùng sản phẩm hữu cơ để có thể tăng giá thành và bao tiêu sản phẩm. Bởi vì, thị trường lợn chăn nuôi hữu cơ vẫn luôn giữ ở mức giá khá cao và không hề có biến động.
Ngày 28/4/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Công văn 3091/NHNN - TD gửi các tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
Theo đó, các tổ chức tín dụng căn cứ khả năng tài chính và các quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với thời hạn trả nợ của khách hàng; xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cho vay mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi...
Với những giải pháp, hướng đi trước mắt và lâu dài, hy vọng người chăn nuôi, ngành chăn nuôi vượt qua những khó khăn trước mắt và tiến tới xây dựng ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.
Thanh Phúc
Các tin khác
Đại biểu Quốc hội cho rằng, "điệp khúc" được mùa mất giá sẽ còn tiếp diễn nếu vẫn sản xuất không theo quy hoạch, công nghệ chế biến lạc hậu...
Tối 9/6, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội (Haraco) cho biết để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm, Haraco tung ra 8.000 vé với giá 10.000 đồng.
YBĐT - Sáng 9/6, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi làm việc với các ngành về Dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành thương mại, dịch vụ tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.