Một mô hình thử nghiệm sản xuất thực phẩm sạch

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/6/2017 | 11:41:00 AM

YBĐT - Hàng chục năm nay, cái tên Lê Mai Hiền ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình đã được nhiều người biết đến là một điển hình làm kinh tế vườn rừng, chế biến gỗ rừng trồng vươn lên từ hai bàn tay trắng và được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2011.

Với gần 80 ha rừng trong tay, cơ sở trồng và chế biến gỗ rừng trồng của anh đã trụ vững và ngày càng phát triển. Gần đây, trước thực trạng gia súc, gia cầm, thủy cầm ở một số nơi bị tác động của thức ăn công nghiệp gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người dân, thì đó chính là động cơ cháy bỏng thôi thúc anh Hiền quyết định một kế hoạch mới, đó là 80 ha rừng sẽ là bãi chăn nuôi trâu, bò, dê, cá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có người hỏi: “Sao anh không nuôi lợn - loại thực phẩm phổ thông nhất?”

Anh cho biết: “Lúc này thịt lợn đang rất khó tiêu thụ. Chúng ta vẫn bị động và phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Con đường tiểu ngạch thì vô cùng mạo hiểm, nên nuôi lợn là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng”.

Anh Hiền đưa chúng tôi thăm trang trại mới của anh. Gần nửa ngày vừa đi bằng xe máy, vừa đi bộ, lội suối, trèo đồi, tôi quyết xem bằng hết một công trình đáng ngạc nhiên của anh. Toàn bộ trang trại được rào bằng lưới thép B40, với tổng chiều dài hơn 4.000 m và hơn 2.100 cây cột sắt và cột bê tông. Đường vào trang trại có cổng sắt lớn, luôn được móc khóa. Cả khu rừng lớn vẫn được đảm bảo đúng qui trình thứ tự từng vùng: cây mới trồng, cây khép tán, cây đến tuổi khai thác.

Riêng về rừng, anh chia sẻ: - “Hai mảng kinh tế rừng và chăn nuôi gia súc cùng trên một diện tích, nên tôi phải có kế hoạch phối kết hợp thật hài hòa để bảo vệ môi trường nguyên sinh cho rừng từ không gian sinh thái đến đất đai, cây rừng hoang dã, đến dòng nước suối và cả từng ngọn cỏ, lá cây. Gia súc phải được sống trong môi trường trong sạch, nguyên sơ. Phải biết tôn trọng, nâng niu thiên nhiên nên phá nó, ắt nó sẽ phá lại mình. Dòng suối ở đây màu nước trong veo, thuần khiết và thấy rõ cả tôm, cua, cá bống, cá chày bơi lội tung tăng”.

Cả trang trại lớn được chia làm 3 khu: khu A, khu B và khu trung tâm. Mỗi khu đều có những dãy chuồng cho trâu, bò, dê. Anh bảo, chuồng trâu chọi với chuồng dê thì cầu kỳ hơn. Dê thích sống trên vách núi đá, nơi cao ráo nên chuồng phải làm sàn cứng, thoáng để bảo vệ bộ móng. Rồi chuồng trâu chọi cứ như một căn phòng chuyên dụng cho một đấu sỹ. Còn người trông coi thì chỉ có 4 người và một cán bộ thú y.

Tôi hỏi về số lượng gia súc, anh chỉ lên đồi xa xa: “Ta lên trên kia cùng quan sát”. Vừa đi anh vừa nói, trâu thì không nhiều; trong đó, trâu chọi 16 con; trâu sinh sản và trâu thịt 44 con, còn bò thì cũng xấp xỉ 120 con. Riêng dê thì kha khá, hơn ba trăm con anh ạ. Đang giai đoạn thí điểm nên vừa sinh sản, vừa xuất chuồng nối tiếp nhau.

- Xuất chuồng được kha khá chưa anh? - Tôi hỏi.

- Lúc đầu thị trường là bà con, bạn bè trong xã và vùng lân cận. Và chính họ là người đánh giá chất lượng công bằng và vô tư nhất anh ạ. Dư luận đều khẳng định thịt trâu, thịt bò nuôi trong môi trường tự nhiên như ở đây, chất lượng hoàn toàn đúng với thịt truyền thống xưa kia. Nó đỏ tươi tự nhiên, đúng màu sắc, thớ thịt của trâu, của bò. Khi xào lên hoặc chế biến, mùi thơm đặc biệt của thịt trâu, thịt bò làm cho người thưởng thức biết ngay và háo hức muốn ăn.

Còn thịt trâu, thịt bò chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp tìm đâu ra cái màu sắc, hương vị và chất ngọt ngào đặc biệt ấy. Rồi tin lành đồn xa, dưới thị trấn huyện Yên Bình, trên Lục Yên cũng tìm về mua và tận thành phố Yên Bái cũng có 2 cơ sở lên ký hợp đồng làm đại lý tiêu thụ.

- Giá cả thì người tiêu dùng yên tâm. Đại lý phải cam kết về giá cả và chất lượng đúng như cơ sở chỉ đạo. Nói thật với anh, làm kinh tế mà không nói lãi thì vô lý. Song, cái đó đối với tôi là thứ yếu, cái đích lớn nhất của tôi muốn gây một trung tâm sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch. Nếu nó được nhân rộng ra càng nhiều thì đó là hạnh phúc cho tôi và mong muốn của toàn xã hội.

Anh đưa tôi đi qua khu chăn nuôi cá với 3 hệ thống ao, từ khu sinh sản đến khu chăm sóc và khu cá thịt tới hơn 15 ha, chủ yếu là trắm, trôi, mè, chép và một số ít cá quý hiếm như: chiên, quất, nheo, ngạnh… Cách không xa là tràn bãi bằng trồng cỏ voi và các loại cỏ rừng làm thức ăn cho cá và dự trữ cho gia súc khi mưa bão.

Nắng đầu hè khá gay gắt tỏa sáng mênh mang cả khu rừng rộng bao la. Tôi và Lê Mai Hiền đã đứng trên một mỏm núi cao nhất, nhìn từ đây bao quát khá toàn diện. Nhấp nhô xa xa, những đàn trâu, đàn bò, đàn dê tung tăng ăn cỏ trong màu xanh rực rỡ của đại ngàn. Nơi đây, đã và đang thắp lên một niềm tin cho người tiêu dùng; thực phẩm sạch, sẽ từng bước vươn lên đòi lại vị trí để phục vụ xã hội, cho cuộc sống được an lành, bền vững và phát triển.

Vũ Quang Trung (Tổ 43, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái)

Các tin khác
Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Sáng 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.

Số lượng vàng trúng thầu khoảng 20% khối lượng Ngân hàng Nhà nước mang ra đấu giá.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu vàng miếng ngày 23/4 với 2 thành viên trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng SJC...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục