Bước chuyển ở Xuân Lai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/6/2017 | 8:53:19 AM

YBĐT - Đến xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của mảnh đất gắn liền với sự kiện lịch sử di dân lòng hồ Thác Bà để nhường chỗ cho công trình xây dựng nhà máy thủy điện trong những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Ông Hoàng Tương Lai - nguyên Bí thư Đảng ủy xã trò chuyện về truyền thống lịch sử với các cháu thiếu nhi.
Ông Hoàng Tương Lai - nguyên Bí thư Đảng ủy xã trò chuyện về truyền thống lịch sử với các cháu thiếu nhi.

Phát huy truyền thống cách mạng, thế mạnh và tiềm năng sẵn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã với tình yêu quê hương, dũng cảm trong chiến đấu, nhiệt tình, hăng say trong lao động sản xuất đã và đang chung tay, góp sức xây dựng Xuân Lai ngày càng giàu đẹp.

Được sự giới thiệu của Ban Dân vận Huyện ủy, tôi tìm  gặp ông Hoàng Tương Lai ở thôn Trung Tâm - nguyên là Bí thư Đảng ủy xã. Hẳn ít ai có thể gắn bó, thấu hiểu và yêu mảnh đất Xuân Lai như người cựu bí thư này.

Ngồi trò chuyện trong căn nhà sàn, ông Hoàng Tương Lai nhớ lại: “Là một trong những xã đầu tiên của huyện giành chính quyền về tay nhân dân, chưa bao giờ niềm vui, niềm tin của nhân dân với Đảng được thể hiện rõ đến vậy! Gần 10 năm sau khi giành chính quyền, nhân dân Xuân Lai lại tưng bừng bước vào cuộc di dân lịch sử nhường chỗ cho công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà có quy mô lớn nhất miền Bắc và cả khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ".

"Những ai được sống, được chứng kiến thời điểm lịch sử ấy mới có thể cảm nhận hết được ý nghĩa lớn lao của sự kiện quan trọng này” - ông Lai xúc động nói.

Theo dòng lịch sử, tháng 7/1956, huyện Yên Bình tách khỏi tỉnh Tuyên Quang và sáp nhập vào tỉnh Yên Bái. Đồng chí Nông Kim Kết được bầu làm Bí thư Chi bộ xã Xuân Lai mà lúc đó xã có tên là Yên Phú (từ năm 1959 - 1972). Trong thời gian này, Chi bộ Yên Phú được nâng lên thành Đảng bộ Yên Phú, đến năm 1966, đổi tên thành Đảng bộ xã Xuân Lai.

Năm 1962, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, để phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy, đòi hỏi phải di chuyển một số lượng lớn nhân dân sống trong xã. Tháng 5/1962, Ban Chuyển dân của huyện được thành lập và việc tổ chức học tập, tuyên truyền vận động di dân nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân.

Từ năm 1963 - 1968, việc di dân nhường đất cho xây dựng Nhà máy Thủy điện hoàn thành. Các hợp tác xã (HTX) ở dưới lòng hồ như Tích Trung, Trung Tâm và bà con xã viên đều chuyển lên quê mới, một phần vào Xuân Lai, một phần đi tỉnh, huyện, xã khác.

“Rời bỏ nhà cửa - nơi đã từng gắn bó, rời bỏ đồng ruộng xanh tốt - nơi đất đai phì nhiêu, màu mỡ không chút đắn đo bởi tin tưởng vào chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhân dân Xuân Lai ai ai cũng hừng hực khí thế chung tay xây dựng cuộc sống nơi quê mới. Khi đó, tôi vừa tròn 10 tuổi nhưng những hình ảnh ấy vẫn luôn nguyên vẹn trong tâm trí” - ông Hoàng Tương Lai bồi hồi chia sẻ.

Cũng trong năm 1966, HTX hợp nhất Xuân Lai ra đời do đồng chí Đặng Vũ Sỹ làm Chủ nhiệm đầu tiên đã tạo ra khí thế cách mạng, ý thức làm chủ tập thể chưa từng có đối với huyện Yên Bình nói chung và xã Xuân Lai nói riêng. Phát huy tối đa trí tuệ tập thể, sức người, sức của để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Các loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng được đưa vào trồng như chè (17ha), bồ đề (25ha); xây dựng công trình thủy lợi trọng yếu Cây Mơ, Gò Đình; xây dựng 1 lò gạch phục vụ cho các công trình xây dựng…

Đầu năm 1970, toàn xã đã có 123ha ruộng nước với 2/3 diện tích cấy được vụ xuân. Hàng năm giao nộp cho Nhà nước 35 tấn thóc thuế, lợn bán nghĩa vụ hàng năm mỗi hộ đạt 30kg.

Đến Xuân Lai hôm nay, toàn xã đã có 750 hộ với 2.979 nhân khẩu, 5 dân tộc anh em chung sống, bà con các dân tộc trong xã sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Những năm trở lại đây, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền cùng với thế mạnh của địa phương, bà con tập trung phát triển nghề đan rọ tôm truyền thống, đưa các giống cây ăn quả có năng suất cao về trồng, nhiều mô hình chăn nuôi tổng hợp phát huy hiệu quả…

Đan rọ tôm không chỉ là nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao mà đang trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của Xuân Lai.

Gia đình anh Hoàng Ngọc Cương ở thôn Xuân Bình đã gắn bó với nghề đan rọ tôm từ những năm 1990 là một điển hình. Anh Cương cho biết: “Ở Xuân Lai, mỗi tuần có 2 phiên chợ là 2 lần gia đình tôi mang rọ tôm đi bán, trung bình từ 300 - 400 rọ/lần, giá cả và thị trường tiêu thụ khá ổn định.

Ban đầu, những tưởng đây chỉ là nghề phụ nhưng nay đan rọ tôm đã trở thành thu nhập chính cho gia đình tôi. Mỗi tháng trừ chi phí, nghề đan rọ tôm giúp thu về khoảng 6 triệu đồng”. Không chỉ là nghề truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nghề đan rọ tôm còn là nét đẹp văn hóa hết sức đặc trưng ở Xuân Lai.

Rời nhà anh Cương, chúng tôi đến thăm mô hình trồng bưởi của gia đình anh Tô Văn Hộ ở thôn Cây Luồng. Với kinh nghiệm 10 năm trồng trọt, anh Hộ chia sẻ: “Vài năm trước đây, giống bưởi Đại Minh được người dân khắp nơi ưa chuộng nên tôi mạnh dạn đầu tư trồng gần 50 gốc, năm ngoái cho thu về hơn 40 triệu đồng. Nhận thấy hướng đi đúng, ấp ủ ước mơ làm giàu từ bưởi nên tôi quyết định sẽ san ủi mặt bằng khu vực trước nhà đầu tư trồng thêm 200 gốc. Cùng với đó, luôn duy trì tốt 1ha trồng dưa hấu ngoài đảo hồ”.

Thực tế cho thấy, Đảng bộ xã Xuân Lai đã không ngừng phát triển lớn mạnh. Từ một chi bộ chỉ với 7 đảng viên, đến nay, toàn xã đã có 15 chi bộ với 141 đảng viên, liên tiếp nhiều năm đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế, Đảng bộ xã đã tập trung xây dựng các chi bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh, nêu cao tinh thần gương mẫu của đảng viên trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đảng bộ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tích cực chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung”.

Nhờ đó, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 12%; thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/ năm, tăng 13 triệu đồng so với nhiệm kỳ trước; thâm canh tốt 166,7 diện tích lúa nước. Đặc biệt, trồng hưa hấu trên vùng đất bán ngập hồ Thác Bà đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Công tác trồng rừng, khai thác gỗ trở thành thế mạnh; độ che phủ rừng được nâng lên 60%...

Đối với xây dựng nông thôn mới, trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đã huy động nhân dân đóng góp và Nhà nước hỗ trợ gần 10 tỷ đồng để nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn; xây dựng, sửa chữa trạm y tế; xây dựng hội trường thôn; đầu tư mở rộng được 10 tuyến giao thông dài 11,9km…

Với quyết tâm xây dựng Xuân Lai phát triển mạnh mẽ, bền vững, Đại hội Đảng bộ xã khóa XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 62,2 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.014 tấn; sản lượng khai thác thủy sản đạt 173,9 tấn; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 20,7%; kết nạp 30 đảng viên mới; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm từ 80% trở lên…

Chia tay Xuân Lai, đi trên con đường bê tông sạch đẹp dài tít tắp, niềm hân hoan trên khuôn mặt người dân nơi đây hiện rõ trước mắt tôi. Hơn ai hết, mỗi người con Xuân Lai đều luôn thấu hiểu ý nghĩa to lớn của cuộc di dân nhường chỗ cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà - bước ngoặt lịch sử mở ra hướng đi mới trên mảnh đất này.

Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, thống nhất từ Đảng bộ, chính quyền đến từng người dân cùng với truyền thống quý báu của mình quê hương Xuân Lai sẽ ngày càng phát triển giàu mạnh, ấm no.

Mai Linh

Các tin khác
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu nuôi tằm.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt giúp xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Văn Yên đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Giá xăng dầu vượt 25.000 đồng/lít từ chiều nay.

Từ 15h hôm nay (17/4), giá xăng trong nước tăng từ 378 - 416 đồng/lít, đưa mặt hàng xăng RON 95 vượt 25.000 đồng/lít.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục