Khởi sắc Phúc Ninh

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/6/2017 | 8:30:43 AM

YBĐT - Nằm cách trung tâm huyện khoảng 90 km về phía Đông, toàn xã có trên 1.300 khẩu, 98% dân tộc Tày sinh sống ở 5 thôn.

Nông dân xã Phúc Ninh nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.
Nông dân xã Phúc Ninh nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.

Những năm trước đây, nhắc đến xã Phúc Ninh, nhiều người nghĩ đến ngay đó là “rốn nghèo” của huyện Yên Bình. Cái nghèo của Phúc Ninh là do địa phương có diện tích đất sản xuất ít, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trình độ dân trí không đồng đều và một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết tâm vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, gần đây Phúc Ninh đã có bước chuyển rõ nét về kinh tế, xã hội, đời sống của dân nhân không ngừng được cải thiện. Điều gì làm Phúc Ninh đổi thay nhanh vậy? Ông Hà Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã cho biết: “tất cả là nhờ tuyến đường bê tông Cảm Nhân - Phúc Ninh vừa được kiên cố dài 10 km, bằng vốn của Nhà nước. Trước đây, con đường vào xã gặp muôn vàn khó khăn, nhất là mùa mưa lũ. Bà con làm được sản phẩm thường bị thương lái ép giá. Nhiều hộ có tiền muốn làm nhà cũng không dám làm, bởi tiền công chở vật liệu vào quá cao. Từ khi có đường bê tông, đã có nhiều quán hàng được mở, nhiều hộ xây nhà khang trang”.

Thì ra là vậy! Có đường đi lại thuận lợi, Đảng bộ xã Phúc Ninh đã tập trung chỉ đạo nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế.

Cùng với sản xuất lúa nước 50 ha/năm, người dân Phúc Ninh đã chú trọng trồng rừng với diện tích trồng mới mỗi năm từ 60 - 70 ha, chủ yếu là keo, bạch đàn và diện tích rừng trồng hiện có gần 400 ha, nhiều hộ giàu lên nhờ trồng rừng.

Ông Triệu Văn Tuân ở thôn 2 cho biết: “Gia đình tôi trồng rừng nhiều năm rồi, nhưng 2 năm gần đây mới bán được giá bởi có đường nên thương lái không ép giá nữa. Nhờ vậy, 3 ha rừng của tôi mỗi năm cũng khai thác bán được trên 40 triệu đồng”.

Ông Phùng Hữu Thảo cùng ở thôn 2, cũng nhờ 4 ha rừng keo, bạch đàn mà đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Tuyến đường bê tông Cảm Nhân - Phúc Ninh vừa được kiên cố với chiều dài 10km.

Đồng chí Hà Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã khẳng định, ở Phúc Ninh người dân bây giờ đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất lúa nước, trồng rừng, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình nuôi dê của gia đình ông Trần Văn Châu ở thôn 4.

Cũng như nhiều hộ dân khác trong xã, trước đây cuộc sống của gia đình ông Châu gặp nhiều khó khăn. Đất sản xuất nông nghiệp ít, nên cả nhà chỉ trông chờ vào đánh bắt cá, tôm trên hồ Thác Bà.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, khi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách nuôi dê kết hợp khai thác tiềm năng, lợi thế của đảo hồ Thác Bà, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê. Với 10 con dê nái ban đầu, đến nay ông Châu đã phát triển, duy trì từ 8 chục đến trên trăm con dê và hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Ông Châu cho biết, nuôi dê tương đối dễ, ngoài việc chọn giống tốt thì thức ăn chủ yếu của dê là cỏ và lá cây trên các đảo hồ rất sẵn. Một người có thể quản lý được trên trăm con. Buổi sáng đánh thuyền đi thả dê, buổi chiều gõ mõ thì dê từ các hòn đảo nhỏ kéo về. Trong đàn gia súc, dê vẫn cho sản lượng tiêu thụ tương đối ổn định.

Chia tay ông Châu, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê của ông Triệu Văn Quỳnh ở thôn 2. Ông Quỳnh phấn khởi cho biết: nhờ sự chỉ đạo đúng hướng của xã về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ông và nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn nuôi dê, kết hợp trồng rừng, thả cá nên hiệu quả kinh tế đạt cao. Với cách nuôi đơn giản và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trên đảo hồ Thác Bà, nhiều hộ dân ở Phúc Ninh đã chuyển hướng làm kinh tế theo hướng này, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thấy được hiệu quả từ việc nuôi dê, thời gian qua, Phúc Ninh đã tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tiềm năng của vùng hồ, nên đến nay, toàn xã có hàng chục hộ nuôi dê với quy mô từ 20 - 110 con. Nhờ nuôi dê mà nhiều gia đình không những thoát nghèo mà vươn lên làm giàu.

Cùng với trồng rừng, chăn nuôi gia súc, người dân Phúc Ninh đã mạnh dạn phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà và đã mở ra hướng làm ăn đầy triển vọng. Hiện, toàn xã có hơn 20 hộ nuôi cá lồng và nuôi cá quây lưới eo ngách với trên 100 lồng; hộ ít cũng có 2 lồng, hộ nhiều có 10 lồng. Nhờ nuôi cá mà hộ ông Hoàng Văn Hoan ở thôn 4 thu về trên 100 triệu đồng/năm.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2016 đến nay, Phúc Ninh được xây dựng trụ sở làm việc mới, 10 km đường bê tông, nhiều chương trình, dự án, nhất là các lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã đến với nhân dân.

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng vươn lên không chịu đói nghèo của người dân, nhiều ngôi nhà mới đã mọc lên, nhiều quán hàng, dịch vụ, thương mại được mở mang; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22 triệu đồng/năm và xã  có 7/19 tiêu chí đạt chuẩn nông nông thôn mới. 

Văn Tuấn

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục