Nông dân Bảo Ái giàu lên từ rừng
- Cập nhật: Thứ tư, 5/7/2017 | 1:44:26 PM
YBĐT -Hiện, toàn xã có 3 xưởng gỗ ép, 8 xưởng gỗ bóc, 9 xưởng xẻ gỗ; thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm; 9/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới...
Rừng trồng của nông dân xã Bảo Ái.
|
Như nhiều hộ dân khác, trước đây đời sống của gia đình ông Lê Thế Quang ở thôn Ngòi Ngần gặp không ít khó khăn, bởi chưa biết phát huy thế mạnh về trồng rừng. Nhưng 10 năm trở lại đây, khi ông mạnh dạn vay vốn đầu tư vào phát triển kinh tế đồi rừng nên gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững.
Ông Quang cho biết: “Với lợi thế có đất rừng nhiều, tôi đã đi học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, gia đình tôi đã có 50 ha rừng, chủ yếu là keo, bồ đề, bạch đàn, mỗi năm thu hoạch trên 400 triệu đồng. Có tiền, gia đình tôi đã mua ô tô, làm được nhà khang trang”.
Với hộ ông Đặng Văn Thái ở thôn Ngòi Ngù, ông bắt đầu trồng rừng từ năm 2002 với 4 ha keo, bạch đàn. Lúc đầu bắt tay vào trồng rừng, ông cũng gặp nhiều khó khăn bởi không có kinh nghiệm, kỹ thuật, cách chăm sóc. Nhưng sau khi được tham gia nhiều lớp tập huấn, được các cấp hội tạo điều kiện cho vay vốn, ông Thái mạnh dạn mở rộng diện tích trồng rừng và hàng năm cho thu nhập cao.
“Đến nay, gia đình tôi có trên 20 ha rừng, chủ yếu là keo, bồ đề, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Có vốn, tôi đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng ván bóc vừa phục vụ gia đình vừa thu mua gỗ cho bà con trong vùng” - ông Thái chia sẻ.
Ông Quang, ông Thái là hai trong nhiều hộ ở Bảo Ái có thu nhập cao từ trồng rừng. Điều đặc biệt, ở Bảo Ái hôm nay, người dân không ai bảo ai mà họ tự thấy hiệu quả từ trồng rừng đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc nên ý thức trồng rừng kinh tế được nâng lên. Khi hỏi về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc cây thì ai cũng thuộc làu, nhất là cách phát dọn thực bì, làm cỏ, trồng đúng quy cách... Thậm chí, có nhiều hộ đã san tạo làm đường để ô tô vào được tận chân đồi chở gỗ, vật tư, cây giống trồng rừng.
Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về kinh tế đồi rừng nên những năm qua, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình luôn quan tâm đến phát triển kinh tế đồi rừng và xem đây là mũi nhọn kinh tế trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Ông Nguyễn Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái cho biết: “Phát huy tiềm năng và lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, trong những năm qua, xã đã chú trọng trồng rừng với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: keo, bồ đề, quế... Để kinh tế đồi rừng thực sự là thế mạnh của địa phương, hàng năm, xã phấn đấu trồng mới 170 - 180 ha. Nhờ vậy, đến nay, Bảo Ái có trên 1.700 hộ trồng rừng, với tổng diện tích trên 3.500 ha, trong đó, có nhiều hộ có thu nhập đạt 200 - 500 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ ông Lê Thế Môn ở Ngòi Ngần, Nguyễn Văn Hùng ở thôn Tân Lập...”.
Nhờ phát triển kinh tế đồi rừng mà đời sống của nhân dân xã Bảo Ái không ngừng khởi sắc. Hiện, toàn xã có 3 xưởng gỗ ép, 8 xưởng gỗ bóc, 9 xưởng xẻ gỗ; thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm; 9/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới... Đó là những tiền đề quan trọng để Bảo Ái tiếp tục vững bước đi lên trong thời gian tới.
Hà Tĩnh
Các tin khác
YBĐT - Năm 2017, huyện Văn Chấn đề ra kế hoạch trồng mới 3.500 ha rừng, gồm các loại cây: quế, keo, bồ đề, xoan, mỡ…
YBĐT - Sáng 5/7, Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân về chủ đề: "Tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu".
Chiều 4/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả giao và giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm; cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Trong ngày 5/7, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh. Nhiều dự đoán cho rằng giá xăng có khả năng giảm.