Có nên tái đàn ngay khi giá lợn hơi tăng cao?

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/7/2017 | 8:05:42 AM

YBĐT - Trong vòng 20 ngày nay, giá lợn hơi tăng cao đột biến sau hơn 7 tháng giá rớt thảm hại. Tại thời điểm này, giá đã đạt 45.000 đồng/kg, tăng 27.000 đồng/kg so với cuối tháng 6. Câu hỏi đặt ra là người chăn nuôi có nên tái đàn ngay lúc này hay không?

Giá lợn tăng cao, nhưng người chăn nuôi hãy thận trọng tái đàn ngay vào thời điểm hiện nay.
Giá lợn tăng cao, nhưng người chăn nuôi hãy thận trọng tái đàn ngay vào thời điểm hiện nay.

Tại thời điểm này, giá đã đạt 45.000 đồng/kg, tăng 27.000 đồng/kg so với cuối tháng 6. Câu hỏi đặt ra là người chăn nuôi có nên tái đàn ngay lúc này hay không?

Câu chuyện thời sự nhất, nóng nhất ở các vùng quê lúc này là giá lợn hơi tăng cao, tại sao tăng, tăng đến giá nào và giữ giá được bao lâu? Có nên tái đàn ngay lúc này hay không?

Như chúng ta đã biết, từ cuối năm 2016 cho đến cuối tháng 6/2017 giá lợn hơi giảm thảm hại và có thời điểm giá xuống chỉ còn 16.000 đồng/kg. Giá giảm sâu, người chăn nuôi gặp muôn vàn khó khăn; có nhiều gia đình, chủ trang trại lỗ cả tỷ đồng và nguy cơ phá sản.

Lý do giá lợn hơi giảm sâu được các nhà quản lý, các nhà kinh tế phân tích, mổ xẻ là do không kiểm soát được thị trường; người chăn nuôi tái đàn ồ ạt, cung nhiều hơn cầu và rồi xuất khẩu bấp bênh; chăn nuôi tự phát, sản xuất không theo chuỗi giá trị, chăn nuôi không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm cả nước chỉ sản xuất 27,5 triệu con lợn là vừa đủ cung ứng nội tiêu vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, do giá tăng cao, nhu cầu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc lớn, người chăn nuôi đổ xô tái đàn và đã vượt ngưỡng 30 triệu con, dẫn tới cung vượt cầu.

Cuối tháng 11/2016 đến nay, Trung Quốc tạm dừng nhập lợn của ta. Sản xuất nhiều, xuất khẩu ách tắc, nội tiêu có hạn, dẫn tới khủng hoảng thừa, giá xuống thảm hại mà còn không có ai mua. Để gỡ khó cho người chăn nuôi, Chính phủ, ngân hàng, chính quyền các cấp, người dân vào cuộc "giải cứu lợn", người chăn nuôi ngừng tái đàn.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 27,23 triệu con lợn, giảm 1,1 triệu con so với cùng kỳ 2016 và giảm 1,6 triệu con so với tháng 4/2017, do người dân không tái đàn. Bằng những giải pháp cụ thể, từ đầu tháng 7/2017 trở lại đây, giá lợn hơi tăng liên tục và nay đã vượt mốc 42.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tăng, người chăn nuôi phấn khởi nhưng cũng trăn trở không biết có nên tái đàn ngay lúc này hay không? Các hộ chăn nuôi lớn, các chủ trang trại, người thì nói tái đàn ngay, người thì bảo chưa nên tái đàn lúc này vì có thể giá tăng quá nhanh như vậy là ảo, tạo thành bong bóng và có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Có người nhận định phía Trung Quốc không nhập nữa, giá lợn lại xuống dốc không phanh! Giá lợn hơi tăng cao cũng là lúc giá lợn giống tăng nhanh.

Nếu như cách đây 1 tháng, 1 con lợn giống 10 kg chỉ có giá 200.000 đồng thì nay đã tăng lên 500 - 600 ngàn đồng/con. Hầu hết các chuyên gia kinh tế khuyến cáo người chăn nuôi không nên quá kỳ vọng, không nên tái đàn và kiên trì thực hiện theo khuyến cáo của các nhà quản lý về việc giảm đàn lợn để tránh dư thừa.

Nếu chúng ta cân bằng được cung - cầu thì giá lợn hơi tăng ổn định cho tới cuối năm. Nếu tiếp tục tái đàn ồ ạt, ngành chăn nuôi lợn lại tiếp tục lâm vào tình trạng khủng hoảng thừa như hiện nay.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Tín hiệu tốt cho người chăn nuôi vì giá đã tăng trở lại, nhưng cần thận trọng hơn với việc tái đàn. Bởi hiện nay Trung Quốc nhập thịt lợn của ta chủ yếu qua đường tiểu ngạch, chứ không phải chính ngạch. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường này rủi ro rất cao. Người chăn nuôi cần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nước ngoài. Như vậy, thì ngành nông nghiệp trong nước mới có những bước tiến triển tốt".

Việc giá lợn tăng là một tín hiệu tốt cho người chăn nuôi và với giá như hiện nay, việc chăn nuôi đã bắt đầu có thu nhập. Tuy nhiên, theo nhận định của thị trường cũng như các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và phân tích của nhà kinh tế thì vào thời điểm hiện nay, người chăn nuôi chưa nên tái đàn một cách ồ ạt. Hãy bình tĩnh và tiếp tục “lắng nghe” thị trường, nếu có phát triển chăn nuôi thì nên nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng chất lượng thị trường.

 Ngọc Trúc

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục