Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Yên Bái: Những thành quả bước đầu

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/8/2017 | 6:55:30 AM

YBĐT - 540 ngày là quãng thời gian không dài nhưng đã bước đầu đánh giá những cái được, cái chưa được, những khó khăn, hạn chế về thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh Yên Bái.

Cái được lớn nhất là có sự chuyển mạnh từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang hình thành các vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tập trung, sản xuất theo chuỗi, liên kết giữa các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Thành quả tái cơ cấu

Điều dễ nhận thấy sau 18 tháng Yên Bái thực hiện là giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng đáng kể, năm 2016 đạt trên 6.486 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm 2015, chiếm 24% trong cơ cấu tổng sản phẩm của toàn tỉnh; 6 tháng đầu năm 2017 giá trị đạt 3.068 tỷ đồng, tăng 1,70% (tăng 51.247 triệu đồng) so với cùng kỳ và chiếm 24,71% trong cơ cấu tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là đang có xu hướng giảm dần độc canh cây lúa và ở các nhóm cây lương thực có hạt, cây lấy củ, cây lấy sợi, chè; diện tích cây ăn quả, nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng mạnh. Cơ sở hạ tầng thủy lợi, thủy sản được quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp đảm bảo cho nhu cầu phát triển và đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh và ổn định.

Đời sống cư dân nông thôn tăng đáng kể, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt trên 29 triệu đồng/người, tăng 2,9 triệu đồng (tăng 11,11%) so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 giảm 5,29% so với năm 2015.

Đặc biệt hình thức sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản, VietGAP, Global GAP, Organic… đã được các tổ chức, cá nhân áp dụng ngày một nhiều.

Xây dựng thành công mô hình cánh đồng một giống lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời có tác động tích cực đối với chủ trương tích tụ ruộng đất và là cơ sở cho phát triển sản xuất lúa gạo hàng hóa.

Đã hình thành và phát triển rõ nét các vùng sản xuất tập trung như: vùng lúa hàng hóa chất lượng cao rộng trên 2.500 ha, vùng ngô hàng hoá 15.000 ha, vùng chè 11.000 ha, vùng măng tre Bát Độ trên 2.600 ha, vùng quế 56.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 60.000 ha...

Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ, đã xuất hiện những doanh nghiệp có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính đến đầu tư như doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trồng rau sạch, gừng; Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH thuộc tập đoàn TH True-milk đầu tư trồng cỏ nuôi bò sữa tại huyện Văn Yên; Hợp tác xã Đại Sơn khai trương chuỗi khép kín sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn tại huyện Lục Yên...

Trong xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, đã có 18 xã/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 6 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí, 45 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí,  79 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí...

Chăn nuôi theo hướng hàng hóa và thị trường đang phát triển mạnh trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Những hạn chế cần khắc phục

Thực tế cho thấy, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn đó những khó khăn, hạn chế cần được khắc phục. Trong sản xuất chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và biến động của thị trường nên chưa tạo ra sự đột phá.

Nguồn lực đầu tư mới chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, việc thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, HTX và các thành phần kinh tế khác hầu như chưa có.

Sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn manh mún, phân tán nên việc hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Năng suất, chất lượng một số loại nông sản vẫn còn thấp, chi phí sản xuất cao, việc đảm bảo VSATTP còn nhiều bất cập là những tác nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh của nông sản thấp.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm nông nghiệp hiện nay chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến và chế biến sâu, nên giá trị hàng hóa không cao. Chưa có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản.

Trong hơn một năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất cụ thể trong phát triển các loại cây con chủ lực với tổng nguồn vốn hỗ trợ trên 56 tỷ đồng/204,5 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2020 của Đề án. Nhìn chung việc thực hiện và triển khai các chính sách cơ bản theo kế hoạch, tuy nhiên trong quá trình triển khai đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế.

Chính sách hỗ trợ hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò với quy mô 10 con trở lên, yêu cầu phải mua mới 100% thì được hỗ trợ 15 triệu đồng/ mô hình nên việc triển khai thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Lý do để mua 10 con trâu, bò và làm chuồng mỗi người dân phải đầu tư một số tiền quá lớn, khoảng 230 triệu đồng, trong khi hỗ trợ là 15 triệu đồng - số tiền này chỉ đủ làm chuồng. Trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế khó khăn, do vậy khó có khả năng đầu tư mua mới theo quy định.

Hay như trong quy định hỗ trợ trồng quế cũng vậy, theo kỹ thuật thì mỗi héc-ta quế trồng hiệu quả chỉ với mật độ 3.000 đến 4.000 cây là cùng nhưng quy định lại yêu cầu trồng 7.000 cây là không hợp lý. Hay như trong trồng măng tre Bát độ, yêu cầu tỷ lệ cây sống đạt trên 85% mới được giải ngân.

Tuy nhiên, trong thực tế vừa qua đã có nhiều địa phương trồng hàng trăm héc-ta măng tre Bát độ bằng củ tỷ lệ cây sống không đạt yêu cầu nên đến nay vẫn không giải ngân được. (Thực tế, trồng bằng củ giống nhanh cho thu hoạch hơn so với trồng cành khoảng 1 năm nên phần lớn người dân áp dụng trồng bằng củ. Song hạn chế của trồng củ là chỉ trồng trong vụ xuân, giống tốt, thời tiết thuận lợi, trồng đúng quy trình kỹ thuật thì tỷ lệ cây sống đạt cao nhất cũng chỉ 80%, thời tiết bất lợi thì tỷ lệ cây sống còn thấp nữa, đó là lý do tại sao các huyện Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình đến nay vẫn chưa giải ngân được).

Trong hỗ trợ phát triển sản xuất, cây ngô đông trên đất hai vụ lúa nhìn tổng thể thì lớn nhưng đem chia nhỏ ra thì mức hỗ trợ chỉ đạt 11 nghìn đồng/ sào.

Như đã nói ở trên, sản xuất của Yên Bái chủ yếu là nông hộ, nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ chỉ có 3-4 sào ruộng, như vậy với mức hỗ trợ hiện nay người dân không mấy mặn mà thụ hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, Yên Bái vẫn chưa có các chính sách hỗ trợ sản xuất theo chuỗi, gắn kết từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thực tế, để sản xuất hiệu quả, bền vững trong xu thế hiện nay là phải sản xuất theo chuỗi.

Đơn cử, sản xuất chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn trong thời gian qua bị ảnh hưởng lớn bởi thị trường đầu ra đã cho thấy những yếu kém về công tác định hướng, dự báo và không sản xuất theo chuỗi sản phẩm.

Yên Bái đã xây dựng vùng chè thâm canh chất lượng đáp ứng cho chế biến và xuất khẩu.

Tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình tổ chức sắp xếp lại tất cả các yếu tố liên quan tác động đến chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, từ quy hoạch, cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến, bảo quản, tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất, thu hoạch, thu mua, tiêu thụ...

Tất cả hướng đến nâng cao hiệu quả, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thời gian thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa nhiều nhưng cũng nhìn khá rõ những mặt mạnh và những hạn chế tồn tại.

Thiết nghĩ tỉnh, ngành nông nghiệp cần có những đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể tìm ra những mặt mạnh để phát huy, những tồn tại cần khắc phục kịp thời để phát triển tốt hơn.

Đối với các chính sách hỗ trợ cũng vậy, cần được điều chỉnh hợp lý, vẫn biết một đồng hỗ trợ cũng rất đáng quý và góp phần thúc đẩy sản xuất, nhưng để khuyến khích và là một cú hích thực sự cho sản xuất cũng cần nghiên cứu và điều chỉnh lại một số cơ chế, chính sách hỗ trợ...

Với những gì Yên Bái đã và đang tích cực triển khai, chắc chắn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày một hiệu quả, bền vững.

 Thanh Phúc

Các tin khác
Mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả cao.

Dự án do tổ chức W.P.Schmitz - Stiftung tài trợ, góp phần bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

KTNN yêu cầu chấn chỉnh tình trạng chồng chéo, trùng lắp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh, các cơ quan đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh hoạt động kiểm toán tránh chồng chéo, trùng lắp.

Cục CSGT khẳng định không tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông từ 1/8.

Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định, từ ngày 1/8, không tăng mức xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông.

Công ty TNHH DaeSeung Global Hàn Quốc đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho  hàng trăm lao động địa phương.

YBĐT - Đến nay, huyện Yên Bình có 51 dự án đã được tỉnh cấp chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư với tổng số vốn trên 16 nghìn tỷ đồng và 11,14 triệu USD.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục