Trấn Yên phát triển nghề dâu tằm

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/8/2017 | 6:57:29 AM

YBĐT - Những năm trở lại đây, cùng với trồng chè, tre măng Bát độ… thì trồng dâu nuôi tằm đã trở thành nghề rất phát triển của huyện Trấn Yên.

Nuôi tằm trên nền xi măng giảm nhiều chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi tằm trên nền xi măng giảm nhiều chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những ruộng dâu mùa này đã thưa lá, song những nong tằm của người nuôi tằm xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên vẫn đầy ăm ắp. Tân Đồng đang là xã đứng đầu của huyện về diện tích dâu với 105 ha và  trên 200 hộ  nuôi tằm (tăng 75 hộ so với năm 2011); sản lượng kén đạt 62,5 tấn, năng suất bình quân 17 kg kén/1 vòng. Ước tính thu nhập từ nuôi tằm mang về cho người dân trong xã trên 4 tỷ đồng mỗi năm.
 
Những năm gần đây, cây dâu đã được xã trồng thay thế cây lúa trên diện tích đất thiếu nước sản xuất và những cây trồng kém hiệu quả khác. Từ đó, giúp đời sống của người dân trong xã nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đạt trên 28 triệu đồng/người/năm.
 
Gia đình anh Hà Văn Cường, thôn 4, xã Tân Đồng là hộ điển hình trong phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Anh cho biết: "Với hơn 3.000 m2 đất nương trồng ngô, chăm sóc vất vả và một năm mới thu hoạch được hai vụ nhưng năng suất thấp, giá ngô rất bấp bênh nên thu nhập không cao.
 
Qua tìm hiểu nghề trồng dâu nuôi tằm trên sách, báo và đi thực tế học hỏi các gia đình đang nuôi tằm ở huyện Trấn Yên, tôi thấy tằm là loài dễ nuôi, nhanh có lợi nhuận, tuy lợi nhuận thu vào một lần không cao, nhưng cho sản phẩm thu thường xuyên, liên tục trong năm, nên gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư với số vốn ban đầu là 20 triệu đồng, cộng thêm được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng để làm nhà nuôi tằm và mua giống cây dâu về trồng.
 
Từ nuôi tằm, gia đình anh mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền, trang trải được những chi tiêu sinh hoạt thường nhật, cải thiện đời sống hơn nhiều so với trước đây”. Hiện nay, với giá thành trung bình là 200 nghìn đồng/ vòng tằm, mỗi năm anh xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 vòng tằm giống, trừ chi phí cũng đem về cho anh nguồn lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm.
 
Đồng chí Trần Kiều Nhung - Chủ tịch UBND xã Tân Đồng cho biết: "Nghề trồng dâu nuôi tằm đã được người dân đưa vào sản xuất từ lâu. Trước kia, do chưa nắm vững được quy trình kỹ thuật nuôi, cộng với thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao. Với cách làm mới, chuyển từ phương pháp nuôi bằng nong né sang nuôi trên nền xi măng vừa giảm được ngày công lao động, lại giảm được chi phí đầu vào và tăng năng suất. Người dân không tốn công bưng bê nong né, không phải thay phân hàng ngày, do vậy, tằm khỏe hơn khi ít bị di chuyển. Thế mạnh của xã Tân Đồng là có nhiều diện tích trồng dâu, bên cạnh đó, khí hậu của xã rất phù hợp với cây dâu và con tằm. Vì thế, nghề nuôi tằm đã trở thành nghề chính mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã”.

Cùng với Tân Đồng, việc trồng dâu nuôi tằm cũng là hướng phát triển chủ lực của xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên. Hiện nay, toàn xã có 58,6 ha dâu, sản lượng kén 6 tháng đầu năm đạt trên 33,3 tấn, thu nhập ước đạt trên 3 tỷ đồng.
 
Gia đình ông Nguyễn Văn Nho, thôn 12 là một trong những hộ dân tiên phong cho phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao chia sẻ: "Như bây giờ, nuôi lợn, nuôi gà là không lãi, nhưng con tằm lại rất có lãi. Gia đình tôi có 1,5 mẫu dâu, mỗi năm gia đình tôi xuất bán ra trên thị trường gần 4 tấn kén tằm, thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng tiền lãi. Đối với con tằm dâu này thì chỉ cần nắm bắt kỹ thuật nuôi đúng thì con tằm sẽ phát triển rất tốt. Thêm nữa, nghề trồng dâu nuôi tằm phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với những người cao tuổi đều có thể làm được nghề này”.

Đúng như người xưa nói, "nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” vì rất vất vả và lo lắng trong quá trình nuôi tằm, chỉ sợ tằm mắc bệnh thì coi như công cốc. Tuy vậy, khi thành công thì tiền thu về sớm, mỗi lứa tằm chỉ nuôi hơn một tháng là có thể bán kén ra thị trường; tổng cộng một năm có thể nuôi được 7 đến 10 lứa tằm. Bên cạnh đó, cây dâu lại rất dễ trồng, chịu hạn tốt, 1 lần trồng có thể cho thu hoạch đến trên 10 năm. Trồng dâu nuôi tằm cũng không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, vốn đầu tư không lớn nên người dân hoàn toàn có thể làm chủ kỹ thuật chỉ sau 1 vài lần nuôi.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Vui - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Những năm đầu tiên cây dâu tằm xuất hiện chỉ rải rác ở các xã: Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp… diện tích dâu tằm của mỗi xã chỉ vào khoảng 3 ha. Sau một thời gian triển khai quy hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện, nhận thấy nghề này có hiệu quả kinh tế cao, huyện đã phát triển được lên gần 260 ha với hơn 872 hộ dân trồng dâu nuôi tằm với thu nhập bình quân trên 200 triệu/ha, sản lượng kén tằm đạt gần 200 tấn, đã mang lại nguồn thu nhập cho người dân trồng dâu nuôi tằm gần 20 tỷ đồng. Nhờ giá kén ổn định, nên đời sống bà con thay đổi rõ nét, từ hộ nghèo thành hộ khá, từ hộ khá thành hộ giàu”.
 
Có thể thấy, nghề trồng dâu nuôi tằm đã dần phát triển ổn định và bền vững trên đất Trấn Yên trong thời gian qua, đó là do có sự chỉ đạo một cách đồng bộ của huyện như quy hoạch vùng trồng dâu, lựa chọn các giống dâu phù hợp.
 
Bên cạnh đó, huyện đã cho áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi tằm như: xây dựng mạng lưới nuôi tằm con tập trung; áp dụng kỹ thuật nuôi tằm dưới nền nhà... đã góp phần giảm chi phí công lao động, hạn chế dịch bệnh trong nuôi tằm, nâng cao năng suất, chất lượng kén, nâng cao hiệu quả nghề trồng dâu nuôi tằm.
 
Có rất nhiều gia đình ở huyện Trấn Yên cũng thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có nguồn thu nhập trung bình khoảng trên 100 triệu/năm từ nghề trồng dâu nuôi tằm như: ông Nguyễn Thế Ngữ ở thôn 10, xã Việt Thành; ông Nguyễn Văn Thái ở thôn 10, xã Việt Thành; ông Nguyễn Văn Côn ở thôn Đình Xây, xã Báo Đáp; anh Hà Văn Cường ở thôn 4, xã Tân Đồng….
 
Hiện nay, kén tằm đang được 11 cơ sở thu mua, sản xuất tơ tằm đặt tại các xã trên địa bàn huyện như: Việt Thành, Tân Đồng, Nga Quán… đang thu mua cho nông dân tất cả các xã trong huyện chuyển về miền xuôi sơ chế bán sang Lào, Thái Lan với đầu ra ổn định.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, xây dựng được làng nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển, bên cạnh việc quy hoạch vùng dâu tằm tập trung, huyện Trấn Yên sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu. Đồng thời, có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong lựa chọn giống dâu phù hợp; hỗ trợ làm nhà nuôi tằm; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật; đặc biệt, cần xây dựng các tổ hợp tác dâu tằm tơ để khuyến khích người dân gắn bó lâu dài, làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm.

Hải Hà

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC giảm sau 2 ngày tăng mạnh.

Sáng nay (26/4), giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều bất ngờ giảm sau khi tăng mạnh 2 ngày qua. Theo đó, giá vàng miếng quanh mốc 84 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 75 triệu đồng/lượng.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp hạn chế các hành vi gian lận hóa đơn

Ngành thuế triển khai ứng dụng tự động gửi thông báo cho người nộp thuế là người bán thuộc Danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn điện tử; đồng thời gửi thông báo đối với cả người mua của những người bán bị cảnh báo này.

Một mô hình nuôi dê tại thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ cho hiệu quả cao.

Nhằm tăng giá trị của ngành chăn nuôi, những năm qua, nhiều nông dân ở huyện Văn Yên đã từng bước đưa các giống vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi và thu nhập của người nông dân.

Nông dân xã Vĩnh Kiên vay vốn từ NHCSXH nuôi trâu

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Bình đã thực hiện tốt việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong quá trình thực hiện nội dung ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục