Ngô nếp xám mi ni ở Hồ Bốn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/8/2017 | 7:15:57 AM

YBĐT - Mùa ngô năm nay, thêm một mùa nữa, bà con người Mông ở xã Hồ Bốn nhà nào cũng phấn khởi vì đã có giống ngô mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. So với giống ngô thuần thì giá trị kinh tế của giống ngô nếp xám mi ni cao gấp 3 đến 4 lần.

Người Mông xã Hồ Bốn thu hoạch ngô nếp xám mi ni.
Người Mông xã Hồ Bốn thu hoạch ngô nếp xám mi ni.

 Những ngày tháng Tám ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải đang vào mùa thu hoạch ngô. Bởi thế, mới sáng sớm, bà con người Mông đã từ nương ngô đi về với những gùi, gánh đầy ắp ngô nếp xám mang ra quốc lộ 32 để đưa lên ô tô chuyển đi các tỉnh tiêu thụ.

Giống ngô mới về bản

Mùa ngô năm nay, thêm một mùa nữa, bà con người Mông ở xã Hồ Bốn nhà nào cũng phấn khởi vì đã có giống ngô mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cầm những bắp ngô nếp màu xám, chị Vừ Thị Chía ở bản Trống Gầu Bua phấn khởi: "Hai năm nay, nhà tôi không trồng lạc, sắn, lúa nương mà chỉ trồng ngô nếp xám mi ni, vì ngô này năng suất, dễ bán. Bình quân mỗi ngày, nhà tôi bán được từ 1.000 đến 1.500 bắp, mỗi bắp 1.000 đến 1.500 đồng, tùy thuộc vào bắp to hay nhỏ”. Được biết, giống ngô này không phải giống ngô thuần địa phương, mà do anh Mùa A Lù - Trưởng bản Trống Là mang từ nơi khác về nhân giống.

Sau khi thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, xã Hồ Bốn đã chỉ đạo bà con đưa các giống ngô thuần, ngô lai có năng suất cao vào trồng. Tuy nhiên, các giống ngô đó dù có năng suất nhưng giá trị kinh tế không cao, thị trường không ổn định.
 
Là người hay tìm tòi, học hỏi, thích sưu tầm giống cây trồng mới, nhất là những loại giống vừa cho năng suất, vừa có giá trị kinh tế cao, trong một chuyến tham quan tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, anh Mùa A Lù thấy bà con nơi đây trồng giống ngô nếp xám mi ni phát triển tốt, chống chịu được sâu bệnh, năng suất cao, giá bán cao hơn giống ngô địa phương nên anh mua giống về trồng.
 
Vụ đầu tiên, anh trồng thí điểm trên 200 m2 và cây ngô sinh trưởng tốt, năng suất cao, ngô có vị ngọt, dẻo, thơm, có thể dùng làm thức ăn hàng ngày. Do đó, vụ tiếp theo anh Lù mở rộng diện tích trồng ngô nếp xám và để giống nhiều hơn cho bà con trong bản, trong xã cùng trồng.
 
Anh Mùa A Lù chia sẻ: "Ban đầu, tôi đưa giống ngô nếp xám mi ni này về chỉ là để trồng thử, nhưng không ngờ lại hợp đất và được nhiều người ưa thích, giá bán cao nên bà con đã đến xin giống về trồng. Đầu tiên chỉ một, hai hộ, dần dần nhiều người đến xin và gieo trồng thành công rồi họ lại chia giống cho những người khác. Cứ thế, đến nay diện tích ngô nếp xám mi ni ở xã Hồ Bốn đã được người dân trồng ở hầu hết các bản”.
 
Bắp nhỏ nhưng lợi nhuận lớn

So với giống ngô thuần thì giá trị kinh tế của giống ngô nếp xám mi ni cao gấp 3 đến 4 lần, bởi mỗi cây cho ít nhất từ 3 đến 5 bắp và giá bán từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/bắp. Trong khi đó, giống ngô thuần mỗi cây chỉ ra từ 1 đến 2 bắp và giá bán từ 3.500 đồng đến 4.000 đồng/kg ngô hạt.
 
Do vậy, ngô xám mi ni đã được bà con chú tâm trồng trong hai năm gần đây và nếu năm 2015 bà con trồng khoảng 15 ha thì năm 2017 đã tăng lên gần 40 ha. Ngô được các thương lái ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên... đến mua.
 
Nhờ đó, nhiều gia đình người Mông ở Hồ Bốn đã có thu nhập từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/vụ với hộ trồng ít và từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/vụ đối với hộ trồng nhiều. Thu nhập từ trồng ngô, nhiều gia đình đã mua sắm được ti vi, xe máy, máy xay xát, sửa chữa nhà cửa... điển hình như hộ ông Sùng A Lử ở bản Trống Là; Giàng A Minh ở bản Nả Tà; Sùng A Hù, Sùng A Cở ở bản Sáng Nhù...

Anh Mùa A Lù cho hay: "Vụ ngô năm ngoái, gia đình tôi thu 15 triệu đồng và vụ năm nay thu trên 30 triệu đồng. Nhờ vậy, tôi đã trả xong nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và còn có tiền thuê máy xúc khai hoang gần 1 ha ruộng bậc thang”.

Thực tế cho thấy, cây ngô nếp xám đang là cây có tín hiệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn là cây hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho bà con người Mông xã Hồ Bốn. Ông Sùng A Bình - Chủ tịch UBND xã bày tỏ: "Những năm gần đây, bà con đã đưa cây ngô nếp xám mi ni vào trồng và cho thấy giống ngô này có giá trị kinh tế vượt trội, giúp người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Đảng ủy, chính quyền xã đang khuyến khích bà con đưa giống ngô này trồng trên một số diện tích để giúp người dân phát triển kinh tế”.

Sùng A Hồng

Các tin khác

Ngày 27/4 vàng miếng SJC lên 85,22 triệu đồng/lượng - lập kỷ lục mới. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc vì đầu tư vào thị trường vàng hiện rất rủi ro.

Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục