Thành phố Yên Bái: Những dự án giao thông làm thay đổi diện mạo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/8/2017 | 7:29:35 AM

YBĐT - Bức tranh giao thông thành phố Yên Bái với những cây cầu, những tuyến đường mới sẽ tạo diện mạo mới và trở thành động lực phát triển để thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII đề ra. Theo đó, 5 dự án giao thông lớn trên địa bàn được lựa chọn triển khai.

Cầu Bách Lẫm - một trong 10 công trình trọng điểm của tỉnh sẽ khánh thành vào quý I/2018.
Cầu Bách Lẫm - một trong 10 công trình trọng điểm của tỉnh sẽ khánh thành vào quý I/2018.

Có thể nói, ý tưởng phát triển thành phố hai bên bờ sông Hồng đã nung nấu trong đầu các nhà quy hoạch qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn. Nó đang trở thành hiện thực khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hình thành.
 
Nói như ông Đỗ Việt Bách - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thì: "Quan điểm phát triển mạng lưới giao thông tỉnh Yên Bái là kết nối các tuyến đường, tạo sự liên thông, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhằm phát huy lợi thế của đường cao tốc trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”.
 
Trên cơ sở đó, tỉnh định hướng đầu tư các tuyến, tạo sự liên kết giữa các vùng kinh tế của tỉnh với nhau và kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như: dự án đường quốc lộ 32 nối với đường cao tốc Nội Bài (từ Nghĩa Lộ, qua An Lương, sang Mậu A); dự án nối tỉnh lộ 170 (đường Vĩnh Kiên - Yên Thế) đi qua An Phú, Phan Thanh (Lục Yên), Tân Nguyên (Yên Bình), qua Mậu A (Văn Yên) và nối với nút giao IC 14; dự án đường từ ngã ba Khánh Hòa (Lục Yên) sang Trái Hút, An Bình (Văn Yên) nối với đường cao tốc tại nút giao IC15...

Riêng khu vực thành phố Yên Bái, quan điểm chỉ đạo là ưu tiên đầu tư hạ tầng hai bên bờ sông Hồng, nhằm tạo động lực phát triển thành phố Yên Bái sang phía hữu ngạn sông Hồng cũng như kết nối với đường cao tốc. Theo đó, 5 dự án lớn được lựa chọn triển khai: cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán, đường nối quốc lộ 70 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường 32C nối với đường Âu Cơ. Cầu Tuần Quán có tổng mức đầu tư 722 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý 1/2018, chiều dài toàn tuyến 4 km (trong đó 3,6 km đường hai đầu).
 
Dự án cầu Tuần Quán có ý nghĩa to lớn trong việc mở mang không gian đô thị, đặc biệt là đoạn đầu tuyến từ ngã ba Thanh Hùng (nơi có khu đô thị do Tập đoàn Chân Thiện Mỹ làm chủ đầu tư) đến cầu Bảo Lương (dài 2km) có quy mô B nền 50 m, hứa hẹn là tuyến đường lớn, đẹp và đông đúc bậc nhất thành phố Yên Bái trong tương lai.
 
Không mở mang được nhiều không gian đô thị và phát triển được ít quỹ đất, nhưng dự án xây dựng cầu Bách Lẫm (với mức đầu tư 512 tỷ, dự kiến khánh thành vào quý I/2018) lại tạo ra hai điểm nhấn quan trọng cho thành phố Yên Bái, đó là cầu được thiết kết dây văng, kết hợp với hệ thống đèn màu chiếu sáng sẽ tạo ra hình ảnh thơ mộng, đẹp mắt nhất là khi thành phố về đêm.
 
Đầu tuyến (phía tả ngạn) đấu nối với ngã tư Cao Lanh, tạo thành nút giao thông lớn và tấp nập với tên gọi mới "ngã 5 Cao Lanh”; cây cầu Bách Lẫm giúp cho việc đi lại của người dân từ trung tâm thành phố, sang khu đô thị mới - nơi có Bệnh viện 500 giường sẽ gần và thuận lợi hơn rất nhiều.
 
Một dự án quy mô lớn khác có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã và đang được tích cực triển khai, đó là đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc, chiều dài toàn tuyến 15,4 km, điểm đầu là km 85+300 thuộc xã Minh Quân huyện Trấn Yên và điểm cuối đấu nối với đường Âu Cơ thuộc thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng huyện Trấn Yên.
 
Được thiết kế B nền 33 m, tuyến đường mới này sẽ tạo ra quỹ đất rộng lớn và là hạ tầng quan trọng trong việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng hạ huyện Trấn Yên cũng như vành đai thành phố Yên Bái.
 
Dự án quy mô lớn cuối cùng mà chúng tôi muốn nhắc đến là dự án đường Âu Cơ nối đường 32C có chiều dài 4 km, B nền 33 m, tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng và đây là công trình duy nhất đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình).
 
Không chỉ mở mang không gian đô thị, phát triển quỹ đất, tuyến đường Âu Cơ nối quốc lộ 32C sẽ cùng với hai tuyến còn lại tạo thành 3 trục động lực quan trọng, tạo tiền đề phát triển các trục ngang và đường nhánh khác; bước đầu hoàn thiện hệ thống đường giao thông cho khu vực dự kiến hình thành và phát triển khu đô thị mới của thành phố Yên Bái.

Gần 3.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông, đó thực sự là con số ấn tượng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ cũng như nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái trong việc bố trí, cân đối nguồn ngân sách để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đúng kế kế hoạch.
 
Thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải cho biết, hiện nay, công trình xây dựng cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm và tuyến nối quốc lộ 70 với đường Nội Bài - Lào Cai vẫn đang khẩn trương thi công, chất lượng công trình đảm bảo, hoàn thành tiến độ đã đề ra; các dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc và quốc lộ 32C với đường Âu Cơ đã và đang hoàn thiện các bước chuẩn bị thi công.
 
Song song với những dự án kể trên, là Dự án nâng cấp quốc lộ 32C (từ km 79 đến km 96), (từ Hiền Lương đến đầu cầu Yên Bái), trong đó có 8 km từ đầu cầu Văn Phú lên đến cầu Yên Bái là mở mới, quy mô đường cấp III, mặt đường 9 m, chỉ giới hành lang 36 m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng và dự án xây dựng cầu Cổ Phúc đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, với giá trị trên 300 tỷ đồng.

Bức tranh giao thông thành phố Yên Bái với những cây cầu, những tuyến đường mới sẽ tạo diện mạo mới và trở thành động lực phát triển để thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII đề ra.

Lê Phiên

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục