Sản xuất công nghiệp Yên Bái: Cần nỗ lực những tháng cuối năm

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/8/2017 | 7:57:17 AM

YBĐT - Trở ngại chính mà doanh nghiệp đối mặt là: đơn hàng sụt giảm, thị trường thu hẹp, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho cao, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. 

Sơ chế măng tre Bát độ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.
Sơ chế măng tre Bát độ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.

Do tác động chung của tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2017 phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trở ngại chính mà doanh nghiệp đối mặt là: đơn hàng sụt giảm, thị trường thu hẹp, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho cao, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là các mặt hàng đá CaCO3, đá hoa trắng chịu tác động mạnh do thay đổi về chính sách xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông lâm sản một phần bị thiếu nguyên liệu và thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào Trung Quốc nên không ổn định đầu ra, hiệu quả kinh doanh thấp.

Trước những khó khăn trên, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp với lãnh đạo các cấp, các ngành và doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh. Từ đó, chỉ đạo các ngành liên quan kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn. Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cơ chế, chính sách, công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế.
 
Cùng với những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều biện pháp khác như: tổ chức các hội nghị liên kết, xúc tiến thương mại quy mô vùng; tập trung tổ chức các hội chợ của khu vực và của tỉnh, mở các hội nghị kết nối cung - cầu đã được triển khai.
 
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm bằng cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và những vấn đề thuộc trách nhiệm của địa phương liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
 
Nhờ những giải pháp trên, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tích cực và có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
 
Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến hết tháng 6/2017, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.010 tỷ đồng, bằng 44,55% so với kế hoạch, tăng 7,92% so với cùng kỳ năm 2016.  Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp với mức tăng 9,89% so với cùng kỳ.
 
Một số sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ như: đá xây dựng tăng 23%; tinh dầu quế tăng 39,6%; gỗ dán tăng 8,7%; gỗ ván ép tăng 18,6%; giấy làm vàng mã tăng 46,1%; gạch xây dựng tăng 6,1%; clanhke xi măng tăng 87,1%; xi măng portland tăng 15,7%; bột CaCO3 tăng 32,5%; điện sản xuất tăng 6,5%; điện thương phẩm tăng 13,6%; nước sạch tăng 4,1%.
 
 
Ngành công nghiệp dệt may tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp Yên Bái.
 
Tuy nhiên, bên cạnh một số ngành sản xuất đạt mức tăng trưởng khá vẫn còn không ít ngành phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt các ngành công nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng lớn đã tác động đến mức tăng trưởng toàn ngành công nghiệp như:  quặng sắt giảm 8,8%, đá phiến giảm 28%, tinh bột sắn giảm 25,2%, chè các loại giảm 10,7%, gỗ xẻ giảm 44,7%...

Dự báo trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng lên, thị trường xuất khẩu có nhiều tín hiệu tích cực.
 
Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến khoáng sản như chế biến đá CaC03 bột, hạt đã tìm kiếm được một số khách hàng mới; nhóm ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, phụ gia gặp thuận lợi do đồng USD tăng giá.
 
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu giá trị công nghiệp đạt 9.000 tỷ đồng trong năm 2017, cần sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành và cộng đồng các doanh nghiệp. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là những khó khăn trong giải phóng mặt bằng để các doanh nghiệp có thể triển khai các dự án đầu tư theo đúng tiến độ đề ra.
 
Đồng thời, quan tâm tìm thị trường đầu ra cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch quy mô lớn vào địa bàn. Theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý chi phí sản xuất, tăng cường sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tập trung đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 Văn Thông

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục