Đề án hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao Văn Chấn: Nông dân đang gặp khó

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/9/2017 | 6:58:03 AM

YBĐT - Đề án hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao giai đoạn 2015 - 2020 huyện Văn Chấn là một trong những nội dung thực hiện chỉ đạo của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xây dựng và triển khai năm 2015 - 2016, chỉ sau hơn một năm thực hiện, tại một số xã của Văn Chấn đã gặp những khó khăn, vướng mắc. 

Cán bộ Phòng NN và PTNT Văn Chấn hướng dẫn người dân xã Sùng Đô chăm sóc trâu bò bán chăn thả.
Cán bộ Phòng NN và PTNT Văn Chấn hướng dẫn người dân xã Sùng Đô chăm sóc trâu bò bán chăn thả.

Với các hộ dân, vướng nhất là những quy định mới về số lượng gia súc phải có khi tham gia Đề án...

Cuối năm 2016, sau khi được vận động, hướng dẫn nuôi trâu, bò theo hướng bán chăn thả, gia đình chị Vàng Thị Giàng, thôn Nà Nọi, xã Sùng Đô vay mượn trên 30 triệu đồng để làm chuồng trại và trồng trên 1.000 m2 cỏ voi để chăn nuôi đàn trâu, hy vọng sẽ được hỗ trợ kinh phí theo nội dung Đề án của huyện. 

Khi làm xong chuồng trại theo đúng quy định, số trâu, bò của nhà cũng đủ tiêu chuẩn, gia đình làm hồ sơ đề nghị chính quyền xã và cơ quan chức năng của huyện thẩm định thì được thông báo: theo quy định mới năm 2017, gia đình phải mua mới hoàn toàn 10 con trâu, bò trở lên.
 
Chị Vàng chia sẻ: "Nhà mình có bằng này con trâu cũng phải nuôi tích góp nhiều năm nay chứ khó khăn lắm, không mua nổi vài con đâu. Giờ quy định thế  cũng chịu thôi, cố gắng chăn nuôi rồi bán một, hai con trâu để trả nợ”.
 
Sùng Đô là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của Văn Chấn, chăn nuôi là thế mạnh của địa phương. Hiện toàn xã có trên 675 con trâu, bò, trong đó đàn trâu trên 500 con.
 
Trong điều kiện đất đồi bãi ngày càng thu hẹp, xã đã vận động nhân dân trồng cỏ, làm chuồng trại và hạn chế thả rông gia súc. Năm 2016, tuy chưa được hỗ trợ kinh phí, nhưng nhân dân đã trồng trên 2 ha cỏ voi, cỏ VA06, nhiều hộ đã làm chuồng trại để nhốt gia súc. 

Để động viên khuyến khích nhân dân, năm 2017 xã Sùng Đô đã đề nghị huyện hỗ trợ xây dựng từ 3 – 5 mô hình có quy mô 10 con trâu, bò trở lên. Hiện xã đã có 5 hộ xây dựng chuồng trại và trồng cỏ theo đúng quy định của Đề án.
 
Ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô chia sẻ: "Hiện toàn xã có hơn chục hộ có quy mô chăn nuôi trên chục con trâu, bò, họ đều là những hộ chăn nuôi từ lâu. Hầu hết, các hộ dân có nguyện vọng được tạo điều kiện để mở rộng quy mô chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu phải mua mới toàn bộ số trâu, bò 10 con trở lên thì phải mất ít nhất 200 triệu đồng/hộ thì mức hỗ 15 triệu đồng/mô hình khó có hộ nào có thể thực hiện được”.

Theo Đề án hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc tại các xã vùng cao giai đoạn 2016 – 2020, huyện Văn Chấn sẽ hỗ trợ cho một số hộ chăn nuôi tại 18 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và một số xã lân cận xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/mô hình chăn nuôi 10 con trâu, bò trở lên và 30 triệu đồng/mô hình hộ hoặc nhóm hộ chăn nuôi 30 con trâu bò trở lên. 

Nguồn kinh phí hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh. 

Ngoài ra, huyện cũng trích kinh phí hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi chăm sóc vật nuôi. Trong năm 2016, đã xây dựng 81 mô hình ở 7 xã vùng cao, trong đó 2 xã làm điểm là Nậm Búng và Gia Hội xây dựng được 27 mô hình. 

Ngoài ra, hàng chục hộ ở các xã trong vùng thực hiện Đề án đã đăng ký thực hiện. Trong năm 2017, huyện phấn đấu xây dựng 32 mô hình tại 11 xã vùng cao còn lại. Tuy nhiên, với quy định mới nêu trên thì sẽ hết sức khó khăn do điều kiện của đồng bào các dân tộc vùng cao. 

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Chấn: "Mục tiêu ban đầu của Đề án được Phòng NN&PTNT huyện xây dựng là hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi nhận thức về chăn nuôi, có điều kiện để chăn nuôi đại gia súc hợp lý và hiệu quả hơn. Quan trọng hơn là các mô hình này sẽ góp phần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, chăn nuôi của nhân dân theo hướng bền vững. Vì vậy, với nguồn kinh phí hỗ trợ như Đề án thì khuyến khích các hộ dân xây dựng chuồng trại, trồng cỏ để chăm đàn vật nuôi của gia đình theo hướng bán chăn thể là hợp lý. Với những quy định mới của tỉnh, Phòng đang tiếp tục tham mưu với huyện đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh quy định cho phù hợp, đồng thời triển khai các giải pháp động viên một số hộ tiếp tục xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc”.

Việc hỗ trợ chăn nuôi thông qua xây dựng các mô hình điểm là việc làm cần thiết giúp nhân dân có điều kiện, kiến thức áp dụng vào chăn nuôi hiệu quả hơn. Để xây dựng được những mô hình đó, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Văn Chấn cần những chính sách đặc thù và nguồn kinh phí nhất định. Những khó khăn, vướng mắc này, cần được các cấp, các ngành xem xét, tháo gỡ cho nông dân vùng cao.

Trần Van

Các tin khác
Nông dân xã Vĩnh Kiên vay vốn từ NHCSXH nuôi trâu

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Bình đã thực hiện tốt việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong quá trình thực hiện nội dung ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (25/4) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.

NHNN hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25-4

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (25/4) lại bị hủy do chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu dự thầu.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục