Nông dân xã Mông Sơn học theo Bác

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/9/2017 | 7:10:30 AM

YBĐT - Theo giới thiệu của đồng chí Đỗ Xuân Thịnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Văn Sang, thôn Thủy Sơn. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là căn nhà kiên cố rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, trước mặt là diện tích mặt nước hồ Thác Bà. Vươn xa tầm mắt là những khu chăn nuôi cá lồng của gia đình ông Sang hàng năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đang phát triển mạnh ở thôn Thuỷ Sơn, xã Mông Sơn.
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đang phát triển mạnh ở thôn Thuỷ Sơn, xã Mông Sơn.

Những năm trước đây, gia đình ông Sang là một trong những hộ nghèo nhất thôn. Dần dần qua tìm tòi học hỏi, ông Sang nhận thấy diện tích mặt nước hồ Thác Bà có thể nuôi được thủy sản ông đã mua lưới về chắn với diện tích trên 1 héc-ta để nuôi cá. Năm 2015, ông Sang chuyển sang đầu tư nuôi cá lồng, ông quyết định vay 100 triệu về để mua vật liệu kẽm, lưới, thùng phi nhựa, tôn lợp để xây dựng 5 lồng nuôi cá. Mỗi lồng có diện tích mặt nước khoảng 30 m2 với độ sâu khoảng 4 mét nước. Mỗi lồng ông Sang bắt tay cho việc thả 400 con cá trắm cỏ, rô phi đơn tính, cá nheo. Lứa cá lồng đầu tiên đã thắng lợi trên 30 triệu đồng/lồng. Nhận thấy nuôi cá lồng có lãi, ông đã bảo ban con cái và bà con nhân dân cùng nuôi cá lồng.
 
Đến nay, khu chăn nuôi cá của gia đình ông Sang đã có trên 10 lồng cá với các loại có giá trị kinh tế. Học tập và làm theo lời Bác, ông Sang đã thường xuyên vận động các thành viên trong gia đình thực hành tiết kiệm, tích cực học tập lao động sản xuất, mỗi người làm việc bằng hai, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phân công lao động hợp lý để vừa có thời gian tăng gia sản xuất, vừa có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia vào các hoạt động của thôn bản. Ông đã đầu tư mua chiếc máy nghiền thức ăn cho cá với giá 40 triệu đồng để thuận tiện hơn.
 
Ông chia sẻ: "Nuôi cá lồng mùa nước hồ Thác Bà cạn, tôi có thể đẩy lồng ra xa, không lo về mực nước như nuôi cá eo ngách nữa, vả lại nuôi cá lồng dễ chăm sóc hơn. Đặc biệt, khi thu hoạch sẽ ít chi phí hơn so với nuôi cá eo ngách”. Cũng nhờ nuôi cá lồng mà đến nay phong trào nuôi cá lồng trong thôn Thủy Sơn đã phát triển lên đến gần chục hộ với trên 50 lồng cá.
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Nhài ở thôn Thủy Sơn, thì học tập và làm theo Bác bằng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sang hướng hiệu quả hơn. Năm 2014, nhận thấy diện tích đất xung quanh nhà bỏ không chị chuyển sang trồng 150 cây thanh long ruột đỏ. Sau 3 năm trồng, đến nay đã cho thu hoạch, mỗi tháng cho thu khoảng 600 kg quả với giá bán buôn 20.000 đồng/kg, mang về cho gia đình khoảng 12 triệu đồng, hàng năm thanh long cho thu hoạch 6-8 đợt. Không chỉ trồng thanh long, chị còn mạnh dạn vay anh em họ hàng 30 triệu đồng mua 2 cặp bò nái sinh sản. Giờ đây, đàn bò của chị đã nhân lên đến 10 con nuôi theo mô hình bán công nghiệp.
 
Đồng chí Đỗ Xuân Thịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mông Sơn cho biết: "Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự đi vào cuộc sống, Hội Nông dân xã đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể theo chủ đề từng năm và triển khai đến tất cả các chi hội. 6 tháng đầu năm 2017, đã tổ chức được 12 buổi với 523 lượt hội viên học tập; 393 hộ đăng ký thực hiện hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Qua theo dõi, hiện nay có 296 hộ đã đạt điển hình, như các ông: Nguyễn Văn Bằng, Phạm Minh Hoạt, Ngô Văn Chiến… với mô hình sản xuất chế biến nông - lâm sản giải quyết việc làm cho trên 300 lao động trên địa bàn xã với mức thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng”.
 
Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang lan tỏa trong toàn thể hội viên nông dân xã Mông Sơn. Đến nay, diện mạo của xã Mông Sơn đã có nhiều đổi thay, những ngôi nhà xây khang trang mọc san sát, tạo nên bức tranh thủy mặc rực rỡ sắc màu bên hồ Thác Bà.

Quyết Thắng

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục