Qua 15 năm triển khai thực hiện, các chương trình tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh nhà, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) NHCSXH tỉnh Yên Bái phát biểu: "Yên Bái là một tỉnh nghèo nên nhu cầu vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là rất lớn. Với trách nhiệm của mình, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp nhận nguồn vốn của Trung ương, đồng thời tích cực huy động nguồn vốn tại địa phương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Vốn chính sách thực sự là kênh tín dụng quan trọng nhằm xóa đói giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Cùng với cán bộ của NHCSXH huyện Yên Bình, chúng tôi tới thăm gia đình chị Đặng Thị Niên ở tổ 20, thị trấn Yên Bình. Là hộ nghèo của thị trấn, năm 2012, gia đình chị được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng.
Toàn bộ số vốn đó chị dùng vào việc mua cây giống và phân bón về trồng 2,5 ha rừng và tận dụng ven đồi, ven bãi để trồng cỏ nuôi bò. Đến năm 2017, chu kỳ vay vốn cũng kết thúc, vừa lúc lứa cây đã kịp lớn, có thể cho khai thác. Đặc biệt, đàn bò của gia đình chị đã tăng lên 10 con. Vậy là từ một hộ nghèo của khu dân cư, giờ gia đình chị Niên đã thoát nghèo.
Gia đình chị Niên cũng chỉ là một trong số hàng vạn hộ nghèo ở Yên Bái tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi và phát huy hiệu quả.
Theo thống kê, đến 30/6/2017, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Yên Bái đạt 2.475 tỷ đồng, tăng 2.297 tỷ đồng so với thời điểm thành lập. Với nguồn vốn sẵn có, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã triển khai trên địa bàn tỉnh 12 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ các chương trình đạt 2.468 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm 20%, dư nợ bình quân một hộ đạt 28,7 triệu đồng/hộ, tăng 25,7 triệu đồng/hộ so với năm 2003.
Chất lượng tín dụng cũng được nâng lên rõ rệt qua các năm. Năm 2003, tỷ lệ nợ xấu khi nhận bàn giao từ các đơn vị chiếm tỷ lệ 9,2% tổng dư nợ, đến tháng 6/2017, giảm xuống còn 0,26%, trong đó nợ quá hạn 0,13%, nợ khoanh 0,13%. Đồng vốn chính sách không chỉ đến đúng các đối tượng, theo đúng các chương trình cho vay mà còn phát huy tốt hiệu quả, trở thành nguồn lực quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
15 năm qua, đã có 307.078 lượt khách hàng vay với tổng số tiền 5.025 tỷ đồng, bà con đã đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới 154.010 ha rừng, 10.080 ha chè, 570 ha cây ăn quả; mua 123.135 con trâu, con bò, 100.034 con lợn, 212.265 con giống gia súc, gia cầm khác; mở rộng hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới và cải tạo 40.424 công trình nước sạch, 39.168 công trình vệ sinh; 38.580 em học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, hỗ trợ 6.902 hộ nghèo làm nhà ở, tạo thêm 17.809 việc làm mới cho người lao động...
Đến tháng 6 năm 2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.468 tỷ đồng với 86.038 hộ vay. Tỷ trọng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình chiếm 86% với số tiền 2.129 tỷ đồng.
Trong đó, 41.045 hộ vay chăn nuôi trâu bò, dư nợ 1.093 tỷ đồng; 21.185 hộ vay trồng rừng, dư nợ 629 tỷ đồng; 8.746 hộ vay trồng cây ăn quả, dư nợ 249 tỷ đồng; 2.078 hộ vay trồng chè, dư nợ 54 tỷ đồng; 1.644 hộ vay chăn nuôi gia súc gia cầm khác, dư nợ 36 tỷ đồng; còn lại là đầu tư vào các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp khác.
Tỷ trọng vốn đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội chiếm 14% với số tiền 339 tỷ đồng. Trong đó, 2.253 hộ vay cho con đi học theo chương trình học sinh sinh viên, dư nợ 46,5 tỷ đồng; 21.121 hộ vay làm công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, dư nợ 230 tỷ đồng; 5.792 hộ vay vốn làm nhà ở, dư nợ 56,7 tỷ đồng.
Vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 3 - 4%; đồng thời, thực hiện mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Những đóng góp trên đã phản ánh sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý đặc thù, qua 15 năm hoạt động, NHCSXH đã chứng minh khả năng huy động sức mạnh toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách. Ban Đại diện HĐQT được thành lập và củng cố. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư.
Đội ngũ cán bộ NHCSXH từ tỉnh đến các huyện, thị được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, được giáo dục chính trị, tư tưởng đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hệ thống phòng giao dịch cấp tỉnh và huyện được đầu tư khang trang, 100% số xã, thị trấn có điểm giao dịch đã góp phần đưa chủ trương, chính sách về tín dụng đến gần dân hơn.
Hệ thống ban đại diện HĐQT gồm có 290 đồng chí (cấp tỉnh có 13 đồng chí, cấp huyện có 277 đồng chí; trong đó, 180 đồng chí chủ tịch UBND cấp xã đều là thành viên ban đại diện HĐQT cấp huyện).
Thành viên ban đại diện HĐQT các cấp tuy làm việc kiêm nhiệm nhưng với tinh thần trách nhiệm cao vì sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của địa phương nên rất chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Do đó, hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của ban đại diện HĐQT các cấp mang lại hiệu quả cao và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của NHCSXH.
Từ đồng vốn chính sách, nhiều hộ nghèo đã vươn lên trong cuộc sống.
Một trong những đặc thù của hoạt động NHCSXH là phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội. NHCSXH với bộ máy gọn nhẹ đảm nhiệm các quy trình nghiệp vụ giải ngân, thu nợ và quản lý toàn bộ quá trình chu chuyển của nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Các tổ chức chính trị xã hội bằng mạng lưới cơ sở của mình từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, thôn, bản sẽ đảm nhận các công đoạn từ tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi; thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của tổ TK&VV; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tập huấn nghiệp vụ ủy thác; kiểm tra đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.
Đến năm 2017, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã ký kết văn bản liên tịch ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên; 36 hội cấp huyện; ký hợp đồng ủy thác với 610 hội cấp xã (tăng 113 hội cấp xã so với thời điểm 2012); Hợp đồng ủy nhiệm với 2.468 tổ TK&VV ở các thôn, bản (giảm 189 tổ so với thời điểm 2012 do củng cố lại tổ).
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái cho biết: "Trải qua chặng đường 15 năm xây dựng và trưởng thành, NHCSXH không ngừng phát huy vai trò công cụ đắc lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động và thực hiện các chính sách xã hội khác. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ trong hệ thống NHCSXH Yên Bái luôn hiểu rằng, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, đồng bào các dân tộc, nhất là các xã vùng cao còn nhiều khó khăn, họ đang rất cần đồng vốn ưu đãi để vươn lên trong cuộc sống. Từ nhận thức ấy, mỗi cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống phải đoàn kết, thống nhất, không ngừng phấn đấu vươn lên, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, đưa đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương Yên Bái giàu mạnh”.
Lê Phiên