Khẩn trương khắc phục mưa lũ, ứng phó bão mới

  • Cập nhật: Chủ nhật, 15/10/2017 | 9:00:33 AM

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường, cho rằng, các tỉnh Bắc Trung bộ và miền Bắc vừa trải qua đợt lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề. Cơn bão số 11 diễn biến rất phức tạp nên cần chuẩn bị tinh thần ứng phó cao nhất.

Bộ đội giúp dân gia cố đê điều tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Bộ đội giúp dân gia cố đê điều tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.

 

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều 14-10 đã có tổng số 97 người chết và mất tích. Tại nhiều nơi, nước lũ vẫn còn ở mức cao, giao thông bị chia cắt, công tác tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cơn bão số 11 ngoài biển Đông đang tiến gần bờ.

Nước lũ còn cao, hồ đập đầy nước

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 14-10, hồ Hòa Bình đã đóng tất các cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang mở 1 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 2 cửa xả mặt. Tuy nhiên, báo cáo của Vụ Quản đê điều (Bộ NN-PTNT) cho biết hiện lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Mã vẫn còn ở mức cao, hàng trăm vị trí đê điều xảy ra sự cố.

Bộ Công thương cho biết, trong số 165 hồ cập nhật thông tin có 47 hồ vẫn đang xả qua tràn nhưng các hồ thủy điện vẫn đang hoạt động bình thường. Còn theo Tổng cục Thủy lợi, trong ngày 14-10, hầu hết các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước, trong đó khu vực Bắc bộ có 138 hồ, Bắc Trung bộ có 83 hồ thuộc loại xung yếu.

Vấn đề lo ngại hiện nay là công tác ứng phó với cơn bão mới, dự kiến đổ bộ vào đất liền đêm 16 và ngày 17-10.

Tại cuộc họp bàn giải pháp ứng phó bão số 11 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức chiều 14-10, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn  Trung ương cho biết: Bắt đầu từ chiều 14-10, bão có xu hướng dịch chuyển theo hướng Tây Bắc. 

Hiện cường độ bão ở cấp 10, giật cấp 13. Khi đi vào vịnh Bắc bộ, bão sẽ tương tác với không khí lạnh rồi chếch xuống Tây Nam. Không khí lạnh khô tương tác sẽ làm bão số 11 suy yếu và không có khả năng mạnh thêm. Bão vào vịnh Bắc bộ ở cấp 8, cấp 9. 

Ngày 16 và 17-10, không khí lạnh đầu mùa tràn về, trời sẽ chuyển rét. Tuy nhiên, không khí lạnh sẽ gây nguy hiểm cho thời tiết biển.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến chiều 14-10, lực lượng biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, hướng dẫn cho 74.438 tàu thuyền với 298.232 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.


Theo thông tin cập nhật tối 14-10 của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, vị trí tâm bão số 11 đã ở vào khoảng 17,9 độ vĩ Bắc - 117,8 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông - Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13. Trong khoảng thời gian từ chiều 14 đến chiều 15-10, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và còn mạnh lên.

Chiều 15-10, tâm bão nằm cách quần đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 280km về phía Đông. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội.

Theo nhận định, không khí lạnh và hoàn lưu bão vẫn có thể gây mưa lớn trên đất liền. Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, ngành điện lực đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục cung cấp điện đến người dân. Hiện còn 126 xã chưa được cấp điện.

Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho rằng, các tỉnh Bắc Trung bộ và miền Bắc vừa trải qua đợt lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề. Cơn bão số 11 diễn biến rất phức tạp nên cần chuẩn bị tinh thần ứng phó cao nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu công tác dự báo phải bám sát và kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để thông tin đầy đủ đến người dân. Trên biển, lực lượng biên phòng phải thông tin cho tất cả các phương tiện tàu thuyền. 

Theo Trưởng ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, trọng tâm ứng phó với mưa lớn, mưa trung bình ở các tỉnh Bắc Trung bộ và phía Bắc, cần tiếp tục tìm kiếm cứu hộ, khắc phục cở sở hạ tầng, trong đó có hệ thống điện, giao thông; cần tổng kiểm tra công trình đập, giám sát chặt chẽ các hồ thủy lợi.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Ngày 28/3, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh cuộc gặp mặt báo chí.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam công bố thông tin về "Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024" lần đầu tiên được tổ chức trong phạm vi cả nước; trong đó, cao điểm các sự kiện sẽ diễn ra chính thức từ ngày 29/3 đến 29/4.

Giá xăng tăng từ chiều nay 28/3.

Từ 15h hôm nay 28/3, giá xăng E5 RON92 tăng 406 đồng/lít, xăng RON95 tăng 532 đồng/lít, trong khi đó các mặt hàng dầu tăng, giảm tùy loại.

Người dân huyện Yên Bình chuyển hướng nuôi trồng các loại cá da trơn, cá đặc sản chất lượng cao.

Những năm qua, huyện Yên Bình chú trọng tập trung đổi mới sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, chủ động xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục