Văn Chấn phát triển mạnh giao thông nông thôn

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/10/2017 | 11:09:28 AM

YBĐT - Đến nay, 100% các xã trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm.

Người dân xã Thanh Lương làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Thanh Lương làm đường giao thông nông thôn.

Một thời Văn Chấn gặp muôn vàn khó khăn trong phát triển giao thông, nhất là giao thông nông thôn (GTNT), khi đó chỉ có khoảng 30% số xã có được đường ô tô đến trung tâm. Cán bộ xã muốn đến huyện phải đi từ mờ sáng cho tới quá trưa mới tới, nhiều xã phải đi cả ngày đường.

Đến nay, 100% các xã trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm. Khó có thể tin nổi những xã vùng cao như: An Lương, Nậm Mười, Suối Quyền, Nậm Lành… giờ đã có đường ô tô đến trung tâm trong khi nguồn kinh phí cho làm đường GTNT rất hạn chế.
 
Kết quả đó là do sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của người dân từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh và huyện Văn Chấn. Chưa bao giờ phong trào làm đường GTNT ở Văn Chấn lại sôi động và thu được kết quả to lớn như 5 năm trở lại đây.
 
Ông Đinh Văn Trường - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Chấn cho biết: "Do đặc thù là huyện miền núi, địa hình phức tạp, chiếm 4/5 phần diện tích là đồi núi, chia cắt nhau bởi nhiều suối và khe nước, tạo ra mạng lưới giao thông rất đa dạng. Đến nay, huyện đã có 862 km đường giao thông, trong đó đường đô thị có 21 tuyến/10,15 km, đường huyện có 36 tuyến/308 km, đường xã có 31 xã/276 km và 275 km đường thôn, bản. Ngoài ra, Văn Chấn còn có 54 cầu treo với tổng chiều dài trên 4.200 m, trong đó có 70% cầu thiết kế cho trọng tải dưới 2,5 tấn, còn lại cầu dân sinh. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn huyện có đường ô tô đến trung tâm xã”.

Chỉ tính riêng năm 2016, tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường GTNT của Văn Chấn đạt 91,4 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 66 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 25 tỷ đồng. Từ những nguồn vốn đó, huyện Văn Chấn đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm theo hướng cải tạo nâng cấp là chính và được công khai cụ thể hóa tới người dân, thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
 
Đồng thời, các nguồn vốn đầu tư được quản lý chặt chẽ, có hiệu quả, tiết kiệm chống lãng phí trong xây dựng các công trình giao thông. Từ nguồn vốn của năm 2016, huyện đã làm được 52 km đường cấp phối, bê tông xi măng 43,6 km, tu sửa đường liên thôn bản 208 km, sửa chữa 11 cầu treo, làm mới 81 cống thoát nước.

Vẫn biết phát triển GTNT là phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền, song nguồn vốn đầu tư cho giao thông có hạn. Trước thực trạng đó, Văn Chấn đã phát huy nội lực, vận động nhân dân tham gia phong trào làm đường GTNT. Tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để huy động, vận động nhân dân tham gia phù hợp, nơi có đá thì góp đá, có cát, sỏi thì góp cát sỏi, góp ngày công san nền, đánh đất rồi tiền mặt...
 
Những giải pháp đó đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong huyện và tạo nên phong trào làm đường GTNT rộng khắp. Những tuyến đường bê tông, đường nhựa đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã, các bản làng vùng cao. Khi không có đường, mọi sản phẩm hàng hóa do nông dân sản xuất ra chủ yếu là "tự sản, tự tiêu". Đường mở ra rồi, nông sản trở thành hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn khẳng định: "Một trong những yếu tố tạo nên phong trào và sự đồng thuận của người dân là trong quá trình thi công các nguồn vốn được minh bạch, nhất là vốn đóng góp của nhân dân; 100% tuyến đường đều có sự giám sát chặt chẽ của người dân”. Những xã làm tốt phong trào là những địa phương biết quan tâm, sâu sát, tuyên truyền, vận động và minh bạch trong các khoản đóng góp của nhân dân, người dân đã tích cực góp công, góp của, sức lực làm đường. Nhiều xã tỷ lệ đóng góp lên tới 60 - 70% giá trị công trình. GTNT phát triển là tiền đề để Văn Chấn thực hiện xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Anh Dũng

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục