Công nghiệp Trấn Yên tăng tốc về đích

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/10/2017 | 12:35:44 PM

YBĐT - 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 308,556 tỷ đồng, bằng 68,57% kế hoạch.

Công nhân Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa gấp rút hoàn thành các đơn hàng cuối năm.
Công nhân Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa gấp rút hoàn thành các đơn hàng cuối năm.

Những ngày này, đến với huyện Trấn Yên mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ, tinh dầu quế, khai thác chế biến khoáng sản, sản phẩm may mặc... vẫn đẩy nhanh tiến độ sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2017.

Tại Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa, xã Báo Đáp chúng tôi cảm nhận được không khí lao động khẩn trương của hơn 40 công nhân đang làm việc tại các dây chuyền: xẻ thanh, gia công thanh, cắt ngắn, phay nguồn, tráng keo, ép dọc, phay cạnh gỗ... 

Chị Trần Thị Loan đang phân loại gỗ cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang phải tăng ca để hoàn thành các đơn hàng. Mặc dù thời tiết mưa, nhưng công việc của chúng tôi không bị ảnh hưởng do toàn bộ làm việc trong nhà xưởng”.
 
Mặc dù trong 9 tháng năm 2017, hoạt động sản xuất chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện Trấn Yên gặp nhiều khó khăn, nhưng Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa vẫn hoạt động tốt do tìm được chỗ đứng trên thị trường. 50% sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu sang Hàn Quốc. 

Để bảo đảm sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu, thời gian qua, doanh nghiệp đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để nâng cấp nhà xưởng, xây thêm lò sấy, mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại, tự động hóa cao như máy bào cao tốc...
 
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Giám đốc Doanh nghiệp cho biết: "Năm 2017, doanh nghiệp phấn đấu sản xuất 2.200 m3  gỗ, doanh thu khoảng 22 tỷ đồng và đến nay doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng”.

Xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là trọng tâm trong phát triển kinh tế, động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, huyện Trấn Yên luôn tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư một số lĩnh vực có lợi thế về sản xuất, chế biến nông lâm sản, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc xuất khẩu...
 
Đến nay huyện Trấn Yên có 331 cơ sở đăng ký hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; trong đó, có 45 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 3 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 9 hợp tác xã và 265 hộ kinh doanh. 

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng 9 tháng năm 2017, hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện Trấn Yên vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 308,556 tỷ đồng, bằng 68,57% kế hoạch.
 
Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt trên 236 tỷ đồng. Một số sản phẩm công nghiệp địa phương chủ yếu được duy trì và tăng so với cùng kỳ như: ván bóc, ván gỗ dán (okan), gạch xây dựng các loại, sản phẩm may gia công, khai thác quặng...

Ông Nguyễn Quốc Đoàn - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng cho biết: "Để đạt mục tiêu, kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 là 450 tỷ động, huyện tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đã quy hoạch và thị trường; khuyến khích nhà sản xuất trực tiếp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ tham gia và tổ chức các hội chợ triển lãm để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp thị sản phẩm, thu thập thông tin, nắm bắt thị trường; hỗ trợ vốn chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, chi phí đăng ký nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu...; tăng cường khuyến công...”.

Cùng với đó, Trấn Yên đã tạo điều kiện tốt nhất cho các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh bình đẳng thuận lợi và phát triển. Huyện đã tập trung vào các giải pháp cụ thể hóa và thực hiện tốt các chính sách của trung ương, của tỉnh về khuyến khích thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.
 
Kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch và chuẩn bị quỹ đất, tập trung các nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước trong khu, cụm công nghiệp... tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, hệ thống giao thông quốc gia, giao thông nội tỉnh, lao động cho các thành phần kinh tế phát triển. Tăng cường giải pháp kết nối các thành phần kinh tế với nông dân, vùng nguyên liệu, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm an ninh trật tự.

Với những giải pháp đưa ra, huyện Trấn Yên quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2017, làm tiền đề vững chắc cho năm 2018 với mục tiêu kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 530 tỷ đồng.

Hồng Duyên

Các tin khác
Công nhân Công ty cổ phần cấp nước Nghĩa Lộ sửa chữa đường ống khu vực cầu Thia.

YBĐT - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài gây ra lũ lớn, một số đường ống dẫn nước chính của Công ty cổ phần Cấp nước Nghĩa Lộ đã bị đứt và cuốn trôi khiến 10.000 hộ gia đình trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ mất nước.

Cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Yên, lãnh đạo xã An Thịnh và thôn Khe Cát kiểm tra đường trục thôn Khe Cát mới được bê tông hóa.

YBĐT - Bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, từ đầu năm đến nay, các xã: Yên Phú, An Thịnh, Yên Hợp, huyện Văn Yên đã vận động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất, cây cối, hoa màu... mở rộng, bê tông hóa trên 8,3 km đường giao thông nông thôn. 

YBĐT - Đã hơn một tháng trôi qua nhưng hiện trường vụ sạt lở taluy tại tổ 8, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái vẫn còn khá ngổn ngang. Người dân tại đây dù đã có thời gian di dời toàn bộ tài sản đến nơi an toản nhưng rồi lại quay trở về chấp nhận cuộc sống tạm bợ và luôn lo lắng mỗi khi trời mưa gió.

BOT Quang Đức trên đường Hồ Chí Minh dự tính di dời để đón phương tiện lưu thông trên đường tránh.

Tổng cục ĐBVN đề nghị từ ngày 1/11 giảm phí qua 5 trạm BOT giao thông trên 4 QL14, 19 và 91 và BOT cầu Yên Lệnh (QL38) nối Hưng Yên với Hà Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục