Thi công 10 công trình trọng điểm của Yên Bái: Quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/11/2017 | 7:10:54 AM

YênBái - YBĐT - Với mục tiêu tạo động lực thu hút các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt và triển khai 10 công trình trọng điểm có tính chiến lược để triển khai thực hiện.

Công trình cầu Tuần Quán đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Công trình cầu Tuần Quán đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trong 10 dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, có 6 dự án chuyển tiếp: Dự án cầu Tuần Quán, Dự án cầu Bách Lẫm kết nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; Dự án đường vành đai suối Thia kết hợp với phát triển quỹ đất thị xã Nghĩa Lộ; Dự án nâng cấp, cải tạo Khu tưởng niệm Bác Hồ và Di tích lịch sử văn hóa Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái; Dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng thành phố Yên Bái. 4 dự án khởi công mới là Dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Dự án Hạ tầng kỹ thuật Công viên Đồng Tâm, thành phố Yên Bái; Dự án tu bổ, tôn tạo, mở rộng Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái; Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị phía Nam, thành phố Yên Bái. 

Để đảm bảo tiến độ thi công các công trình, chủ đầu tư đã tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời thường xuyên giám sát, chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ công trình. 

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc điều hành, Phó Chỉ huy Công trường gói thầu xây dựng cầu Tuần Quán cho biết: "Chưa năm nào thời tiết lại khó khăn như năm nay, mưa liên tục nhiều tháng khiến nhiều hạng mục thi công phía dưới chân cầu không thể thực hiện được. Chúng tôi đã bố trí luân phiên anh em công nhân làm việc hợp lý nhất, lúc nước lớn thì thi công các hạng mục phần mặt cầu, khi nước cạn thì thi công các hạng mục dưới chân cầu, đảm bảo luân phiên 3 ca để đẩy nhanh tiến độ”. 

Ông Đỗ Việt Bách – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, đại diện chủ đầu tư Dự án cầu Tuần Quán, Dự án cầu Bách Lẫm và Dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cho biết: "Với trách nhiệm chính của mình, chúng tôi thường xuyên sâu sát chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các hạng mục công trình, xong phần việc nào tập trung ngay vào phần việc khác để đảm bảo đúng tiến độ. Tuy nhiên, trong công tác thi công, vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan nên tiến độ một số công trình cũng không hoàn thành đúng kế hoạch, vướng mắc. Cụ thể là công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân chậm tiến độ kéo theo nhiều hạng mục khác bị ảnh hưởng. Về vấn đề này, chúng tôi đã họp, rút kinh nghiệm với các đơn vị thi công và bàn các biện pháp giải quyết hợp lý nhất”.  

Đánh giá một cách tổng thể thì 6 dự án chuyển tiếp đều chậm tiến độ. Cụ thể: Dự án cầu Tuần Quán, theo kế hoạch sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2017 nhưng phải lùi lại đến ngày 3/2/2018. Nguyên nhân do việc giải ngân nguồn vốn vẫn chậm, đến hết ngày 30/9/2017,  nguồn đầu tư bố trí cho Dự án mới bằng 47,75% tổng mức đầu tư, trong đó theo quy định của Trung ương phải đạt 70%. 

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng đoạn tuyến từ cầu Bảo Lương đến cuối tuyến vẫn còn vướng mắc 8 hộ tại nút giao với quốc lộ 32C. Dự án cầu Bách Lẫm kết nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn vướng 21 hộ, khoảng 200 mét chưa đảm bảo mặt bằng thi công. Dự án đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên vẫn còn vướng mắc 1 hộ. 

Dự án đường vành đai suối Thia kết hợp với phát triển quỹ đất thị xã Nghĩa Lộ còn vướng mắc chưa giải phóng mặt bằng Nhà máy Sắn và 6 hộ khu vực Bản Xa, xã Nghĩa Lợi chưa bố trí được khu tái định cư. Dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng thành phố Yên Bái, giai đoạn I còn vướng mắc 3 hộ dân ở đường Hoàng Văn Thụ chưa giải quyết được; giai đoạn II các hạng mục chưa có mặt bằng thi công, gồm: Khu tái định cư tổ 16, tổ 20 phường Yên Ninh; khoảng 500 mét /tổng số 900 mét đường Lương Yên. 

Đối với các dự án khởi công mới thì đơn vị chủ đầu tư mới tổ chức thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và lựa chọn nhà thầu để thi công. Có thể nói, các dự án chậm tiến độ đều do công tác giải ngân chậm và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, thời tiết, thiên tai cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án. 

Cụ thể như Dự án đường vành đai suối Thia kết hợp với phát triển quỹ đất thị xã Nghĩa Lộ, chủ đầu tư là UBND thị xã Nghĩa Lộ, hiện tại hạng mục đường đã hoàn thành 2,2 km/tổng số 2,9 km nền đường và công trình thoát nước tại các đoạn tuyến, hạng mục kè suối Thia đã thi công hoàn thành theo phương án khắc phục khẩn cấp được thông qua đáp ứng tiến độ đề ra. Song, do trận lũ đầu tháng 10 vừa qua, toàn bộ tuyến đê kè suối Thia với tổng chiều dài trên 2 km bị sạt lở đã khiến công việc thi công các hạng mục tiếp theo gặp khó khăn. 

Ông Chu Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, đại điện đơn vị chủ đầu tư đường vành đai suối Thia kết hợp với phát triển quỹ đất thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Sau mưa lũ, thị xã đã tiến hành đánh giá mức độ thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh có phương án điều chỉnh bổ sung kinh phí bởi thiệt hại là rất lớn. Khi tỉnh có phương án bổ sung, điều chỉnh kinh phí thị xã sẽ tiếp tục đôn đốc nhà thầu triển khai để đẩy nhanh tiến độ”. Nói như vậy, nhưng về năng lực của một số nhà thầu vẫn chưa đảm bảo nên tiến độ công trình chậm, công tác giải phóng mặt bằng chậm, hầu như dự án nào cũng vướng mắc ở công tác giải phóng mặt bằng, chính bởi thế mà tiến độ công trình không đảm bảo. 

Tại buổi họp đánh giá tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh hồi cuối tháng 9 vừa qua với các sở, ngành và các huyện thị liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã chỉ rõ nguyên nhân tiến độ triển khai các dự án còn chậm, nguyên nhân chủ quan do chủ đầu tư không kiểm tra giám sát chặt chẽ nhà thầu thi công; tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân vốn còn chậm; chủ đầu tư chưa quyết liệt để thay thế nhà thầu không đủ năng lực… 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng thời thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo, kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy, các chủ đầu tư phải lập kế hoạch tổng tiến độ dự án từ khi triển khai đến khi kết thúc; tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thực hiện tốt việc lựa chọn nhà thầu có năng lực, chất lượng cho các gói thầu mới; quản lý thi công xây dựng tại công trường cần chú ý kiểm soát chặt chẽ tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động. Sở Xây dựng phải thành lập đoàn công tác kiểm tra liên ngành để kiểm tra chất lượng, tiến độ các công trình, có báo cáo gửi UBND tỉnh tiến độ thi công từng tháng. 

Đối với các dự án mới, các sở, ngành phối hợp tốt với các địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ, hỗ trợ các địa phương lựa chọn nhà thầu, hướng dẫn các đơn vị trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, giải ngân vốn cho dự án. Trong quá trình thực hiện cần kiểm tra năng lực của các nhà thầu có thực hiện đúng cam kết hay không, nếu không đáp ứng yêu cầu có thể  thay thế nhà thầu khác, bổ sung thêm nhà thầu phụ để đẩy nhanh tiến độ các công trình theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Thanh Tân

Các tin khác
Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu nuôi tằm.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt giúp xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Văn Yên đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục