Từ một thôn "3 không" (không điện, không đường, không trạm), với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, giao thông đi lại đến khu hạ sơn đã được bê tông hóa, người dân đã được sử dụng điện, nước, thông tin liên lạc dễ dàng hơn. Đồng bào Mông đã cùng nhau thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tại khu định cư mới.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Làng Lao là nơi sinh sống của 73 hộ dân, với 475 nhân khẩu và 100% là đồng bào Mông. Anh Sùng A Dơ - Trưởng thôn Làng Lao chia sẻ: "Ngày xưa, ở đây điều kiện khó khăn lắm! Không có điện thắp sáng, không có đường, không có thông tin gì từ bên ngoài. Đời sống người dân quanh năm vất vả. Cái đói cái khổ cứ đeo bám không dứt, bệnh tật thì xảy ra liên miên. Do không có điều kiện đi lại nên người dân khi ốm đau, bệnh nặng thường uống lá thuốc, mời thầy mo cúng ma nên nhiều người không khỏi và về với tổ tiên chứ hiếm khi trụ được đến lúc anh em khiêng cáng vượt rừng đưa xuống trạm xá”.
Làng Lao ngày đó dường như là khu biệt lập của xã Cát Thịnh. Cuộc sống khép kín cùng với các hủ tục đã nảy sinh những tệ nạn xã hội, nhận thức của người dân còn hạn chế, các đối tượng xấu lợi dụng xâm nhập để truyền đạo trái phép, nhất là tệ nạn ma túy, trồng cây thuốc phiện, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, gây khó khăn rất nhiều cho công tác quản lý. Ông Phạm Văn Tiến- Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh chia sẻ: "Trong 7 thôn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Làng Lao là thôn tách biệt với trung tâm xã, đi lại khó khăn. Lúc đó, công tác quản lý, nắm bắt tình hình cơ sở khá khó khăn đối với xã. Đây cũng là nguyên nhân để Làng Lao khó khăn lại càng chồng chất khó khăn”.
Với chủ trương hạ sơn để an cư lạc nghiệp đối với đồng bào Mông ở Làng Lao, huyện Văn Chấn đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi, hệ thống giao thông đi lại được đầu tư từ các Chương trình 135, hỗ trợ nhà... giúp dân định cư, giảm nghèo bền vững. Đến nay, đời sống của đồng bào Mông khu hạ sơn Táng Khờ 1 đã có những đổi thay tích cực.
Diện mạo đời sống mới
Năm 2011, thực hiện đề án của tỉnh Yên Bái về hạ sơn đồng bào dân tộc Mông tại thôn Làng Lao, xã Cát Thịnh xuống nơi ở mới tại thôn Táng Khờ 1, xã Cát Thịnh đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể vượt rừng đến với Làng Lao vận động đồng bào Mông nơi đây hạ sơn. Là một trong những hộ đầu tiên xuống nơi ở mới Táng Khờ 1, anh Sùng A Pha cùng 7 thành viên trong gia đình đã di chuyển xuống nơi ở mới và lúc đầu điều kiện mọi mặt rất khó khăn vì đất canh tác không có nên đã có những lúc gia đình đã muốn trở lại nơi ở cũ. Song, được sự động viên, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và các đoàn thể, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của huyện Văn Chấn mà gia đình anh Pha đã yên tâm ở lại định canh định cư. Anh Pha chia sẻ: "Nghe theo Đảng và Nhà nước vận động, mình xuống khu định cư nơi này và cuộc sống của gia đình mình thay đổi nhiều lắm. Ở đây có điện, có đường đi lại dễ dàng hơn, không mất nhiều thời gian xuống trung tâm xã như trước kia nữa và con cái mình được học tập tốt hơn, mình vui lắm!”.
Khu định cư mới đã có 45/73 hộ dân tại thôn Làng Lao hạ sơn, ổn định cuộc sống. Để người dân ở khu hạ sơn yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từ nhiều nguồn đầu tư của Nhà nước, các chương trình hỗ trợ của tỉnh, dự án phát triển vùng, Chương trình 135… xã Cát Thịnh đã huy động người dân cùng chung tay mở mới, bê tông 7 km đường lên khu bản hạ sơn và hoàn thành vào năm 2014 phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân với kinh phí đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Ngoài ra, thôn còn được đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu trị giá 4,8 tỷ đồng và hệ thống nước sạch với số vốn hơn 1,8 tỷ và nhiều công trình phụ trợ khác như: nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nước sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ làm nhà ở.
Không chỉ đầu tư hỗ trợ các công trình phúc lợi phục vụ sản xuất, công tác vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng được thực hiện sát sao hơn. Nhận thức của người dân đã dần dần thay đổi; do vậy, một số hủ tục đã dần được xóa bỏ. Người chết được đưa vào quan tài rồi mới tổ chức lễ tang, không bắn súng, không bón cơm cho người chết và chôn cất đúng nơi quy định không gây ô nhiễm môi trường như trước đây.
Đám cưới người Mông cũng có nhiều thay đổi như không thách cưới cao, không mổ nhiều trâu, bò nên cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, an ninh trật tự, an toàn xã hội được kiểm soát. Người dân yên tâm phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo được giảm rõ rệt qua từng năm. Việc học tập của con em vùng hạ sơn cũng được quan tâm nên tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 95%, học sinh tiểu học được học 2 ca/ngày, chất lượng chăm sóc trẻ ở bậc mầm non được quan tâm nên tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cũng giảm mạnh so với trước đây. Anh Chảo Pla Sinh, thôn Táng Khờ 1 chia sẻ: "Định canh định cư tại nơi ở mới, cuộc sống thay đổi nhiều lắm. Chúng tôi được tiếp cận thông tin bên ngoài nhiều hơn, con cái được đến trường học tập, chăm sóc nên cũng khỏe mạnh hơn. Mình có nhiều thời gian để phát triển kinh tế bằng việc nuôi thêm lợn gà, trồng ngô sắn cải thiện đời sống”.
Còn rất nhiều mong muốn
Với tập quán canh tác, phong tục lạc hậu cộng với điều kiện để phát triển kinh tế ở khu định cư mới còn nhiều khó khăn, nên vận động đồng bào Mông ở Làng Lao hạ sơn đã khó, nhưng để họ yên tâm lao động sản xuất, bám đất định cư còn khó hơn. Điều này, đặt ra cho chính quyền xã và các ban, ngành, đoàn thể ở Cát Thịnh phải đề ra những giải pháp thiết thực, với phương châm cầm tay chỉ việc, việc nào dễ làm trước, khó làm sau. Kinh nghiệm sau 6 năm hạ sơn ở Táng Khờ 1 cho thấy, việc thay đổi tư duy của người dân không phải trong một sớm, một chiều, mà cần có thời gian và những việc làm, giải pháp cụ thể.
Ông Phạm Văn Tiến- Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh chia sẻ: "Nhằm giúp người dân nhanh chóng thích nghi và ổn định cuộc sống, hàng tháng, xã cử cán bộ xã, Đoàn Thanh niên xuống giúp dân, hướng dẫn dân cách sắp xếp nhà cửa gọn gàng, cùng dân trồng quế phát triển kinh tế rừng, cây bóng mát quanh nhà, đưa các chương trình hỗ trợ tới các hộ dân như: Chương trình 135, hỗ trợ giống, máy nông cụ; hỗ trợ gạo cứu đói, giáp hạt... Từ đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới, với cuộc sống văn minh".
Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và chính những người dân ở Táng Khờ I, để làm nên những bước đổi thay rõ rệt hơn nữa ở bản hạ sơn vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước đòi hỏi nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và việc thực hiện các chính sách thực sự hiệu quả để người dân hạ sơn thực sự ổn định và phát triển đời sống kinh tế - xã hội.
Quang Sơn