Rộn ràng một sáng xuân

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/2/2018 | 9:13:45 AM

YBĐT - Con đường về bản Nả Háng B dốc tiếp dốc như chạm mây. Nhà văn hóa của bản khang trang nằm giữa khu đất bằng phẳng hoàn thành tháng Tư năm 2017 là công trình chào mừng 60 năm thành lập huyện Mù Cang Chải.


Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải vốn có đầy đủ đặc trưng chung riêng của một địa phương vùng cao đặc biệt khó khăn. Ông Mùa A Tòng - Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông chậm rãi: "Không thể nhanh được đâu, chọn cách đi hợp lý, hiệu quả nhất mới hay. Xây dựng nông thôn mới của địa phương xác định phải rất lâu dài bởi rõ ràng thực tế là như thế”. 

Gần một nửa số tiêu chí nông thôn mới hoàn thành sau quá trình bảy năm triển khai đủ thấy còn nhiều khó khăn ngày mai. Dẫu vậy thì quan trọng cứ vẫn tiếp tục hành trình chứ không dừng bước khi nhân dân đã đồng thuận, chung sức. 

Có thể hiểu theo nghĩa nào cũng chính xác, lòng dân đã thông mở những con đường, gần lại các bản xa, kết nối cả cộng đồng. Ví dụ ngay đoạn đường từ trục chính dẫn vào Púng Luông nối Trường Mầm non xã vừa tròn 100 mét. 

Nhắc lại thời gian mười năm qua về đoạn đường đất này, có bao nỗi niềm của nhiều gia đình, phụ huynh sinh sống ở ba bản Púng Luông, Đề Chờ Chua A, Đề Chờ Chua B đưa đón con cháu ngày hai buổi. 

Mong muốn chung của nhà trường, của phụ huynh, của địa phương cuối cùng đã gặp nhau, thống nhất để hình thành con đường bê tông vào giữa tháng Mười một năm ngoái. Mỗi giáo viên ủng hộ một ngày lương, các phụ huynh đóng góp cát sỏi và ngày công, Nhà nước hỗ trợ xi măng, gia đình có ruộng tự nguyện hiến đất để mở rộng và uốn đường thẳng đã nhanh chóng giúp tuyến đường trị giá một trăm triệu đồng hoàn thành trong vòng bốn ngày đúng tiêu chuẩn giao thông nông thôn.  

Những điều đẹp đẽ hiển hiện hôm nay đã đưa nhiều tháng ngày hôm qua trở về. Người nào quên thì quên chứ Bí thư Đảng ủy xã Mùa A Tòng vẫn nhớ như in vào năm 2011, Púng Luông mới có duy nhất tuyến đường đến bản Háng Cơ Bua được bê tông hóa. 

Thì vẫn cứ đúng theo phương châm rất chậm rãi nhưng chắc chắn để đến bây giờ, có bảy trong số mười bản của Púng Luông đã có đường bê tông về tận trung tâm bản với tổng chiều dài 24 km. Thế nên vào bản mới thấy nhiều xe máy ngược xuôi, những gương mặt đồng bào Mông rạng rỡ, ô tô qua lại vận chuyển hàng hóa… 

Kể tên ba bản còn lại chưa có đường bê tông: Nả Háng A, Nả Háng B, Mí Háng Tủa Chử thì khó khăn nhất chính là Nả Háng A, Nả Háng B. Khoảng cách từ trung tâm xã về mỗi bản chỉ bốn cây số nhưng độ dốc cao, nền đường chưa bảo đảm lại qua suối nên thách thức không nhỏ. Mới hay rằng suốt sáu năm qua, đồng bào nơi đây cố gắng ra sao để mở ra những con đường êm thuận. 

Nhìn sau rồi nhìn trước, các tuyến đường chưa bê tông hóa dù khó thật sự khó cũng sẽ phải tìm cách giải quyết trong các chương trình, nguồn vốn lồng ghép. Số liệu thống kê đóng góp của nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới trong hai năm qua chiếm 10% tổng nguồn vốn đầu tư, cụ thể có hơn 1,28 tỷ đồng. 

"Nếu nói con số ấy là nhỏ thì cũng nhỏ bởi người dân xã Púng Luông còn khó khăn. Nếu nói lớn thì cũng thật lớn trong chuyển biến về nhận thức, về hành động của đồng bào đối với quá trình xây dựng nông thôn mới” - Bí thư Mùa A Tòng chia sẻ. 

Con đường về bản Nả Háng B dốc tiếp dốc như chạm mây. Nhà văn hóa của bản khang trang nằm giữa khu đất bằng phẳng hoàn thành tháng Tư năm 2017 là công trình chào mừng 60 năm thành lập huyện Mù Cang Chải. Vách bưng gỗ dổi, mái lợp phibro, láng nền, dân bản đóng góp 159 triệu đồng cùng 30 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ, nhà văn hóa bản Nả Háng B to nhất xã, to nhất trong 7/10 bản có nhà văn hóa. 

Ông Lù Vảng Tồng - Trưởng bản hồ hởi: "Úi, các cụ già bản mình bảo là nhà văn hóa này chỉ làm có một lần thôi nên phải làm cho ra làm chứ, phải làm bằng gỗ cho chắc, cho bền, cho thoáng mát. Các cụ cũng nhiệt tình vận động bà con dân bản ủng hộ lắm đấy!”. 

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, lần đầu có nhà văn hóa rõ vui. Bà Hảng Thị Phếnh ở sát nhà văn hóa bảo thích lắm vì trước chỗ này mỗi nhà bà ở, nay thì luôn có người. Bà kể chuyện góp tiền làm nhà văn hóa cũng vừa phải, cả bản nhất trí rồi cùng nhau vận chuyển gỗ này, dựng nhà này, đoàn kết lắm. 

Ông Lù Chồng Chua chồng bà góp lời: "Không ai bảo đâu nhưng ở gần nhà văn hóa nên tự làm bảo vệ mà, không để gia súc vào sân rồi vệ sinh sạch sẽ vì cháu mình ngày nào cũng ra đấy chơi”. 

Rồi họ náo nức bàn chuyện tiếp tục ăn tết chung này sẽ diễn văn nghệ, thi thể thao thì không còn phải tìm chân ruộng khô nữa, sân nhà văn hóa rộng thế cứ thỏa thuê vui chơi mặc sức. Cây sào nứa vắt ngang bên hiên nhà bà Phếnh giăng tràn váy áo Mông, hoa văn nhảy múa trong nắng ấm, rộn ràng một sáng xuân.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Bản đồ chuỗi thực phẩm an toàn.

Để phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, đến nay, các địa phương trên cả nước đã xây dựng được 764 chuỗi cung ứng.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác của Tập đoàn FLC thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.

Sự phát triển của phong trào khởi nghiệp ở Yên Bái thời gian qua với những câu chuyện thú vị về doanh nhân khởi nghiệp cuốn hút sự chú ý của nhiều người. Mỗi cá nhân và mỗi doanh nghiệp đang nỗ lực làm cho mình và cống hiến cho xã hội...

Tại một chợ hoa tự phát trên phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) mỗi cây quất nhỏ này có giá 250.000-500.000 đồng/cây.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, sức mua trên thị trường ngày 30 Tết vẫn tăng mạnh so với ngày 29 Tết và lượt khách đến chợ tập trung vào buổi sáng.

6 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới kèm mưa lớn, lũ ống, lũ quét xảy ra trên diện rộng cùng hàng loạt rào cản thị trường… - 2017 thực sự là một năm "bão táp” với ngành nông nghiệp. Song dấu ấn của nhà nông để lại đối với nền kinh tế năm qua lại chính là khả năng "vượt bão".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục