Nông dân tấp nập xuống đồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/2/2018 | 1:55:15 PM

YBĐT - Sau tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tranh thủ thời tiết thuận lợi nông dân các địa phương trong tỉnh tấp nập xuống đồng gieo cấy, chăm sóc lúa xuân trong không khí vui tươi phấn khởi với hy vọng sang năm mới mùa màng bội thu.

Nông dân huyện Văn Yên cấy lúa đông xuân.
Nông dân huyện Văn Yên cấy lúa đông xuân.


Với mong muốn giành được mùa vàng bội thu, ngay từ mùng 4 tết, nhà nông ở các địa phương trong tỉnh đã tưng bừng đón xuân mới trên đồng ruộng. Trên cánh đồng thôn Bản Tại xã Tân Lập, huyện Lục Yên chúng tôi bắt gặp không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân, người làm cỏ, người đổ ải, nạo vét kênh mương.
 
Chị Nguyễn Thị Yến đang chăm sóc lúa đông xuân cho biết: "Gia đình tôi có 6 sào ruộng chủ yếu gieo cấy bằng giống Thiên ưu 8. Hơn một nửa diện tích đã cấy trước tết,  sau tết, tranh thủ thời tiết nắng ấm, gia đình tạm gác việc vui xuân tập trung xuống đồng cấy lúa xuân đảm bảo khung thời vụ tốt nhất”.
 
Hòa trong không khí lao động của nông dân, chúng tôi có mặt tại huyện Văn Yên. Trên các cánh đồng, tranh thủ thời tiết nắng ấm bà con ra đồng như trảy hội. Không khí đón tết được người dân chuyển từ nhà ra đồng, nhiều gia đình khẩn trương cấy nốt diện tích lúa xuân đảm bảo khung thời vụ tốt nhất.
 
Bà Triệu Thị Liều, thôn 1 xã Đại Sơn cho biết: "Nhà tôi có hơn 4 sào ruộng, trong đó cấy 2 sào Khang dân còn lại chủ yếu là giống Chiêm hương. Trước tết, thời tiết rét đậm, rét hại nhưng do tuân theo lịch thời vụ và che chắn nilon cho mạ nên trong thôn không xảy ra hiện tượng mạ bị chết rét”.
 
Ông Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên thông tin nhanh: "Vụ xuân này, toàn huyện đưa vào gieo cấy 2.900 ha lúa xuân, trong đó, riêng vùng Đại - Phú - An bố trí 100% lúa thuần Hương chiêm để phát triển thương hiệu gạo Hương chiêm của huyện. Đối với các xã vùng cao, bố trí trên 70% diện tích gieo cấy là lúa lai Nhị ưu 838, Nghi hương 305, TH3-3, còn lại là giống lúa thuần Hương chiêm, HT1, TBR225, Thiên ưu 8, J02. Đối với các xã vùng thấp, bố trí 60% diện tích gieo cấy bằng các giống lúa thuần chất lượng cao gồm: Hương chiêm, HT1. Thời vụ đối với các xã vùng thấp, tập trung gieo mạ từ sau tiết tiểu hàn, tránh gieo mạ vào những ngày rét đậm, rét hại, thời gian cấy tập trung sau tiết lập xuân (4/2/2018), trước tết Nguyên đán và kết thúc gieo cấy vào ngày 15/2/2018”.
 
Tại huyện Văn Chấn, bà con cơ bản gieo cấy trước tết, diện tích cấy sau tết tập trung ở các xã vùng ngoài và vùng cao. Tại cánh đồng Mường Lò vựa lúa của tỉnh, nhiều chân ruộng được phủ xanh bằng màu xanh của lúa.
 
Bà Bùi Thị Chanh đang thăm đồng cho biết: "Nhà tôi cấy hơn 4.500 mét vuông ruộng, nhưng đã cấy xong từ trước tết. Mặc dù trước tết rét đậm xảy ra, nhưng do tích cực đưa nước vào giữ ấm nên mạ không bị chết rét. Hiện nay chúng tôi tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm vụ xuân giành thắng lợi”.
 
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, đến nay toàn huyện gieo cấy được trên 70% diện tích lúa xuân và hầu hết các diện tích mạ gieo cấy trước tết được bảo vệ và chăm sóc đúng kỹ thuật nên sinh trưởng và phát triển tốt. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân này, toàn tỉnh phấn đấu đưa vào sản xuất trên 18.830 ha. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm nhà nông đang tập trung sản xuất lúa xuân phải đối diện với 2 đợt rét đậm, rét hại kéo dài và huyện Mù Cang Chải xuất hiện băng tuyết nên đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy.
 
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương đã có những chỉ đạo kịp thời hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo chống rét cho cây trồng vật nuôi.
 
Cùng với đó là các biện pháp kỹ thuật chống rét cho mạ và lúa được triển khai kịp thời. Đối với mạ: 100% diện tích mạ đã che phủ nilon; chuẩn bị tro rơm rạ hoặc tro bếp bón bổ sung giữ ấm chân mạ. Đối với những diện tích lúa đã cấy cần đưa nước vào để giữ ấm, duy trì mực nước 2 - 3 cm, không được để khô ruộng. Đối với cây rau màu thì không gieo trồng trong những ngày nhiệt độ xuống thấp; đồng thời, chuẩn bị tốt các khâu làm đất, giống, phân bón để khi thời tiết ấm lên mới tiến hành gieo trồng, đảm bảo kịp thời vụ.
 
Với những chỉ đạo và hướng đi đó, đã giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo của các địa phương thì đến nay bà con trong tỉnh đã cấy được 70% diện tích và diện tích chưa cấy còn lại tập trung ở khu vực vùng cao của một số huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Lục Yên. Diện tích này dự kiến hoàn thành gieo cấy trong tháng 2/2018.
 
Về cơ cấu giống có sự tiến bộ vượt bậc, các xã vùng cao đã đưa 65% diện tích lúa lai vào gieo cấy. Các xã vùng thấp, vùng thâm canh diện tích cấy lúa lai chiếm 60%, lúa thuần, lúa chất lượng cao đạt 40 % diện tích. Thời tiết đang thuận lợi cho sản xuất vụ xuân. Với sự chỉ đạo sát sao, bà con từ vùng thấp đến vùng cao đang nỗ lực phấn đấu cho một vụ xuân bội thu.

Văn Thông

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục