Yên Bái: Chú trọng nâng cao chất lượng đàn gia súc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/3/2018 | 8:03:42 AM

YBĐT - Trong chiến lược tái cơ cấu ngành chăn nuôi, con giống được coi là khâu then chốt mở đầu cho cả quá trình. Việc ứng dụng kỹ thuật truyền tinh nhân tạo (TTNT) là một trong những nhân tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đàn trâu, bò, từng bước cải tạo, phục tráng đàn trâu, bò đang bị thoái hóa, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi.

Ông Hoàng Văn Gòong, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn chăm sóc cặp bò sinh đôi nhờ phương pháp truyền tinh nhân tạo.
Ông Hoàng Văn Gòong, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn chăm sóc cặp bò sinh đôi nhờ phương pháp truyền tinh nhân tạo.

Trong Đề án Phát triển chăn nuôi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 có nêu rõ về nhiệm vụ ứng dụng kỹ thuật TTNT cho đàn trâu, bò. Cụ thể, đến năm 2020, tỉnh Yên Bái có trên 15.000 con trâu, bò cái sinh sản được phối giống bằng các giống tiến bộ, có năng suất, chất lượng cao. Như vậy, để thực hiện đúng mục tiêu Đề án này thì mỗi năm phải phối đạt cho trên 3.000 con trâu, bò.
 
Ông Nguyễn Huy Bái - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh cho biết: "Để thực hiện mục tiêu đó, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ truyền tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò. Mặc dù, những tháng đầu năm chưa có kinh phí thực hiện công tác TTNT, song để đảm bảo tiến bộ thực hiện, đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi, Trung tâm đã chủ động sử dụng nguồn tinh dự phòng đồng thời vay ni-tơ và các vật tư phụ trợ để thực hiện công tác TTNT đàn trâu, bò”.
 
Mạng lưới dẫn tinh viên cũng được phủ sóng rộng rãi với 20 dẫn tinh viên tại 18 điểm ở 7 huyện, thị, thành phố (trừ 2 huyện vùng cao là Mù Cang Chải và Trạm Tấu). Đội ngũ dẫn tinh viên đều là những người làm lâu năm, có kinh nghiệm, tay nghề cao, nhiệt tình với công việc.
 
Nhờ đó, trong năm 2017, Trung tâm đã tổ chức phối giống cho 3.449 con trâu, bò cái sinh sản bằng phương pháp TTNT, vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 3.155 con phối đạt bằng các giống trâu, bò chất lượng cao như Brahman, BBB…

Gia đình ông Hà Văn Lệnh, thôn 7, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn lần đầu tiên áp dụng phương pháp TTNT cho biết: "Tôi thấy đàn trâu của gia đình ông Quyền cùng thôn áp dụng phương pháp TTNT này to, đẹp, nuôi 1 năm đã nặng 70-80 kg. Trong khi, trâu của nhà tôi nuôi 1 năm chỉ nặng có khoảng 50 kg. Hỏi ra thì mới biết, ông ấy áp dụng phương pháp TTNT cho đàn trâu nên tôi cũng áp dụng ngay”.
 
Không riêng gia đình ông Lệnh mà nhiều hộ gia đình khác cũng áp dụng phương pháp TTNT để phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa. Chị Nguyễn Thị Hảo ở thôn 13, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn đã nuôi bò từ nhiều năm nay. Có những lúc tổng đàn trên 10 con, nhưng giống nhỏ, trọng lượng thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi có chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, được hỗ trợ liều tinh phối giống, gia đình chị đã tiến hành phương pháp TTNT.
 
Chị Hảo cho biết: "Trước đây, gia đình tôi nuôi bò nhưng hiệu quả không cao lắm, trung bình mỗi con bê chỉ bán được từ 4-5 triệu đồng. Từ 4 năm nay, gia đình tôi đã áp dụng phương pháp TTNT cho đàn bò của gia đình và tôi thấy nhiều được cái lợi. Bò mẹ khỏe hơn. Bê con cũng có trọng lượng tăng từ 3-4 kg, trọng lượng trưởng thành tăng 35 - 50%. Thời gian sinh trưởng cũng rút ngắn từ 8 đến 10 tháng đã có thể xuất bán với giá khoảng chục triệu đồng, trong khi phối giống theo phương pháp truyền thống phải mất 14 tháng”.

Thực tế cho thấy, bê lai 12 tháng tuổi đạt trọng lượng trung bình đạt 150-200 kg, với giá bán từ 15-17 triệu đồng, cao hơn bê nội từ 5-6 triệu đồng. Bê lai lớn nhanh nên nếu mỗi năm cho ra đời khoảng 3.000 bê lai thì sẽ tăng thêm được trên 195.000 kg thịt bò hơi, giá trị tăng thêm được trên 16 tỷ đồng/năm.
 
Vì vậy, phương pháp TTNT này không chỉ cải thiện được tầm vóc đàn trâu, bò địa phương, tránh xảy ra tình trạng đồng huyết, dẫn đến chậm phát triển mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, dần thay đổi tập quán chăn thả tự do sang hình thức bán chăn thả, thúc đẩy nghề chăn nuôi trâu, bò hàng hóa phát triển.

Hoài Anh

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục