Kết quả bước đầu thử nghiệm giống dâu đa mục đích ở Việt Thành

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/3/2018 | 8:13:58 AM

YBĐT - Từ tháng 5/2015 đến tháng 12/2017, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã thực hiện Đề tài "Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật và trồng thử nghiệm giống dâu thu hoạch quả tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái”.

Giống dâu quả dài được trồng tại gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở thôn 6, xã Việt Thành huyện Trấn Yên, phát triển tốt và đã cho thu hoạch quả.
Giống dâu quả dài được trồng tại gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở thôn 6, xã Việt Thành huyện Trấn Yên, phát triển tốt và đã cho thu hoạch quả.

Mục tiêu của Đề tài là: xác định giống dâu có khả năng chuyển giao vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng sản xuất dâu đa mục đích (vừa thu hoạch quả, vừa thu hoạch lá), tăng hiệu quả kinh tế cho sản xuất dâu tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Sau quá trình điều tra thực trạng sản xuất dâu tại huyện Trấn Yên, cơ quan chủ trì và nhóm thực hiện Đề tài căn cứ vào tiêu chí đã chọn được 4 hộ tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên có đủ diện tích cũng như điều kiện cần thiết tham gia triển khai Đề tài là hộ bà Trần Thị Tuyết, Hoàng Thị Sen, ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn 9 và hộ bà Mai Thị Quyên ở thôn 10; các hộ tham gia mô hình trồng thử nghiệm 2 giống dâu quả tròn và quả dài nhập nội từ Đài Loan trên diện tích 2.400m2.
 
Ngày 6/8/2015 nhóm thực hiện Đề tài đã nhận, giao đủ 800 cây dâu (700 cây dâu quả dài và 100 cây dâu quả tròn) bảo đảm chất lượng và tiến hành hướng dẫn các hộ dân trồng cây theo đúng sơ đồ bố trí các thí nghiệm, cũng như yêu cầu kỹ thuật. Sau khi trồng cả 2 giống dâu đều có tỷ lệ sống khá cao, từ 89% đến 90%.
 
Năm 2016, cơ quan chủ trì và nhóm triển khai tiếp tục phối hợp với UBND xã Việt Thành tổ chức khảo sát địa điểm chọn được 12 hộ tham gia trồng trên diện tích 5.000m2. Tháng 3/2016 nhóm đã phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái tiến hành hướng dẫn từng hộ dân tham gia triển khai mô hình thử nghiệm theo đúng kỹ thuật...  Sau hơn 1 năm triển khai, tỷ lệ sống tại mô hình thấp, chỉ đạt 58,9%.
 
Nguyên nhân chính là do diện tích thực hiện mô hình chủ yếu ngoài ruộng cách xa nhà nên người dân còn lơ là trong việc chăm sóc, bảo vệ dẫn đến nhiều cây bị chết trong thời gian đầu mới trồng. Riêng hộ bà Nguyễn Thị Lan ở thôn 6, trồng trên vùng đất cao, đất thoát nước cây sinh trưởng đồng đều và khá tốt, tỷ lệ sống đạt trên 82% và đã cho thu hoạch quả. 

Vụ thu năm 2017, nhóm thực hiện Đề tài đã thử đốn để theo dõi khả năng phát sinh chồi và ra quả vụ thu của các mô hình. Kết quả: cây sau khi đốn đều bật chồi và ra quả ở những cành già. Tính trung bình mỗi chồi có từ 102-168 quả, tỷ lệ đậu quả từ 72% đến 78%, khối lượng quả chín đạt từ 125-160 gam/100 quả và chiều dài quả dao động từ 7,6 - 9,5 cm.
 
Về chất lượng, kết quả phân tích tại Viện Khoa học sự sống - Đại học Thái Nguyên cho thấy: giống dâu quả dài trồng tại xã Việt Thành (Trấn Yên) có hàm lượng đường tổng số khá cao, lượng vitamin C thấp hơn giống dâu quả tròn, độ brix tương đương và tỷ lệ chất khô cao giống dâu quả tròn, do đó chất lượng quả của giống dâu quả dài cao hơn và quả ăn ngọt hơn...
 
Sau 3 năm triển khai thực hiện đề tài mặc dù trong quá trình thực hiện gặp phải một số khó khăn nhưng cơ quan chủ trì và nhóm triển khai đã luôn bám sát vào nội dung và tiến độ theo thuyết minh đề ra. Cơ quan chủ trì Đề tài đã triển khai được 3 thí nghiệm về giống và kỹ thuật canh tác với tổng diện tích 2.400m2.
 
Kết quả: sau khi nghiên cứu và theo dõi xác định được giống dâu quả dài có tiềm năng tốt hơn giống dâu quả tròn bởi giống sinh trưởng nhanh, khỏe, khả năng ra quả, tỷ lệ đậu quả và chất lượng quả cao hơn giống dâu quả tròn. Bước đầu xác định được mật độ trồng thích hợp giống dâu quả dài là 2500 cây/ha; liều lượng bón phân thích hợp là 0,5kg Ure + 1,0kg Lân supe + 0,5kg Kaliclorua /cây + phun phân bón lá đầu trâu...

Từ kết quả bước đầu đạt được trong thực hiện Đề tài "Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật và trồng thử nghiệm giống dâu thu hoạch quả tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái”, cơ quan chủ trì Đề tài đã tiến hành bàn giao lại các mô hình để các hộ dân tiếp tục chăm sóc và đánh giá theo tư vấn kỹ thuật của nhóm thực hiện Đề tài giai đoạn 2015-2017, làm cơ sở khuyến cáo một cách chắc chắn để bà con huyện Trấn Yên áp dụng vào trồng giống dâu đa mục đích vừa cho thu hoạch quả vừa cho lá để nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong thời gian tới.

Minh Hằng

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục